Chương trình đào tạo đại học: Thay đổi hay… giậm chân tại chỗ

GD&TĐ - Nhiều trường đại học đang xây dựng chiến lược thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo, gắn liền với xu thế phát triển của đất nước và quốc tế.

Ứng dụng các công nghệ mới trong đào tạo lĩnh vực máy tính, công nghệ ứng dụng tại Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH
Ứng dụng các công nghệ mới trong đào tạo lĩnh vực máy tính, công nghệ ứng dụng tại Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH

Nếu không thay đổi, các trường có thể sẽ “giậm chân tại chỗ” trước đòi hỏi của thị trường lao động.

Điều chỉnh học phần

Ngày 10/5, Trường Đại học Tài chính - Marketing (TPHCM) lấy ý kiến các bên liên quan về mục tiêu chuẩn đầu ra và nội dung chương trình đào tạo trình độ đại học. Tại hội thảo này, PGS.TS Phan Thị Hằng Nga - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, chương trình đào tạo bậc đại học của nhà trường dự kiến tăng 2 tín chỉ so với hiện hành, lên 122 tín chỉ. Chương trình có sự điều chỉnh nhiều trong từng khối kiến thức.

Theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, chương trình đào tạo đại học gồm 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành.

Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 gồm 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.

Cụ thể, khối kiến thức đại cương giảm từ 34 xuống còn 26 tín chỉ. Trường dự kiến cắt bỏ học phần tiếng Anh tổng quát và chỉ đào tạo tiếng Anh chuyên ngành. Đồng thời, trường không đào tạo học phần Toán cao cấp và Tin học ứng dụng mà học sinh đã được dạy ở phổ thông.

Trong khi đó, với khối kiến thức cơ sở ngành, trường dự kiến tăng thêm 18 tín chỉ so với chương trình hiện hành (từ 24 lên 39 tín chỉ). Khối kiến thức chuyên ngành dự kiến giảm từ 24 xuống còn 15 tín chỉ. “Theo chủ trương đào tạo để sinh viên có đủ kiến thức nền tảng tiếp cận nhiều vị trí việc làm khác nhau, trường quyết định giảm khối kiến thức chuyên ngành xuống để tăng kiến thức cơ sở ngành”, đại diện nhà trường lý giải.

Cụ thể hơn, để đáp ứng vị trí việc làm trong điều kiện hiện nay, nhà trường dự kiến thay học phần Toán cao cấp bằng Toán kinh tế; thay Tin học ứng dụng bằng Năng lực số. Ở khối kiến thức cơ sở ngành, chương trình dự kiến thêm các học phần mới như: Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Phát triển bền vững, Trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh. Đồng thời, nhà trường bổ sung học phần Tài chính công, Hành vi khách hàng, Phân tích dữ liệu kinh doanh vào phần kiến thức ngành.

Theo PGS.TS Phan Thị Hằng Nga, với điều chỉnh này, khối kiến thức đào tạo chuyên sâu chiếm 12% chương trình đào tạo của Trường Đại học Tài chính - Marketing.

So sánh với các cơ sở giáo dục đại học khác cùng khối ngành kinh tế, khối kiến thức chuyên sâu tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện chiếm khoảng 14%, Đại học Kinh tế TPHCM khoảng 10%, một số trường đại học nước ngoài 14 - 16%. Do đó, sự thay đổi của Trường Đại học Tài chính - Marketing phù hợp với các trường trong nước và quốc tế hiện nay.

Theo ghi nhận, không chỉ Trường Đại học Tài chính - Marketing, nhiều trường đại học cũng có thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo. Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM, nhiều năm nay, môn Toán cao cấp trong các ngành đào tạo khối kinh tế, công nghệ, kỹ thuật được thay thế bởi các môn phù hợp hơn như Toán kinh tế, Toán kỹ thuật. Một số ngành đào tạo bỏ hẳn môn Vật lý đại cương, Hóa đại cương…

Tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM, trước năm 2014, chương trình đào tạo có môn Toán cao cấp. Sau đó, môn học này được thay thế bằng các môn Đại số tuyến tính, Giải tích. Điều này giúp các đơn vị đào tạo của trường có thể chủ động lựa chọn theo yêu cầu ngành học, sinh viên được trang bị kiến thức toán học phù hợp và có tính ứng dụng cao với ngành nghề, công việc sau này. Với Trường Đại học Nha Trang, nội dung toán học được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khác nhau, theo hướng tăng giảm tùy theo lĩnh vực.

Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: UFM

Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: UFM

Đáp ứng đòi hỏi của công nghệ mới

Điều chỉnh các học phần, chương trình đào tạo của các trường đại học còn đứng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo. TS Nguyễn Vinh Quang - nhà sáng lập tổ chức định hướng nghề nghiệp Mr.Q, trong ngày hội việc làm hồi đầu tháng 5/2024 tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đã nêu 5 yếu tố thách thức trong thị trường lao động ngày nay mà sinh viên mới ra trường gặp phải.

Trong đó, yếu tố lớn nhất là công nghệ và tự động hóa, trí tuệ nhân tạo thay đổi liên tục, đồng thời phủ sóng ở nhiều ngành nghề. Kỹ thuật, công nghệ số cũng xuất hiện ở các ngành nghề tạo ra thách thức và cơ hội cho sinh viên. Doanh nghiệp sẽ yêu cầu trình độ nhân lực ngày càng cao, đòi hỏi người lao động nhiều kỹ năng hơn. Đáp ứng yêu cầu này, các trường đại học phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các ngành học mới.

