WHO: Đại dịch Covid-19 tăng tốc trên toàn cầu

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 dường như đang tăng tốc toàn cầu, số ca mắc mới tăng mạnh trong tuần trước với gần 2 triệu ca mới, thậm chí khi số ca tử vong có giảm xuống - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay. Như vậy số ca mắc đã tăng lên 6% so với tuần trước đó và cũng là tuần có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi đại dịch diễn ra.

Người Anh được khuyên làm việc ở nhà nếu có thể.
Người Anh được khuyên làm việc ở nhà nếu có thể.

Thống kê của Worldometer cho biết thế giới hiện có 31.750.321 ca mắc Covid-19 và 974.024 ca tử vong.

Theo WHO, gần như tất cả các khu vực trên thế giới đều chứng kiến số ca mắc tăng lên vào tuần trước, trong đó số ca ở châu Âu tăng 11% và châu Mỹ tăng 10%. Chỉ có châu Phi dường như vẫn tương đối không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch và tránh được xu hướng tăng ca mắc. Số ca mắc mới ở đây giảm 12% và số ca tử vong giảm 16% so với một tuần trước đó.

WHO cho biết, dù số ca mắc mới tăng lên toàn cầu nhưng số ca tử vong mới đang giảm xuống, chủ yếu giảm ở châu Mỹ - khu vực đã bị ảnh hưởng mạnh trong một thời gian dài. Tại đây, số ca tử vong mới thấp hơn so với tuần trước 22%. Trong khi đó châu Mỹ vẫn chiếm một nửa số ca mắc và 55% số ca tử vong trên thế giới. Số ca tử vong giảm ở châu lục này thể hiện chủ yếu ở Colombia, Mexico, Ecuador và Bolivia.

Mỹ đã tới một cột mốc buồn khi có hơn 200.000 ca tử vong vì Covid-19 tính đến hôm qua (22/9) khi chỉ còn vài tuần nữa là các cử tri sẽ quyết định TT Trump có tại nhiệm hay không. Theo thống kê của ĐH Johns Hopkins, Mỹ có 6,86 triệu người mắc nCov và 200.182 người tử vong. Trong nhiều tháng, số ca tử vong ở Mỹ cao nhất thế giới, đứng trên Brazil với 137.272 ca và Ấn Độ với 88.935 ca. Mỹ chiếm 4% dân số toàn cầu nhưng chiếm 20% số ca tử vong vì Covid-19.

Tại châu Âu, các quốc gia Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Anh báo cáo số ca mắc mới cao nhất trong tuần qua, trong khi đó Hungary và Đan Mạch có số mức tăng ca tử vong cao nhất tương ứng.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson nói với người dân hãy làm việc ở nhà nếu có thể và ra lệnh đóng cửa nhà hàng, quán bar sớm nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm nCov thứ 2 đang diễn ra. Các biện pháp chống dịch kèm theo có thể kéo dài tới 6 tháng. Lực lượng quân đội có thể được triển khai để đảm bảo các biện pháp được tuân thủ.

Sau khi giới khoa học cảnh báo số ca tử vong có thể tăng mạnh nếu không có hành động khẩn cấp, ông Johnson đã do dự phong tỏa toàn quốc lần 2 như đã làm hồi tháng 3 nhưng cho biết các biện pháp khác có thể áp dụng nếu bệnh dịch không được kiềm chế.

Theo Worldometer/CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