Bờ Biển Ngà: Dùng rác thải nhựa xây trường học

GD&TĐ - Bà Mariam Coulibaly đi làm khi 4 đứa con vẫn đang ngủ say trong ngôi nhà nhỏ ở xã Abobo (Bờ Biển Ngà) - khu ở của công nhân, tài xế taxi và người bán hàng rong. Khi tiếng gà gáy bắt đầu vang lên, bà Coulibaly và một người phụ nữ khác cùng đi vào khu phố Angre để lượm rác thải nhựa và bỏ vào chiếc túi đeo vai.

HS tại Bờ Biển Ngà trong giờ ra chơi tại một lớp học được xây dựng bằng gạch nhựa tái chế
HS tại Bờ Biển Ngà trong giờ ra chơi tại một lớp học được xây dựng bằng gạch nhựa tái chế

Biến rác thải nhựa thành gạch

Bà Mariam Coulibaly là một trong số những người phụ nữ kiếm sống bằng nghề nhặt rác thải nhựa đem bán cho các cơ sở tái chế ở thành phố Abidjan (Bờ Biển Ngà) và là một trong những người tiên phong của dự án biến rác thải nhựa thành gạch để xây dựng trường học trên toàn quốc. Những người như bà Coulibaly đang hợp tác với Công ty Conceptos Plasticos từ Colombia, nhằm tái chế rác thải nhựa thành tài sản không chỉ giúp phụ nữ có thu nhập để trang trải cuộc sống, mà còn làm sạch môi trường và cải thiện nền giáo dục (GD).

Chỉ riêng trong năm qua, doanh nghiệp này đã xây dựng 9 lớp học bằng gạch nhựa tái chế ở Gonzagueville - một khu phố ở ngoại ô Abidjan và tại 2 ngôi làng nhỏ là Sakassou và Divo. Gạch nhựa tái chế của những lớp này đều được nhập khẩu từ Colombia. Tuy nhiên, sắp tới, một nhà máy mới nằm tại khu công nghiệp Abidjan sẽ bắt đầu sản xuất loại gạch đặc biệt này.

Bộ trưởng Bộ GD Bờ Biển Ngà, bà Kandia Camara nhận định, các lớp học được xây dựng bằng gạch nhựa tái chế là vô cùng cần thiết trong xã hội ngày nay; đồng thời chia sẻ, một số phòng học hiện có tới 90 học sinh (HS). Ngoài ra, Công ty Xây dựng Conceptos Plasticos đã ký kết hợp đồng với UNICEF, cung cấp 528 phòng học từ gạch nhựa tái chế cho khoảng 26.400 HS, với 50 HS/lớp.

Tại ngôi làng nhỏ bé Sakassou, các em nhỏ vẫn phải học ở một tòa nhà được làm từ gạch và các nguyên vật liệu truyền thống, thường xuyên phải chịu ảnh hưởng từ thời tiết khắc nghiệt. Trái lại, 3 lớp học làm từ gạch nhựa tái chế mới ở nơi đây có thể bền vững mãi, bởi loại gạch này còn là chất chống cháy và có thể duy trì lớp học luôn mát mẻ trong thời tiết oi nóng. Ông Joachim Koffi Konan, Hiệu trưởng trường học ở Sakassou khẳng định: “Điều này tốt hơn gấp 10 lần so với trước”.

Cải thiện đời sống người dân

Nhiều người khẳng định, dự án này sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu như không có kỹ năng tổ chức của bà Coulibaly - Chủ tịch Hiệp hội “The Fighting Women” – “Người phụ nữ mạnh mẽ”. Bà đã thu gom rác thải nhựa trong suốt 20 năm qua, kể từ khi chỉ là một cô bé 15 tuổi.

