Bài học từ dân vận khéo
Từng là một trong những trường thuộc diện khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, ít ai biết được rằng, những năm về trước khuôn viên trường tiểu học Nậm Cắn 1 vẫn còn khá hoang vu: xung quanh lớp học, thậm chí sân trường cỏ dại mọc bao phủ, mỗi khi đến giờ ra chơi là học sinh “vô tư giải quyết nỗi buồn” ngay đằng sau lớp học của mình.
Nguyên nhân cũng chỉ vì chưa có nhà vệ sinh, hoặc có chăng cũng chỉ là tạm bợ...
Vậy mà, giờ đây, ngôi trường vùng biên với gần 100% học sinh dân tộc thiểu số đã “thay da đổi thịt”: Những lớp học được xây dựng kiên cố hóa, sân trường được đổ bê tông, nhà vệ sinh của học sinh và giáo viên được xây dựng khang trang, sạch sẽ.
Trao đổi với chúng tôi, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương hồ hởi “tiết lộ”: “Ấy là nhờ công lớn của các bậc cha mẹ học sinh. Các bác ấy đã không quản ngại vất vả, đóng góp công sức, ngày công lao động để san đường, làm sân, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho cả thầy và trò. Từng viên gạch, từng lối đi đều thẫm đẫm những giọt mồ hôi của những ông bố, bà mẹ thương con, yêu thầy cô giáo”.
Cũng theo cô Phương, khác với những trường ở thành phố, ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy thay vì vận động người dân ủng hộ tiền bạc thì nhà trường thường vận động phụ huynh tham gia đóng góp ngày công lao động.
Song để huy động được phụ huynh tham gia cần phải dân vận khéo, hiểu lòng dân mới thành công.
“Bà con dân tộc ở đây rất thật thà, chăm chỉ và nhiệt tình. Nếu họ thấy cái gì tốt, có lợi cho con em họ là họ sẵn sàng làm ngay. Hàng ngày chứng kiến thầy cô giáo thương yêu học trò, nhiệt tình dạy các em không ngại khó khăn vất vả, tối về nghe con kể truyện, đọc thơ và còn dạy chữ cho bố mẹ nữa, gia đình nào cũng quý mến thầy cô giáo.
Vậy nên khi nhà trường tuyên truyền vận động phụ huynh tham gia làm đường, làm sân trường, phát quang bụi rậm và xây dựng nhà vệ sinh, nhiều phụ huynh dù bận, địu cả con nhỏ lên để trợ giúp.
Giáo viên cũng hồ hởi “xắn tay áo” cùng làm với phụ huynh. Đến nay, hàng tháng nhà trường đều tổ chức một buổi tổng vệ sinh trường lớp với sự tham gia của đông đảo phụ huynh và giáo viên” – cô Phương cho hay.
Ngoài ra, theo cô Phương, để có được mối quan hệ mật thiết với phụ huynh và bà con đồng bào dân tộc, cán bộ giáo viên cũng phải nhiệt tình giúp đỡ họ họ.
Cô Phương dẫn giải: Ở đây, nhiều người dân vẫn chưa biết chữ, nên giáo viên thường đến nhà dạy chữ cho họ. Biết chữ, cuộc sống của họ sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Hay đơn giản như một số hộ dân muốn bán một con bê, nhưng khả năng tính toán có hạn nên họ thường nhờ giáo viên đến tính toán giùm.
Những lúc như thế, tình cảm giữa giáo viên vùng cao với bà con dân bản càng thêm thắm thiết. Họ vui lắm và tin tưởng vào các thầy, cô giáo nên sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi nhà trường cần huy động sức dân.
Xã hội hóa cần niềm tin, sự minh bạch trong tài chính
Còn tại trường Tiểu học Cẩm Quang - Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, theo thầy Hiệu trưởng Trần Hoàng Lan, phụ huynh góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường trong nhà trường.
Không chỉ đóng góp ngày công lao động, phụ huynh còn hỗ trợ tiền, vật chất, các loại cây xanh, cây cảnh để xây dựng cảnh quan nhà trường Xanh – Sạch – Đẹp.
Song để nhận được sự trợ giúp này, theo kinh nghiệm của thầy Lan, yếu tố đầu tiên là phải tạo được lòng tin với phụ huynh. Với những công trình do phụ huynh đóng góp, nhà trường cần thực sự minh bạch trong vấn đề tài chính.
“Phương châm của chúng tôi là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Như khi chúng tôi vận động phụ huynh hỗ trợ nhà trường xây dựng bể chứa nước, hoặc lát sân trường, nhà trường sẽ không tham gia vào vấn đề tài chính.
Tất cả đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh điều phối, từ việc đóng góp tiền, vật chất, đến các bước thi công. Nhà trường nhận bàn giao từ Ban đại diện cha mẹ học sinh khi công trình chính thức hoàn tất.
Hay như việc mua nước uống hàng ngày cho học sinh cũng vậy, chúng tôi không tham gia vào việc thu chi và lựa chọn nhà cung cấp nước uống mà để phụ huynh toàn quyền quyết định” – thầy Lan cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Trần Thị Thùy Dung – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Ngọc Hân - TP Lào Cai, cho rằng: Yếu tố niềm tin, uy tín và minh bạch trong tài chính là điều kiện tiên quyết để thực hiện xã hội hóa nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học.
Ngay tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, việc xây dựng các công trình nước sạch, mua nước uống cho học sinh đều do Hội phụ huynh đứng ra tổ chức, từ huy động nguồn vốn rồi làm chủ đầu tư và giám sát...
Nhà trường phối hợp xây dựng thiết kế sao cho đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT. Sau khi công trình hoàn thành, Hội phụ huynh bàn giao lại cho nhà trường quản lý và sử dụng.
Cũng theo kinh nghiệm của cô Dung, khi huy động nguồn xã hội hóa, điều quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận từ phía nhà trường và Hội cha mẹ học sinh.
“Cách làm của chúng tôi là họp bàn, thảo luận thật kỹ và dân chủ giữa các phụ huynh học sinh. Chỉ khi nào nhận được 100% ý kiến đồng tình ủng hộ thì chúng tôi mới tiến hành các bước tiếp theo như: Đóng góp tiền và tiến hành xây dựng. Ở các bước này, nhà trường hoàn toàn ở ngoài cuộc, Hội cha mẹ học sinh chủ động thực hiện.
Song điều quan trọng nhất vẫn là phải tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh, người dân nhìn thấy được những lợi ích thiết thực đối với con em họ” – cô Dung chia sẻ.
Xã hội hóa nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học một khi đã tạo được lòng tin với phụ huynh và nhân dân thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản.
Mà muốn có được lòng tin ấy thì giải pháp hữu hiệu nhất chính là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhà trường và đặc biệt là tuyệt đối tránh xa lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân từ các chương trình xã hội hóa nói chung”.
Thầy Trần Hoàng Lan