(GD&TĐ) - Làng Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trước đây được người ta gọi bằng những cái tên nghe rất xót xa: Làng phong, làng hủi, làng cùi... Muốn vào được làng phải vượt qua khá nhiều khó khăn. Sau gần một năm “dời biển” lên đất liền, cuộc sống của 66 hộ dân nơi đây hoàn toàn mất hẳn sự biệt lập. Họ hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng.
Không hề bị kì thị
Người dân làng Vân di dời đến khu tái định cư mới |
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến làng Vân là sự niềm nở, nhiệt tình của con người nơi đây. Không có sự dè dặt đề phòng với người lạ, ngồi tiếp chuyện chúng tôi là bác Bùi Văn Tưởng - “bác sĩ” lâu năm của làng, tươi cười bảo: “Vừa mới có đoàn từ thiện từ Huế vào đấy. Cứ thỉnh thoảng vài tháng lại có đoàn từ thiện xuống, y như rằng mang bánh kẹo, gạo...”. Khuôn mặt ai nấy sáng ngời, chờ gọi đến tên mình lên nhận quà. Trẻ con tay cầm kẹo, đầu đội thùng mì tôm chạy nhảy chân sáo về nhà, các cụ tay xách tay cầm túi đủng đỉnh vài bao thuốc phòng khi ốm đau.
Bác Tưởng cho biết thêm, khi nghe tin xây khu nhà tái định cư cho người dân trong làng gần 100 người dân ở tổ 14, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng bao vây, cản trở đơn vị thi công. Biểu hiện đó cho thấy họ không đồng ý cho người làng lên đây sống. Thế nhưng kể từ ngày 25/8/2012 đến nay, cuộc sống giữa người dân trong làng và người dân quanh đó vẫn hòa đồng, bình đẳng với nhau, chẳng có chuyện gì đặc biệt xảy ra.
Nói về con cái với lòng tự hào
Cồn cát làng Vân cũ dưới chân đèo Hải Vân |
Qua lời giới thiệu của bác Tưởng chúng tôi tìm đến bác Nguyễn Văn Xứng, cựu chiến binh bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Thấy chúng tôi đến bác đùa như thật: “ Thế vào làng không sợ mắc bệnh à”. Tiếp chuyện trong căn nhà vừa được cấp năm ngoái, bác Xứng nói với ánh mắt sáng và đầy niềm tự hào: “Thiệt chưa thấy nơi nào được như Đà Nẵng, tôi tìm hiểu rồi. Ít thấy nơi nào mà hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân phong nhiều như Đà Nẵng này”. Bác nhìn ra sân, nơi mấy đứa trẻ nhà bên đang chơi với cả sự trìu mến. Qua bác, chúng tôi biết được, các em nhỏ nơi đây rất chịu khó, chuyên cần. 66 hộ dân trong 2 tổ 13 và 14 chi bộ, 11 Xuân Thiều, Hòa Hiệp Nam đều cho con em đến trường đúng tuổi. Các cháu học khá giỏi, trong đó cấp 2 chiếm số học sinh giỏi lớn nhất 13 em. Còn lại chia đều cho các cấp.
Hơn thế nữa, con em trong làng còn có người học xa, học cao ở các thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn....Có người học cao đẳng, người lên đại học, người đang học cao học. Bác Tưởng có 3 người con đều thành đạt, đi ra từ làng, từ sự cố gắng vươn lên. Trong cách nói chuyện Bác không hề nhắc đến tên của bất cứ người con nào, nhưng chính nụ cười tươi, ánh mắt vô lo của bác, tôi thấy trong đó là cả một niềm tự hào, là cả một khoảng trời thỏa mãn của một người cha.
Cuộc đời bố mẹ đã không bằng người ta, không được làm ông này bà nọ, phải cho đời con đời cháu nó khác mình. Kiểu gì cũng phải cho nó học. Con cái nhà ai học được, sẽ nhận được sự động viên hỗ trợ từ làng và Hội khuyến học. Không học được cũng phải cho ra ngoài kia, nó bươn chải tìm cách nó sống để nó lớn nó khôn. Chứ suốt ngày cứ trú nắng trú mưa trong nhà ra xã hội biết bao giờ nó mới phát triển được. Lỡ đến cái tuổi 30, 35 không còn tiếp thu được con chữ, thì cũng ráng cho con nó học lấy cái nghề mà tu lấy nghiệp. Đó là cái nguyện vọng chung của những ông bố, bà mẹ mong mỏi cho con cái mình có một cuộc sống khác tại làng Vân.
Tạm biệt nhé, làng cùi
Khu định cư mới của cư dân làng Vân |
Trước đây, khi được tin phải di chuyển vào khu tái định cư mới, trong lòng mỗi người dân trong làng đầy hoang mang. Không được sinh ra như những con người bình thường, phải sống biệt lập bên đèo Hải Vân suốt 40 năm trời, họ sợ không được xã hội chấp nhận, sợ bị kì thị. Người lớn thì không sao, nhưng tội cho lũ nhỏ. Chúng còn đang tuổi đến trường, chỉ một lời nói vô tâm sẽ tác động lớn tới tâm hồn nhạy cảm của chúng. Thật may, điều họ lo lắng hoang mang không xảy ra.
Tôi nhớ như in lời bác Xứng nói: “Kể từ khi bọn nhỏ nó đi học đến giờ, chưa thấy trường hợp nào về nhà nó khóc lóc, chưa thấy cháu nào bị bạn bè tẩy chay, chê cười”. Bạn bè thầy cô ở trường không hề có thái độ kỳ thị, trái lại còn hết sức giúp đỡ, quan tâm. Bởi thế, khi chuyển lên đây, người dân trong làng không còn nỗi lo nào nữa. Bác Xứng, cũng như bà con trong làng đều mong muốn có nhiều hơn nữa sự quan tâm đặc biệt từ các hộ di dời mặt đất, từ các hội khuyến học, các tổ chức cá nhân có tấm lòng thiện nguyện tạo điều kiện cho con em trong làng có cơ hội được học tập, làm việc, hòa nhập tốt hơn trong cộng đồng.
Có được kết quả trên là cả một quá trình phấn đấu và làm việc của UBND TP Đà Nẵng. Chính sách đúng đắn kịp thời của các cấp chính quyền thành phố, là sự chỉ đạo nhanh chóng tới các quận huyện, trường. Sự tuyên truyền tốt từ lãnh đạo các nhà trường tới đông đảo học sinh, sinh viên. Sự động viên, giáo dục tới các xã phường trong quận Liên Chiểu. Quan trọng hơn là sự quan tâm từ các hộ di dời mặt đất. Sự vào cuộc một cách kịp thời của các cơ quan, tổ chức truyền thông, cũng như nhận thức đúng đắn của đông đảo mọi người trong xã hội. Điều này đã tạo hứng khởi cho con em đến trường, cố gắng vươn lên phấn đấu không ngừng.
Rời khu tái định cư làng Vân sau 3 tiếng đồng hồ tiếp xúc và nói chuyện với người dân nơi đây, vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng ê a đọc vần, tiếng dao thớt va vào nhau, tiếng các cụ cười khà vỗ đùi đen đét đọc nhau nghe tin mới sáng nay. Lòng tự nhủ: Có lẽ sẽ không bao giờ còn nghe thấy 2 từ làng phong nữa.
Thu Hiền