Nổi bật nhất trong xu hướng này là các ngành Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế vi mạch, Khoa học dữ liệu, Kinh tế số… Hệ thống giáo trình cũng được thay đổi, cập nhật liên tục. Chương trình đào tạo chú trọng các kỹ năng mới như: Tìm kiếm thông tin, cập nhật phần mềm, tiếp cận và lưu trữ dữ liệu, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo…

PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng khẳng định xu thế trên tại ngày hội thực tập và việc làm lần thứ 16 của trường (tháng 5/2024). Ông Trung lấy ví dụ ở ngành Ngân hàng. Theo đó, ngành này đã chuyển hướng theo xu thế số hóa. Do đó, sinh viên cần được rèn luyện các kỹ năng 4.0, từ thái độ đến trình độ chuyên môn ngay khi ngồi tại giảng đường, để có thể đáp ứng nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp.

Những năm gần đây, càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn và tiên phong trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong ngành Tài chính, Ngân hàng.

Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, việc nhúng công nghệ số vào quy trình và công việc là cần thiết. Nhà trường đang hướng đến việc học hỏi và phát triển mạnh AI để dẫn đầu trong việc đào tạo và ứng dụng công nghệ mới nhất. Trường cũng đẩy mạnh việc thu hút các tiến sĩ, phó giáo sư hàng đầu về ngành Trí tuệ nhân tạo đến giảng dạy.

Một ví dụ khác ở ngành Du lịch từ thực tế đào tạo của Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Theo đó, nhà trường nhận định việc đào tạo ngành Du lịch hiện nay đôi khi chưa phù hợp nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng. Các doanh nghiệp phải đào tạo ít nhất 6 tháng đến 1 năm.

Điều này bắt nguồn từ việc chương trình đào tạo của một số trường thiên về học thuật hoặc ngược lại, quá chú trọng đến thực hành mà thiếu kiến thức nền tảng. Do đó, Khoa Du lịch đề xuất chương trình đào tạo cần cải tiến, trong đó chú trọng những kiến thức khoa học như lịch sử, địa lý, văn hóa, công nghệ thông tin, ngoại ngữ…; bỏ bớt môn học không cần nhiều tư duy mà người học vẫn có thể tìm hiểu trên Internet.

Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm trong ngày hội việc làm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM, tháng 5/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm trong ngày hội việc làm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM, tháng 5/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Cập nhật chương trình đào tạo

Tại hội thảo lấy ý kiến về mục tiêu chuẩn đầu ra và nội dung chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Tài chính - Marketing, PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với chức năng của trường đại học công lập chuyên ngành tài chính quốc gia, trường không chỉ có nhiệm vụ đào tạo chương trình đại học chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội, mà còn cả ngành Tài chính nói riêng với nhiều lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu như:

Thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, dự trữ quốc gia, chứng khoán. Nhiệm vụ này, đòi hỏi phải xây dựng một chiến lược, nội dung, chương trình đào tạo chuẩn, phù hợp, gắn liền với xu thế phát triển của đất nước và quốc tế.

Theo chuyên gia, cần chú trọng đào tạo sinh viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành tốt và khả năng thích ứng cao với môi trường làm việc mới; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề...

Về chuẩn đầu ra, cần cụ thể hóa và đo lường được chuẩn của từng ngành đào tạo, cập nhật thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu các tổ chức quốc tế. Để có sự thay đổi trên, nội dung chương trình đào tạo cần cập nhật theo xu hướng phát triển của ngành nghề, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đưa nội dung thực tế vào giảng dạy, chú trọng đào tạo các kỹ năng thực hành cho sinh viên.

Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành hồi tháng 6/2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học có nhiều quy định nhắc đến cấu trúc, yêu cầu chương trình đào tạo. Chuẩn chương trình đào tạo phải được rà soát, chỉnh sửa, cập nhật định kỳ ít nhất một lần trong 5 năm.

Thông tư quy định cụ thể về yêu cầu đối với chương trình đào tạo: Đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định, chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, khối ngành (nếu có) và khung trình độ quốc gia Việt Nam; thể hiện rõ khả năng góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực theo kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, quốc gia và nhu cầu của thị trường lao động…

Ngoài ra, chương trình cần được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra; phải tích hợp giảng dạy kỹ năng với kiến thức; phải có ma trận môn học hoặc học phần với chuẩn đầu ra, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được phân bổ và truyền tải đầy đủ thành chuẩn đầu ra của các môn học hoặc học phần.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, số lượng tín chỉ tích lũy bắt buộc ở trình độ cử nhân hiện nay còn 120 - 125 và trình độ kỹ sư là 150 tín chỉ. Ngoài kiến thức đại cương, kiến thức chuyên môn có ý nghĩa quan trọng với sinh viên khi đi làm, đặc biệt với định hướng đào tạo ứng dụng.

Hiện, các chương trình đào tạo của Trường Đại học Công Thương TPHCM duy trì kiến thức chuyên ngành ở mức khoảng 40%. Với khối ngành Kinh tế, kiến thức đại cương gần 26,5%; cơ sở ngành 31,4%; ngành và chuyên ngành trên 40%.

Ở khối ngành Kỹ thuật, Công nghệ, kiến thức đại cương và khoa học cơ bản chiếm 26,8%; cơ sở ngành 24,2%; kiến thức ngành giai đoạn 1 (cấp bằng cử nhân) là 30,4% và giai đoạn 2 chuyên sâu đặc thù (cấp bằng kỹ sư) 18,6%. “Các trường buộc phải thay đổi để phù hợp, đảm bảo chất lượng chương trình, chuẩn đầu ra, vừa đảm bảo thời gian đào tạo ngắn nhất cho người học”, ông Phạm Thái Sơn cho biết.

Thay vì giảng dạy một chương trình chung, nhiều trường đại học còn xây dựng nhiều chương trình khác nhau giúp cá nhân hóa việc đào tạo. Các trường xác định rõ điểm mạnh, yếu của từng người học để đưa ra chương trình đào tạo phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