Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Một thành tựu của đổi mới giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lần đầu tiên nước ta thực hiện xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa - đây là một thành tựu của đổi mới giáo dục.

Học sinh tham khảo sách giáo khoa Việt Nam và các nước. Ảnh minh họa: ITN
Học sinh tham khảo sách giáo khoa Việt Nam và các nước. Ảnh minh họa: ITN

Trong 10 năm qua, từ khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến nay, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ đổi mới các vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, mà còn đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Đối với giáo dục phổ thông, tập trung đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Trong đó, lần đầu tiên nước ta thực hiện xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Đây là một thành tựu của đổi mới giáo dục.

Hệ lụy khi chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất

Việc học sinh cả nước chỉ học một chương trình và một bộ sách giáo khoa có nhiều ưu điểm như: Đảm bảo chuẩn giáo dục thống nhất; giảm bất bình đẳng giáo dục; đảm bảo chất lượng; việc kiểm tra, đánh giá học sinh dễ dàng; thuận lợi trong đối sánh kết quả học tập giữa học sinh với nhau và giữa các trường; giáo viên thuận lợi trong giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm với nhau; giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách và gia đình… Chính vì những lợi ích trên, nên hiện nay có một số cử tri, đại biểu Quốc hội đề nghị quay về một chương trình, một bộ sách giáo khoa như trước đây.

Tuy nhiên, đối với nền giáo dục phổ thông (GDPT) mà tất cả học sinh học cùng một nội dung và phương pháp giảng dạy theo mô hình giáo dục đồng nhất sẽ gây ra hệ lụy rất lớn về nguồn nhân lực - không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão. Do đó, nhiều quốc gia đã từ bỏ mô hình giáo dục đồng nhất này. Những hệ lụy đó là:

Trước hết, mô hình giáo dục này chủ yếu đào tạo ra những “công dân đồng phục”, thiếu kỹ năng phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo và kỹ năng hợp tác để giải quyết những vấn đề phức tạp, chưa từng xảy ra của cuộc sống.

Thứ hai, mô hình giáo dục này hạn chế phát triển tài năng của mỗi người, vì không có sự phân hóa học sinh dựa trên năng lực, nhu cầu học tập của họ. Việc cho người học nhiều lựa chọn là vô cùng quan trọng, được nhiều nước áp dụng, để đảm bảo rằng, họ sẽ phát triển hết tiềm năng của mình và theo đuổi đam mê, sáng tạo ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Thứ ba, GDPT chỉ sử dụng một bộ sách giáo khoa là mang tính áp đặt, không dân chủ, không trao quyền chủ động, sáng tạo cho nhà trường và giáo viên. Mỗi quốc gia có những vùng kinh tế, xã hội, văn hóa, dân tộc khác nhau… nên một bộ sách giáo khoa là không hợp lý. Bên cạnh đó, sách hướng dẫn giáo viên được biên soạn tuyến tính với sách giáo khoa đã làm triệt tiêu động lực nghiên cứu và sáng tạo của giáo viên, do mọi thứ đã có sẵn.

Hơn thế nữa, một bộ sách giáo khoa do Nhà nước chủ trì, dẫn đến NXB được Nhà nước giao biên soạn, xuất bản tạo ra độc quyền. Bộ GD&ĐT chỉ ban hành chương trình khung, người biên soạn sách giáo khoa bổ sung thêm nội dung dạy học dẫn đến tư duy coi sách giáo khoa là pháp lệnh và được xem như một chương trình giáo dục cụ thể.

