Ý tưởng từ cuộc sống thực tế
Tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V - năm 2023 diễn ra ở thành phố Huế, dự án tranh lá bồ đề khô và các sản phẩm handmade làm từ thân chuối, lá bồ đề khô của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lương Văn Tuỵ (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã đạt giải Ba.
Theo chia sẻ của nữ sinh Trương Thị Tố Trinh - học sinh lớp 12 Tin (Trường THPT Chuyên Lương Văn Tuỵ, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) một trong những thành viên trong đề án chia sẻ: “Ý tưởng này xuất hiện khi em và các bạn đi tham quan Tràng An - Bái Đính. Dọc đường, lá bồ đề rụng rất nhiều chúng em đã nảy ra ý tưởng tận dụng lá bồ đề để làm tranh. Đồng thời, kết hợp lá bồ đề với thân chuối để sản xuất giấy”.
Tố Trinh cho biết thêm: “Trong quá trình làm, ngoài sự hỗ trợ của thầy cô, chúng em đi thực tế ở nhiều cơ sở làm giấy để học hỏi kinh nghiệm cũng như để xin ý kiến đánh giá về sản phẩm. Đến các siêu thị để nắm được xu thế của thị trường, đối tượng khách hàng. Quá trình này, chúng em nhận được nhiều phản hồi, góp ý tích cực”.
Nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lương Văn Tuỵ tham gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V. Ảnh NVCC. |
Miệt mài nghiên cứu, sau thời gian 3 tháng sản phẩm đầu tay của cả nhóm đã được ra đời. “Lúc đó hạnh phúc không nói nên lời, sản phẩm ra đời ngoài sự mong đợi của chúng em”, Tố Trinh nói.
Những sản phẩm đầu tiên ra đời, cả nhóm đã đến các địa điểm có khách du lịch giới thiệu sản phẩm. “Mục đích chúng em chỉ để xin ý kiến, đánh giá của khách hàng. Tuy nhiên, rất may sản phẩm của chúng em đã được đón nhận từ người dân và khách du lịch. Đặc biệt, chúng em sản xuất theo hướng đa dạng mẫu mã, thân thiện với môi trường, phù hợp với mọi lứa tuổi, đối tượng để khách du lịch có thể dễ dàng lựa chọn”, Tố Uyên nói.
Trương Thị Tố Trinh - học sinh lớp 12 Tin (Trường THPT Chuyên Lương Văn Tuỵ, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: “Với dự án này, khó khăn lớn nhất gặp phải chính là mùa lá bồ đề rụng chủ yếu vào tháng 7 và tháng 8 nên những tháng khác trong năm việc lựa chọn được lá đẹp để làm tranh sẽ khó khăn”.
Hi vọng sẽ giải quyết được việc làm cho một số lao động
Xuất phát từ ý tưởng tận dụng lá bồ đề, trong quá trình sản xuất nhóm Tố Trinh và các đồng đội của mình phát hiện ra rằng dự án này cần nhiều nhân lực ví dụ như quá trình làm giấy và tranh cần người đi thu thập nguyên liệu.
“Em hi vọng dự án này sẽ có thể tạo công ăn việc làm cho những người lao động nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”, Tố Trinh nói.
Đồng hành cùng nhóm học sinh ngay từ khi ý tưởng mới manh nha, đến khi thành công cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ nói: “Trong quá trình thực hiện dự án, mình đã hỗ trợ học sinh quy trình xử lý lá khô làm sạch, làm phẳng, xử lá để tránh lý nấm mốc bằng Chitosan.
Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ cùng nhóm học sinh của mình. Ảnh NVCC. |
Quá trình hướng dẫn mình thấy nhóm các em đều rất say mê với ý tưởng khởi nghiệp từ lá bồ đề. Mỗi em mang một nhiệm vụ riêng, tạo thành một tập thể đoàn kết phối hợp nhịp nhàng và rất quyết tâm thực hiện dự án.
Bên cạnh đó trong quá trình cô trò nghiên cứu dự án luôn có sự ủng hộ tối đa Ban giám hiệu nhà trường, tạo điều kiện để được sử dụng phòng thí nghiệm, thời gian”.
Cô Thuỷ cho biết thêm: "Trước đó khi biết đến ý tưởng của cả nhóm, tôi đã gợi ý các em nên tạo ra những bức tranh sao cho toát lên ý nghĩa, vẻ đẹp của lá bồ đề và mỗi bức tranh nên mang câu chuyện riêng trong đó".