Chương trình đào tạo đại học: Hóa giải nỗi sợ cho người học

GD&TĐ - Thay vì học “cuốn chiếu” môn đại cương, cơ sở lý luận trong 1 - 2 năm đầu như trước đây, nhiều cơ sở GD ĐH đan xen các môn chuyên ngành từ năm thứ nhất.

Sinh viên Trường ĐH Đồng Nai. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường ĐH Đồng Nai. Ảnh: Website nhà trường

Cùng đó tổ chức kiến tập, “giảng đường doanh nghiệp” và các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên….

Thiết kế đan xen

Trước khi vào học đại học, Trần Hữu Phúc – sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Bưu chính viễn thông (Hà Nội) từng được anh/chị khóa trước chia sẻ về những môn học “đáng sợ nhất” ở đại học. Trong đó, nhiều môn thuộc về học phần đại cương. Khi trở thành sinh viên, em hiểu vì sao các anh/chị sợ những môn học này.

“Dù không đến mức sợ nhưng em chưa thấy hứng thú vì hầu hết môn học đại cương khô khan, trừu tượng và khó nhớ”, Hữu Phúc bộc bạch và mong muốn, các trường thiết kế đan xen giữa môn chuyên ngành với đại cương. Nên chia đều các môn học đại học trong 4 năm học, tránh nhàm chán, áp lực cho sinh viên.

Trước thực tế trên, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thiết kế, xây dựng chương trình phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người học. Tại Trường ĐH Đồng Nai, từ năm thứ nhất, sinh viên được tiếp cận một số môn cơ sở chuyên ngành và chuyên ngành.

TS Lê Anh Đức - Hiệu trưởng nhìn nhận, trước đây, hầu như sinh viên năm nhất phải học toàn bộ môn đại cương. Vô hình trung khiến các em chán, thậm chí bỏ học dù chưa hết học kỳ I năm thứ nhất. Lý do các em đưa ra là, chương trình các môn học đại cương khó, khô khan, vĩ mô, trừu tượng và chủ yếu lý thuyết...

“Sinh viên phải biết và hình dung được ngành mình đang học thế nào. Có như vậy mới kích thích được đam mê học tập, nghiên cứu của các em. Muốn sinh viên yêu ngành, trường thì phải giúp các em hiểu về nó. Khi đã hiểu các em sẽ toàn tâm, toàn ý với lựa chọn. Vì vậy, chúng tôi không để đến năm thứ 3, 4 sinh viên mới được cọ xát với các môn chuyên ngành”, TS Lê Anh Đức nhấn mạnh và cho biết, việc tổ chức cho sinh viên học các môn chuyên ngành ngay từ năm thứ nhất là giải pháp hữu hiệu nhằm đạt mục tiêu trên.

Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai đồng thời cho hay, các môn học đại cương được nhà trường bố trí “rải rác” trong 4 năm học. Thậm chí, một số môn có thể chuyển thành chuyên đề hoặc rút ngắn thời lượng đào tạo để tập trung nhiều hơn các học phần về phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Ngoài ra, cách thức kiểm tra đánh giá cũng đổi mới. Theo đó, thay vì yêu cầu sinh viên làm bài luận theo kiểu kiểm tra ghi nhớ kiến thức, giảng viên có thể đánh giá kết quả theo sản phẩm của nhóm sinh viên hoặc qua bài thuyết trình sau khi kết thúc bộ môn.

Sinh viên chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bảo vệ chuyên đề thực tập trên giảng đường. Ảnh: Sỹ Điền

Sinh viên chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bảo vệ chuyên đề thực tập trên giảng đường. Ảnh: Sỹ Điền

“Mềm hóa” chủ đề bài học

Cũng theo TS Lê Anh Đức, nếu trước đây, sinh viên năm thứ 3, 4 mới được đi kiến tập, thực tập, sau đó làm đồ án tốt nghiệp, thì nay học phần này được Trường ĐH Đồng Nai sắp xếp từ năm thứ nhất. Cụ thể, ngay năm đầu, sinh viên được học tại “giảng đường doanh nghiệp”. Việc tổ chức lớp học ngoài nhà trường giúp các em có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhiều kỹ năng mềm.

Không những vậy, Trường ĐH Đồng Nai còn tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường năng động, sáng tạo cho sinh viên. Tùy từng môn học, giảng viên có thể tổ chức cho các em học tập bên ngoài giảng đường, có thể theo hình thức tọa đàm, hội thảo… Thông qua cách thức này, sinh viên được hướng dẫn, mở rộng kiến thức và làm “mềm hóa” chủ đề bài học. “Bằng phương pháp nêu trên, điểm học tập mỗi kỳ của sinh viên cải thiện đáng kể”, TS Lê Anh Đức chia sẻ.

Từ năm 2017 đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác đưa gần 6 nghìn sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện, đổi mới chương trình, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại phòng lab và thực tế tại doanh nghiệp là cần thiết.

Tổ chức lớp học ngoài giảng đường tạo điều kiện cho sinh viên củng cố và vận dụng kiến thức chuyên môn, nắm bắt quy mô, hiện trạng sản xuất. Sinh viên được tham gia các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Cách làm này cần được áp dụng cho sinh viên năm thứ nhất và 2, chứ không đợi đến năm thứ 3 - 4 mới triển khai và nên được rải đều trong các năm học.

Không chỉ thay đổi chương trình, nhiều trường còn bổ sung môn học mới gắn liền thực tế, cùng đó là đổi mới cách thức truyền đạt cũng giúp sinh viên hứng thú học tập.

TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay, trong quá trình tổ chức đào tạo, nhà tuyển dụng lao động cũng tham gia xây dựng, triển khai chương trình tiên tiến của trường. “Chúng tôi tin rằng, sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến có thể hòa nhập với thị trường lao động và dễ dàng thích nghi, làm tốt công việc của mình”, TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.

Hiện, các chương trình đào tạo của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đã thay đổi khá nhiều, TS Nguyễn Mạnh Thế - Trưởng khoa Toán Kinh tế cho hay. Các môn cơ sở như Chính trị, Chủ nghĩa Mác – Lênin và môn cơ sở ngành không thực hiện “cuốn chiếu” trong 2 năm đầu mà đan xen giữa các năm. Thậm chí, có những môn về lý luận chính trị đưa vào năm cuối.

Theo TS Nguyễn Mạnh Thế, tại Khoa Toán kinh tế của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, từ năm đầu tiên, sinh viên được học một số bộ môn nền tảng ngành. Đồng thời tăng cường kiến tập, thực tập cho người học ngay năm thứ 2. Đây cũng là định hướng đào tạo của các khoa trong trường, đào tạo gắn với thực tế và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có 4 - 5 phòng lab. Sinh viên có cơ hội nghiên cứu tại đây nhằm nâng cao chất lượng, kết quả học tập; trên hết, giúp các em sớm tiếp cận với công nghệ 4.0. “Bằng cách trên, nhiều sinh viên năm thứ 3 đã được một số đơn vị ký hợp đồng làm việc 3 tháng hè, sang năm thứ 4 doanh nghiệp ký hợp đồng làm việc như nhân viên chính thức”, TS Nguyễn Mạnh Thế cho hay.

Nhiều trường đại học thiết kế cho sinh viên học song song các môn đại cương và chuyên ngành ngay từ năm đầu tiên. Ảnh: TG

Nhiều trường đại học thiết kế cho sinh viên học song song các môn đại cương và chuyên ngành ngay từ năm đầu tiên. Ảnh: TG

Vận dụng mô hình “lớp học đảo ngược”

Từ thực tiễn, Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) đã sửa đổi chương trình học nhằm giảm bớt áp lực cho sinh viên khi học các môn đại cương. TS Hoàng Công Kiên – Hiệu trưởng cho biết, nhà trường có những điều chỉnh về chương trình đào tạo, giúp sinh viên không nản trong quá trình học.

Chẳng hạn, ngay năm thứ nhất, ngoài môn học cơ sở, nhà trường tăng thời lượng môn học mang tính giới thiệu ngành, chuyên ngành, cùng đó là các môn học trải nghiệm ngành nghề. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh viên học lại hoặc bỏ học vì áp lực học các môn đại cương, do chương trình khô cứng không còn.

Cũng theo TS Hoàng Công Kiên, ngoài sửa đổi chương trình, phương pháp giảng dạy của các giảng viên cũng được đổi mới. Nhiều năm nay, Trường ĐH Hùng Vương áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” với nhiều bộ môn, học phần; trong đó có các môn đại cương. Bằng cách “đảo ngược” quá trình dạy học so với cách dạy truyền thống, mô hình này khai thác triệt để ưu điểm của công nghệ thông tin, góp phần giải quyết những hạn chế của lớp học truyền thống.

“Đảo ngược” được hiểu là sự thay đổi với dụng ý và chiến lược sư phạm thể hiện ở cách triển khai các nội dung, mục tiêu và hoạt động dạy học khác với cách truyền thống trước đây”, TS Hoàng Công Kiên trao đổi và nhấn mạnh, trong mô hình lớp học đảo ngược, hoạt động “học ở lớp, làm bài tập ở nhà” được chuyển thành hoạt động tự học ở nhà qua video bài giảng, học trực tuyến, nghiên cứu bài học qua Internet.

Bài giảng của giảng viên được gửi trước cho sinh viên và trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho hoạt động định hướng, giảng viên nghe sinh viên báo cáo, trao đổi, chia sẻ phần chuẩn bị trước khi củng cố và chốt lại các nội dung bài học. Cách thức này phù hợp với yêu cầu tổ chức dạy học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở đại học.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Công Kiên, trong lớp học đảo ngược, giảng viên đóng vai trò người điều tiết hỗ trợ, đưa ra các tình huống có vấn đề để hướng dẫn sinh viên giải quyết; từ đó tiết kiệm thời gian và tạo cơ hội phát triển tư duy cho người học. Việc tổ chức dạy học áp dụng theo mô hình lớp học đảo ngược cần sự hỗ trợ của phần mềm quản lý chuyên nghiệp để hoạt động giáo dục, đào tạo đạt hiệu quả tốt hơn, sinh viên hứng thú và chủ động trong việc tiếp cận kiến thức, phát triển nhiều kỹ năng.

Mặt khác, giảng viên dành nhiều thời gian trên lớp để trao đổi, kiểm tra, nắm bắt tình hình học tập của sinh viên cũng như có điều kiện khai thác, mở rộng vấn đề cần nghiên cứu. Đây cũng là cơ hội tốt để giảng viên giúp sinh viên bồi dưỡng năng lực tự học với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Theo TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, chương trình đào tạo cần xuất phát từ nhu cầu xã hội, doanh nghiệp; đồng thời xác định mục tiêu, đối tượng đào tạo sẽ được cung cấp kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra thế nào.

Cơ sở giáo dục đại học có thể bố trí cho sinh viên học song song các môn đại cương và chuyên ngành ngay từ năm đầu tiên. Tuy nhiên, nên sắp xếp thời lượng môn đại cương nhiều hơn ở năm đầu và giảm dần những năm cuối. Điều này đồng nghĩa, thời lượng các môn chuyên ngành sẽ được tăng cường cuối khóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.