Xanh hóa trường lớp từ hoạt động bình dị

GD&TĐ - Ô nhiễm môi trường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, GD ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh (HS) trong các nhà trường và bằng những hành động, việc làm nhỏ nhất là cách làm hiệu quả và cần thiết. 

HS tái chế chai đựng nước nhựa bỏ đi thành hộp cắm đồ dùng học tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội). Ảnh: Đức Trí
HS tái chế chai đựng nước nhựa bỏ đi thành hộp cắm đồ dùng học tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội). Ảnh: Đức Trí

Việc làm nhỏ ý nghĩa lớn

Cô Phạm Thị Chang – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Từ nhiều năm nay, năm học nào nhà trường cũng phát động ngày hội bảo vệ môi trường với hàng loạt hoạt động, việc làm thiết thực để giáo dục ý thức cho HS. 

Ví như, các lớp cùng thiết kế thời trang từ túi ni lông, giấy báo, vỏ sữa. Với hoạt động này, HS không chỉ tạo nên một bộ thời trang, mà còn được tìm hiểu, thuyết trình về tác hại của những phế thải này đối với cuộc sống. Mặt khác, các em có thể đưa ra giải pháp tái chế nguyên vật liệu phế thải, đề xuất biện pháp bảo vệ, giữ gìn môi trường trong trường học và cộng đồng. 

Cùng đó, nhà trường còn phát động phong trào HS làm đồ dùng học tập trên lớp từ những nguyên liệu phế thải như hộp cắm bút bằng chai nhựa, đồ dùng học tập từ vỏ sữa; HS quét dọn cổng trường, hàng rào, lớp học; Hoạt động “1 phút sạch trường” – HS nhặt giấy rác sân trường sau buổi xếp hàng đầu giờ hoặc tiết sinh hoạt đội; Tự chăm sóc cây xanh trong trường, lớp học… 

“Những hoạt động, việc làm tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng thiết thực trong việc giáo dục ý thức HS bảo vệ môi trường. HS hứng khởi, say mê với những hoạt động học mà chơi. Ý thức bảo vệ môi trường, lớp học đã nâng lên đáng kể…” – cô Phạm Thị Chang cho biết. 

Trường Tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai – Hà Nội) - một trong số 1.600 trường tiểu học, MN tại Hà Nội tham gia  chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp giấy.  HS của trường được hướng dẫn cách phân loại rác thải, xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống (như cho ống hút vào trong hộp, làm đẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định…).Vỏ hộp sữa được công ty tái chế thu thu gom định kỳ hai tuần một lần chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm lợp…

Cô Lã Thị Hương Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Công đánh giá: “Đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức và hành động của HS cũng như GV khi tham gia chương trình. HS hình thành được thói quen mới, không vứt vỏ hộp giấy sau khi uống xong mà tự giác xử lý và để đúng nơi quy định chờ đưa đi tái chế. Các thầy cô  giáo tham gia chương trình cũng nhận thấy sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn, nhiều thầy cô đã thực hiện phân loại rác tại nguồn tại nhà. Đây là những hiệu ứng lan tỏa hết sức tích cực trong việc bảo vệ môi trường”.

Tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), nhà trường đã phát động phong trào “Trường em xanh sạch đẹp” từ việc tạo hệ thống cây xanh trong trường, lớp học. Điều đáng chú ý là hệ thống cây xanh được chính phụ huynh HS, GV, HS nhà trường trồng trong những “bình hoa”, “chậu cảnh” tận dụng từ chai lọ, xô chậu nhựađã qua sử dụng. Tất cả được sơn sửa, trang trí tạo sự bắt mắt, phong phú, làm sáng rực sân trường, góc lớp. Từ một ngôi trường thiếu vắng cây xanh, bóng mát hiện  Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái được đánh giá là ngôi trường có khung cảnh sư phạm sạch đẹp.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm – Phó Hiệu trưởngTrường Tiểu học Phạm Hồng Thái  khẳng định: Phong trào làm xanh trường lớp học được triển khai không chỉ giúp trường lớp thêm sạch đẹp, HS thích đến trường học tập mà đặc biệt qua đó giáo dục hiệu quả ý thức bảo vệ giữ gìn môi trường cho GV, PHHS, HS. Nâng cao ý thức mọi người trong việc tận dụng đồ phế thải nhựa, ni lông, không vứt rác thải ra trường lớp… để bảo vệ môi trường. 

HS Trường Tiểu học Phan Đình Giót quét dọn thu gom rác thải sân trường. Ảnh: Đức Trí
HS Trường Tiểu học Phan Đình Giót quét dọn thu gom rác thải sân trường. Ảnh: Đức Trí

Bảo vệ môi trường bằng hành động cụ thể

Theo cô Phạm Thị Chang, hoạt động phân loại rác thải để tái chế từ trường học góp phần tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, giảm chi phí xử lý chất thải rắn ngoài xã hội. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm cũng khẳng định: Thế giới và Việt Nam đang phải hứng chịu tác động khủng khiếp từ môi trường, biến đổi khí hậu. Việc giáo dục ý thức cho HS trong các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai không thể chậm chễ.

Trong những giải pháp bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai của các quốc gia, giáo dục là giải pháp hàng đầu. Việc giáo dục cần phải được triển khai cho mọi người ngay từ thủa ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành nhằm trang bị hiểu biết, rèn các kĩ năng phòng chống thiên tai, hành vi bảo vệ môi trường. 

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, để thực hiện tốt và có hiệu quả mục tiêu, nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai trong trường học có thể tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục môi trường qua các môn học; Đưa giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai trở thành nội dung của hoạt động ngoài giờ lên lớp. Các nhà trường cũng cần quan tâm tới môi trường địa phương, hình thành và phát triển thói quen ứng xử thân thiện với môi trường.

Giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai không nhất thiết phải bằng những hoạt động mang tầm vĩ mô mà có thể bắt đầu bằng phương pháp dạy học đa dạng như: Thảo luận nhóm, trò chơi, đóng vai, tái chế rác thải, tạo đồ dùng học tập từ phế thải... Các phương pháp dạy học cần dễ hiểu dễ thực hiện. Và giáo dục bằng trò chơi là phương pháp phù hợp và HSthích tham gia nhất. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.