Bản chất của việc này là quá trình mà cơ sở giáo dục vận động liên tục để đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại cũng như đòi hỏi thực tiễn đặt ra.
Theo nghĩa rộng, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là tất cả khóa học mà cơ sở đó cung cấp cho nhóm người học khác nhau. Tại nhiều quốc gia phát triển, chương trình đào tạo là tập hợp các học phần mà nhà trường cung cấp, tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên môn của người học.
Còn ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chương trình đào tạo được hiểu như một tập hợp các học phần/ môn học/ chuyên đề được thiết kế cho một ngành đào tạo nhằm đảm bảo cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho nghề nghiệp sau này.
Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định, chương trình đào tạo là hệ thống các hoạt động giáo dục được thiết kế và tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đào tạo, hướng tới cấp một văn bằng giáo dục đại học cho người học. Chương trình đào tạo bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
“Xanh hóa” chương trình đào tạo được coi là một trong năm trụ cột của “xanh hóa đào tạo nghề”, gồm: Trường xanh, chương trình đào tạo xanh, nghiên cứu xanh, cộng đồng xanh và văn hóa xanh. Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng trường đại học xanh là cần thiết, bởi trường đại học có vai trò to lớn trong sự phát triển bền vững của xã hội liên quan đến việc cung cấp kiến thức, kỹ năng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho thế hệ trẻ.
Thông qua hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu là môi trường mẫu để sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên tiếp thu những hiểu biết và thực hành các hành vi, tạo nên thói quen ứng xử bền vững với môi trường xanh. Trường đại học được ví như lớp học lớn với mỗi hoạt động vận hành; là một bài học thực tiễn về cách sống, làm việc thân thiện với môi trường cho từng cá nhân trong trường và cộng đồng bên ngoài.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, đổi mới giáo dục đại học theo hướng phát triển bền vững là mục tiêu dài hạn, đồng thời là công cụ và phương tiện chủ chốt, chìa khóa để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới. Vì thế, xây dựng trường đại học xanh và “xanh hóa” chương trình đào tạo là một trong những cách thức hiệu quả để thực hiện mục tiêu này.
Muốn vậy, cần có sự thống nhất, đoàn kết của các cấp lãnh đạo, quản lý và toàn thể nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như hỗ trợ, ủng hộ cả về chủ trương, cơ chế, nguồn lực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ đại học, đặc biệt là các nội dung tự chủ trong quản lý điều hành hoạt động của nhà trường; tự chủ tài chính, tuyển dụng, quản lý và xác định điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ, giảng viên và người lao động trong trường.