Sau khi thu gom rác vào sáng sớm, bà Coulibaly trở về làm việc nhà và lại tiếp tục công việc của mình vào buổi đêm: Bán nhựa cho những người ở một chợ tái chế tại Abobo-Baoule. Mức thu nhập tối thiểu dành cho mỗi cá nhân tại Bờ Biển Ngà rơi vào khoảng 25 USD/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người dân kiếm được số tiền thấp hơn rất nhiều so với con số trên.

Doanh nghiệp sản xuất gạch nhựa tái chế khẳng định, khi bắt đầu bán rác thải nhựa cho nhà máy, những người phụ nữ này sẽ có thể kiếm được gấp đôi hoặc 3 lần thu nhập so với trước. Nguyên nhân chính là do nhà máy sẽ mua các loại nhựa, trong đó có cả vỏ bim bim và các bộ phận khác của điện thoại di động... những vật mà họ không thể bán cho nơi nào khác.

Chia sẻ với truyền thông, bà Kandia Camara, Bộ trưởng Bộ GD Bờ Biển Ngà khẳng định: “Đối với chúng tôi, đây là một công việc mang lại cho phụ nữ có được khả năng tự chủ tài chính và góp phần trong việc phát triển đất nước”.

Dự án biến rác thải nhựa thành gạch để xây dựng trường học là đứa con tinh thần của Tiến sĩ (TS) Aboubacar Kampo - người vừa kết thúc nhiệm kỳ với tư cách là đại diện của Bờ Biển Ngà tại UNICEF. Dự án được hy vọng sẽ mở rộng sang các khu vực khác của Tây Phi.

Ông Oscar Andres Mendez – nhà sáng lập Công ty Conceptos Plasticos, cho biết, một vài phòng học đầu tiên được xây dựng từ gạch nhựa tái chế tại Bờ Biển Ngà có giá khoảng 14.500 USD/phòng, rẻ hơn so với con số 16.500 USD đối với một lớp học truyền thống. Ngoài ra, ông cũng hy vọng, mức giá sẽ giảm khoảng 20% khi loại gạch này được sản xuất tại địa phương.

Các nhà tổ chức dự án cho biết, Abidjan sản xuất khoảng 300 tấn rác thải nhựa/ngày, nhưng chỉ 5% trong số đó được tái chế. Bên cạnh đó, mỗi lớp học chỉ cần khoảng 5 tấn rác thải nhựa để có thể hoàn tất việc xây dựng.

Trước những con số này, TS Kampo chia sẻ, dự án sẽ có thể được mở rộng sang việc xây dựng nhà ở dành cho giáo viên (GV), cũng như nhà vệ sinh tại các trường học. Hiện tại, GV ở làng Sakassou đang phải sống chung do điều kiện thiếu thốn, trong khi gia đình họ ở tại những ngôi làng khác. Ngoài ra, ở Gonzagueville, chỉ có vỏn vẹn 14 nhà vệ sinh cho 2.700 HS và GV.

Trước dự án đặc biệt này, không ít quốc gia cũng đã áp dụng phương pháp sử dụng rác thải nhựa để xây dựng trường học. Tại Campuchia, ngôi trường mang tên HUSK đã sử dụng những vỏ chai nhựa để xây lớp học. Các nhà quản lý trường chia sẻ, điều quan trọng nhất là phải sử dụng các vỏ chai có cùng kích thước, khiến việc xếp chồng chúng trở nên dễ dàng hơn.

Sau khi hoàn thành, họ sẽ trát xi măng ra bên ngoài và chỉ để nguyên một số cửa sổ - như một cách chứng minh cho mọi người thấy rằng, lớp học nơi đây thực sự được tạo ra từ rác thải nhựa. Được biết, toàn Trường HUSK được xây dựng bằng 100.000 vỏ chai nhựa.

Bên cạnh đó, HUSK cũng lên kế hoạch xây dựng một xưởng may dành cho phụ nữ tại Campuchia bằng 15.000 vỏ chai nhựa - một dự án nhận được nhiều ủng hộ từ người dân nơi đây.

Theo NY Times; Wasteaid

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…