Giáo viên Trường Tiểu học Long Bình (Bàu Bàng, Bình Dương) tiến hành nghiên cứu các bộ sách giáo khoa cho lớp 4. Ảnh minh họa: ITN

Giáo viên Trường Tiểu học Long Bình (Bàu Bàng, Bình Dương) tiến hành nghiên cứu các bộ sách giáo khoa cho lớp 4. Ảnh minh họa: ITN

Nền giáo dục mang tính nhân bản và khai phóng

Bước vào thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, nếu tiếp tục mô hình giáo dục đồng nhất, khép kín, tập trung thì nguy cơ nước ta sẽ tụt hậu về nhân lực và vốn con người. Vì vậy, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định:

“Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo”. Để xây dựng một nền giáo dục mở, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa… cần thiết phải xóa bỏ mô hình học sinh cả nước chỉ học một bộ sách giáo khoa.

Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13, đã khẳng định chủ trương của Đảng khi nhấn mạnh: Để chủ động triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Luật Giáo dục 2019, là văn bản mang tính pháp lý cao nhất, quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Luật Giáo dục 2019 là thể chế hóa đường lối giáo dục của Đảng thực hiện một chương trình giáo dục và nhiều sách giáo khoa theo xu hướng chung của thế giới.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, giai đoạn 2014 - 2018, Bộ GD&ĐT tập trung nguồn lực để xây dựng chương trình GDPT. Đến năm 2018, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Chương trình GDPT tổng thể và chương trình các môn học/hoạt động giáo dục (gọi là Chương trình GDPT 2018).

Đây là chương trình giáo dục được biên soạn chi tiết, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học, tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm; dành quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên.

Một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa, trong đó, chương trình mang tính pháp lệnh, đảm bảo các trường phổ thông trên cả nước dạy học thống nhất theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là học liệu.

Đây là sự thay đổi rất lớn, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục chi tiết trước khi xây dựng sách giáo khoa. Như vậy, chương trình giáo dục hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo từng cá nhân học sinh, tăng cường tính mở, tính dân chủ và xã hội hóa. Đây chính là nền giáo dục mang tính nhân bản và khai phóng.

Với tinh thần đổi mới như trên, nhiều NXB, các nhà khoa học, nhà giáo dục, giảng viên, giáo viên trong cả nước đã tích cực tham gia xây dựng 5 bộ sách giáo khoa khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay nước ta có ba bộ sách giáo khoa chính thức, được xuất bản bằng hình thức xã hội hóa.

Đó là bộ “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống” do NXB Giáo dục chủ trì và Bộ “Cánh diều” của NXB Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TPHCM phối hợp chủ trì. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa tối ưu với điều kiện của một số địa phương và giá cả sách giáo khoa còn cao, nhưng ba bộ sách giáo khoa này đều có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Đây là lần đầu tiên nước ta xây dựng và xuất bản sách giáo khoa hoàn toàn bằng xã hội hóa. Việc thẩm định sách giáo khoa thông qua một Hội đồng thẩm định quốc gia, do Bộ GD&ĐT thành lập. Khi sách giáo khoa là học liệu, thì học liệu càng phong phú sẽ càng tốt để phục vụ dạy học, triển khai chương trình. Giáo viên được trao quyền chủ động trong chọn ngữ liệu, chọn bài tập phù hợp, phát huy sự năng động, chủ động, sáng tạo của họ.

Mỗi trường, căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung có tính chất định hướng trong Chương trình GDPT 2018 để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Như vậy, hướng đến cùng đạt theo chuẩn đầu ra của chương trình, nhưng cách thức đạt đến chuẩn đó thì dành sự chủ động cho nhà trường.

Bên cạnh đó, triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đã huy động được nguồn lực, trí tuệ xã hội rất lớn cùng tham gia biên soạn sách; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh, giáo viên có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất. Đã có hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Cho đến thời điểm này, triển khai Chương trình GDPT 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường. Đến năm 2025, việc triển khai sẽ kết thúc một lộ trình. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với địa phương chỉ đạo chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng học bộ môn, tập huấn giáo viên, chỉ đạo đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá và chuẩn bị ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Qua nắm bắt thông tin cho thấy, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 thời gian đầu có nhiều lúng túng, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên giảng dạy các môn mới, môn học tích hợp… nhưng dần dần nhà trường, thầy cô đã từng bước thực hiện được một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Việc thẩm định sách giáo khoa tại Bộ GD&ĐT và chọn sách giáo khoa tại các địa phương đi vào nền nếp và sẽ cải tiến việc chọn sách giáo khoa theo hướng giao quyền chủ động cho các trường.

