Giáo dục bảo vệ môi trường: Sáng tạo và không hình thức

GD&TĐ - Giáo dục cho HS ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp và thân thiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Trên tinh thần đó, nhiều trường đã có những cách làm hay, sáng tạo, gần gũi mà không hình thức với HS.

Cô trò Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) trong khuôn viên sư phạm xanh - sạch - đẹp
Cô trò Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) trong khuôn viên sư phạm xanh - sạch - đẹp

Sáng tạo, linh hoạt và gần gũi

Đặt chân đến Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp theo đúng nghĩa. Những hàng cây xanh mướt tỏa bóng mát và những bồn hoa xinh tươi, đủ màu sắc khiến ai nấy đều muốn chụp ảnh lưu niệm. Cô Hiệu trưởng Ngô Thị Quyên cho biết: giáo dục HS ý thức bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ lớn của nhà trường. Có được khung cảnh sư phạm như hiện nay cũng là kết quả của quá trình giáo dục này.

Cô Quyên đặc biệt nhấn mạnh và tâm đắc phương pháp nêu gương. Theo đó, mỗi thầy, cô giáo đều là tấm gương để HS học tập và noi theo. “Nói thì to tát, nhưng chúng tôi bắt đầu từ những việc nhỏ. Đơn giản là tự tay nhặt bỏ vỏ kẹo, hộp sữa… vào thùng rác khi thấy chúng nằm không đúng vị trí. Hoặc thay vì chỉ trích, quát mắng học trò khi thấy các em vứt rác bừa bãi, GV nhẹ nhàng nhắc nhở và cùng các em lượm chúng, rồi bỏ vào đúng nơi quy định. Chỉ hành động như vậy cũng đủ để HS nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và tác động đến ý thức của các em trong việc bảo vệ môi trường” - cô Quyên trao đổi, đồng thời cho hay, xung quanh sân trường, hành lang lớp học đều có thùng rác được đặt ở vị trí dễ nhìn, thuận tiện cho HS thực hiện bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sư phạm.

Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ, Hưng Yên), cô Hiệu trưởng Trần Thị Yến cho biết, chủ đề giáo dục bảo vệ môi trường được nhà trường tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thông qua các giờ lên lớp với những môn học và bài học có nội dung thích hợp. Hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…

Trực tiếp tham dự một tiết học ngoại khóa của một lớp học với chủ đề: “Bảo vệ môi trường” mới thấy sự linh hoạt, khéo léo của GV khi tổ chức hoạt động về một chủ đề được cho là khô cứng này. Thay vì GV đọc tài liệu, rồi “thao thao bất tuyệt” về những số liệu hay những chính sách vĩ mô, HS được trực tiếp làm chủ trong mọi tình huống.

Cụ thể, GV đã chia lớp thành 3 nhóm khác nhau và tổ chức thành cuộc thi với 3 phần. MC cũng chính là một bạn HS trong lớp. GV sẽ đóng vai trò cố vấn. Phần thứ nhất là thi hiểu biết kiến thức. MC đọc câu hỏi xoay quanh chủ đề rồi đưa ra các gợi ý đáp án, sau đó các đội thảo luận và lựa chọn đáp án đúng. Phần thi thứ hai là thể hiện năng khiếu. Theo đó, có đội thể hiện năng khiếu vẽ; có đội biểu diễn thời trang với những bộ trang phục được thiết kế từ các phế phẩm như: Bìa giấy, rác thải nhựa…; có đội diễn xuất tiểu phẩm… Song dù bằng hình thức nào thì tất cả các đội đều nhắn gửi thông điệp: Vì một môi trường xanh - sạch - đẹp và môi trường sư phạm thân thiện, lành mạnh. Phần thi thứ ba là hùng biện. Mỗi đội sẽ hùng biện về một hình ảnh hoặc một sự vật, hiện tượng do MC đưa ra.

Theo cô Trần Thị Yến, với cách giáo dục như trên, bài học sẽ không còn khô cứng, HS hào hứng tham gia và có nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng. “Điều đáng nói là, những kiến thức, kỹ năng ứng xử với môi trường và bảo vệ môi trường được các em thẩm thấu một cách nhẹ nhàng, không hề gò ép hay nhồi nhét. Những kỹ năng đó dần được chuyển hóa thành hành động và việc làm hàng ngày của các em” - cô Yến chia sẻ.

Không phô trương hình thức

Bà Nguyễn Thị Thắm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) nhấn mạnh, giáo dục bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho HS. Theo đó, các trường có thể lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ môi trường vào các hoạt động giáo dục gắn với các chủ đề thích hợp. “Dù dưới bất kỳ hình thức nào thì chúng tôi cũng yêu cầu các trường làm nghiêm túc, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức” - bà Thắm nhấn mạnh.

Thay vì tổ chức những buổi tuyên truyền, hô hào khẩu hiệu về bảo vệ môi trường, chúng tôi giáo dục cho HS thông qua những việc làm thiết thực. Chẳng hạn như: Phát động đến tất cả các lớp học phong trào thi đua bảo vệ môi trường: “Hàng cây em chăm, bồn hoa em trồng”… và thi đua giữ gìn vệ sinh lớp học sạch, đẹp… Cô Ngô Thị Quyên

Liên quan đến giáo dục bảo vệ môi trường, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2019 - 2025. Theo nội dung ký kết, hai Bộ sẽ xây dựng, hoàn thiện nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT gắn với bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới. Đồng thời tiếp tục rà soát, xây dựng và phát triển hệ thống sổ tay hướng dẫn, tài liệu điện tử, học liệu, băng đĩa hình… về giáo dục bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó chú trọng nội dung giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.

Ngoài ra, hai Bộ xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường, tập trung vào việc giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong hệ thống các cơ sở GD-ĐT. Mặt khác, triển khai thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các cơ sở GD-ĐT; tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng lĩnh vực giáo dục bảo vệ môi trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