Xã hội hóa phương tiện tránh thai: Không thể chậm trễ

GD&TĐ - Phương tiện tránh thai đã góp phần quan trọng vào việc kế hoạch hóa gia đình và ổn định mức sinh trong những năm vừa qua. Nhờ đa dạng hóa về chủng loại, tăng cường về số lượng và chất lượng, đến nay, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) ở nước ta luôn ở mức 76,2%. 

Xã hội hóa phương tiện tránh thai: Không thể chậm trễ

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đang bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi những phương pháp, cách tiếp cận mới.

80% từ nguồn tài trợ

Từ khi bắt đầu chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) đến những năm gần đây, để giảm tốc độ gia tăng dân số nhanh, Việt Nam thực hiện chính sách bao cấp cho người dân khi sử dụng dịch vụ tránh thai. Theo đó, ngân sách Nhà nước chi trả cho cơ sở y tế công lập từ phương tiện tránh thai đến các vấn đề liên quan như chi phí dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản.

Trong thời gian này, 80% phương tiện tránh thai tại Việt Nam được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Nhưng từ năm 2011, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ quốc tế chuyển trọng tâm hỗ trợ sang lĩnh vực khác hoặc quốc gia khác, đến nay chưa có nhà tài trợ quốc tế nào cam kết nguồn vốn ODA để hỗ trợ phương tiện tránh thai cấp miễn phí cho người dân như trước đây.

Vì vậy, ngân sách Nhà nước thay thế nguồn vốn ODA mua phương tiện tránh thai, nhằm tránh cho Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt. Bởi theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc thiếu hụt các phương tiện tránh thai trong Chương trình DS - KHHGĐ có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay số sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số, nhất là vùng mức sinh cao, mức sinh chưa ổn định.

Đây sẽ là gánh nặng về chi phí cho cá nhân và gia đình, tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội của Việt Nam.

Mặc dù một số đối tượng vẫn được cung cấp BPTT miễn phí, nhóm còn lại tự chi trả cho dịch vụ và phương tiện tránh thai nhưng nhìn trên diện rộng, cơ hội tiếp cận phương tiện tránh thai vẫn hạn chế về số lượng, chủng loại và nơi cung cấp. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng còn chiếm tỷ lệ cao (11,2%) trong nhóm phụ nữ có chồng, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa chồng và khoảng 35% trong nhóm thanh niên, vị thành niên. Hệ quả là tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai ngày một gia tăng.

Thay đổi cách tiếp cận

Phương tiện tránh thai miễn phí giảm dần trong khi nhu cầu ngày một gia tăng do tuổi quan hệ tình dục ngày một trẻ hóa, nhóm khách hàng bước vào độ tuổi sinh đẻ tăng lên (riêng số phụ nữ 15 - 49 tuổi tăng từ 25,1 triệu người năm 2015 tăng lên 25,4 triệu người năm 2020) đòi hỏi nguồn cung dồi dào về số lượng, chủng loại và chất lượng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thị trường thương mại phương tiện tránh thai chưa phát triển. Thống kê sơ bộ, thị trường thương mại phương tiện tránh thai còn quá nhỏ bé (chiếm 45 - 50%), chủ yếu là cung cấp bao cao su (chiếm khoảng 80% thị phần). Tiếp đó là viên uống tránh thai (chiếm khoảng 27% thị phần), các phương tiện tránh thai khác chỉ chiếm dưới 10% thị phần).

Mặt khác, phương tiện tránh thai chưa đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng khác nhau và chưa có các tác dụng tích cực khác cho tâm lý, sức khỏe của người sử dụng. Tâm lý bao cấp BPTT vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân nên tình trạng có thì dùng không có thì thôi vẫn diễn ra. Người có nhu cầu dùng thì việc cung cấp lại chưa thuận tiện (thái độ dò xét của người bán hàng với người mua…).

Theo các chuyên gia về DS - KHHGĐ, chính sách, pháp luật về xã hội hóa hoạt động y tế đã được ban hành, nhưng chưa khuyến khích thị trường phương tiện tránh thai phát triển, chưa đủ hấp dẫn các nhà sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế tự tin để tham gia cung cấp mặt hàng này. Bằng chứng là chưa có tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xin cấp phép nhập khẩu phương tiện tránh thai với số lượng lớn để bán trên thị trường.

Phần lớn số phương tiện tránh thai hiện có bán trên thị trường là do nhập khẩu tiểu ngạch hoặc do các dự án viện trợ nhập khẩu nhỏ lẻ. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp can thiệp, hỗ trợ của cơ quan quản lý về dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản nhằm xóa dần tâm lý cung cấp miễn phí, tạo thuận lợi cho các cơ sở cung cấp dịch vụ vượt qua các rào cản, đem lại niềm tin để phát triển và sớm mở rộng thị trường dịch vụ liên quan đến DS - KHHGĐ và sức khỏe sinh sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.