Giáo viên trao đổi về SGK. Ảnh minh hoạ/ INT

Giáo viên trao đổi về SGK. Ảnh minh hoạ/ INT

Giải pháp hoàn thiện sách giáo khoa

Theo tác giả Lang Minh (báo Vnexpress): trong Cẩm nang nghiên cứu sách giáo khoa của UNESCO, có hai hướng tiếp cận song song tồn tại trên thế giới: Một là, coi sách giáo khoa như kim chỉ nam hành động cho giáo viên, không chỉ về nội dung mà cả cấu trúc và cách thức triển khai. Hai là, coi sách giáo khoa như một tập hợp linh hoạt các nội dung tiêu biểu, nhờ đó giáo viên sáng tạo phương pháp và tăng cường học liệu mới sao cho phù hợp để truyền tải nội dung. Hai cách tiếp cận này có thể bổ sung cho nhau mà không cần đối đầu, nên Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore chọn cách làm trung dung sau một thời gian xã hội hóa hoàn toàn sách giáo khoa.

Cũng theo tác giả Lang Minh: Bộ Giáo dục Hàn Quốc tập trung cho bậc tiểu học. Sách ở bậc này phải cung cấp cả phương pháp sư phạm cũng như nội dung cụ thể có độ chính xác cao độ nhất, vì vậy Bộ Giáo dục biên soạn phần lớn sách giáo khoa ở bậc này.

Chính phủ Singapore vẫn yêu cầu Bộ Giáo dục tiếp tục xuất bản sách giáo khoa những môn học liên quan đến ngôn ngữ mẹ đẻ, giáo dục quốc gia và phát triển đạo đức, nhằm giữ gìn bản sắc quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các nhà giáo dục, chuyên gia viết sách về tiếng Trung, lịch sử và chính trị.

Từ kinh nghiệm quốc tế và hoàn cảnh Việt Nam, nước ta có thể triển khai một bộ sách giáo khoa Nhà nước nhưng phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh công bằng mà Nghị quyết 88 đã đề ra. Sự công bằng đó có thể đảm bảo bởi ba yếu tố:

Một là, tập trung vào các môn học đặc thù như Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh… Không cạnh tranh trực tiếp ở các môn học mà các bộ sách xã hội hóa triển khai thành công.

Hai là, tập trung biên soạn sách có tính thích ứng cao với các vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, cả về giá sách lẫn phương pháp sư phạm. Chú ý đến bậc tiểu học, vì đây là bậc học giáo dục bắt buộc tiến đến cấp miễn phí sách giáo khoa như các nước.

Ba là, biên soạn các sách giáo khoa phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị), theo chủ trương của Đảng đã chỉ ra ở Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Quá trình chuyển đổi vai trò từ Nhà nước xuất bản và độc quyền, sang xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa chắc chắn còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh đồng bộ để tối ưu hơn. Nó phụ thuộc vào sự tham gia xây dựng của xã hội, sự hợp tác giữa Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đến nay, có thể khẳng định rằng, việc xã hội hóa trong biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là một thành tựu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nếu quay lại thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa là đi ngược lại tinh thần, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền giáo dục mở, tự do, chủ động, sáng tạo dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, sau một chu kỳ đổi mới Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng cần đánh giá thấu đáo, công tâm những ưu điểm, hạn chế về xã hội hóa sách giáo khoa, từ đó, Bộ GD&ĐT có thể xây dựng thêm một bộ sách giáo khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm tác giả nghiên cứu bột vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt giúp nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt

GD&TĐ - Thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men giúp vịt mau lớn, tăng sức đề kháng là sản phẩm của nhóm HS Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại, Bến Tre).
Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.