Khởi nghiệp khi còn trên ghế giảng đường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không đợi đến khi ra trường, nhiều sinh viên (SV) bắt đầu khởi nghiệp khi còn trên ghế giảng đường. 

Sản phẩm “Cá cơm xanh” của sinh viên Trường ĐH Kiên Giang tham gia Cuộc thi Ý tưởng HS, SV khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2022.
Sản phẩm “Cá cơm xanh” của sinh viên Trường ĐH Kiên Giang tham gia Cuộc thi Ý tưởng HS, SV khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2022.

Sự năng động, sáng tạo đã giúp các em có ý tưởng sớm hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp.

Nâng tầm nguồn nguyên liệu bản địa

Bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết và quyết tâm, nhiều dự án khởi nghiệp của SV đang được mở rộng và ứng dụng vào thực tiễn.

Vừa đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Ý tưởng HS, SV khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, dự án “Cá cơm xanh” của nhóm SV Nguyễn Thị Thúy Liên, Nguyễn Ngọc Đoan Phương, Trần Đức Thắng (Trường ĐH Kiên Giang) đã gây tiếng vang vì tính thực tiễn và có thể phát triển thương mại hóa sản phẩm.

Sản phẩm của dự án “Cá cơm xanh” gồm bánh phồng và muối ớt cá cơm biển Kiên Giang. Mục tiêu dự án tập trung khai thác chuỗi giá trị của nguồn tài nguyên bản địa cá cơm biển Kiên Giang để tạo ra sản phẩm mới, mang tính đặc trưng. Ban giám khảo cuộc thi đánh giá đây là dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tính khả thi cao, mang lại nhiều giá trị bởi làm tăng chuỗi giá trị nguồn tài nguyên cá cơm bản địa; tạo sản phẩm đặc trưng cho du lịch Kiên Giang, phục vụ cộng đồng; cung cấp sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh.

Theo chia sẻ của nhóm SV, sản phẩm “Cá cơm xanh” mang đến hương vị mới, thay đổi nguồn nguyên liệu truyền thống. Tính mới và sáng tạo của sản phẩm là từ nguồn nguyên liệu cá cơm cho ra nhiều sản phẩm để phục vụ cộng đồng. Sản phẩm được hình thành từ quá trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá sản phẩm thực phẩm hiện có thị phần lớn trên thị trường, có xu hướng phát triển hơn nữa trong tương lai. Từ đó đưa cá cơm vào sản phẩm có chất lượng tương đương, thay thế nguyên liệu đắt tiền, đa dạng sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu này. Việc đưa nguyên liệu cá cơm vào sản xuất 2 sản phẩm bánh phồng và muối ớt là hoàn toàn mới.

Chia sẻ về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TS Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang cho biết: Là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo theo định hướng ứng dụng, Trường ĐH Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động khởi nghiệp để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt nhất cho SV. Trường tạo ra các diễn đàn, câu lạc bộ để SV có cơ hội trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò của từng thành phần trong hệ sinh thái, góp phần vào thành công chung của phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương và cả nước.

Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa của sinh viên Trường ĐH Trà Vinh.

Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa của sinh viên Trường ĐH Trà Vinh.

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cuộc sống

Cũng với nguồn nguyên liệu từ bản địa, SV Nguyễn Khánh Bảo Thúy Vy, ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường ĐH Trà Vinh) đã tìm tòi, phát triển thương hiệu “Nước mắm càng tôm”. Theo chia sẻ của Thúy Vy, tận dụng tối đa nguyên liệu có sẵn, nước mắm càng tôm tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào trong quy trình sản xuất. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa vào thị trường nhằm mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm từ tự nhiên, hoàn toàn không hóa chất.

Thúy Vy cho biết, “Nước mắm càng tôm” là sản phẩm mới, nguồn nguyên liệu từ tự nhiên, giá thành rẻ nên khả năng cạnh tranh với những sản phẩm nước mắm hiện có trên thị trường là hoàn toàn có khả năng. Sản phẩm có thể được áp dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất như máy pha trộn nguyên liệu, máy đóng nắp chai, máy dán nhãn mác, máy làm nguội… Dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng được thành tựu kĩ thuật vào trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như đẩy nhanh quá trình sản xuất.

Sản phẩm “Nước mắm càng tôm” có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, tận dụng tất cả những giá trị của tôm càng, không lãng phí nguyên liệu. Trong càng tôm có phần thịt tôm, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng ít được người dân địa phương sử dụng. Sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh cao vì sử dụng quy trình đột phá, an toàn, nguồn nguyên liệu phong phú.

Đạt giải Nhì Cuộc thi Ý tưởng HS, SV khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa của nhóm SV Nguyễn Trần Thành Đạt (Trường ĐH Trà Vinh) được đánh giá cao bởi những sáng tạo bất ngờ của “nhà khoa học” SV.

Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa gồm 2 phần chính: Thiết bị quan trắc mực nước ruộng có thể giám sát qua điện thoại và thiết bị điều khiển máy bơm từ xa thông qua app trên điện thoại… Em Nguyễn Trần Thành Đạt, thành viên nhóm sáng chế cho biết: Thiết bị giúp nông dân theo dõi được mực nước trên đồng ruộng trong suốt quá trình canh tác thông báo khi mực nước vượt quá ngưỡng cho phép. Đồng thời lưu lại các thông tin cần thiết trong quá trình canh tác để phục vụ quá trình thống kê nông nghiệp. Thiết bị có thể điều khiển được máy bơm từ xa thông qua điện thoại thông minh, giảm thiểu những rủi ro tai nạn điện trong quá trình sử dụng, giám sát và điều khiển trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Chia sẻ tại cuộc thi Ý tưởng HS, SV khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Văn Tâm, Trưởng ban Giám khảo cho biết: Ban Giám khảo đánh giá cao các dự án, nhiều dự án hoàn thiện sản phẩm có thể đưa ra thị trường. Đa phần các sản phẩm tập trung vào nguồn tài nguyên bản địa góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đánh dấu sự phát triển phong trào khởi nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.