Giáo dục - Đào tạo năm 2023:

Vượt thách thức, vươn tới thành công

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm 2022. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thế Đại

Cùng với đó là nhiệm vụ lớn mà toàn ngành sẽ tập trung triển khai trong năm 2023.

Năm 2022: Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan

- Năm 2022 tiếp tục là một năm đầy thách thức với ngành Giáo dục. Trong bối cảnh này, toàn ngành đã triển khai các nhiệm vụ như thế nào, kết quả đạt được ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Năm 2022 đối với ngành Giáo dục, có thể tóm lược ngắn gọn trong mấy từ khóa sau đây: Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan.

Thách thức ở đây là những vấn đề nảy sinh trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục và đào tạo. Cùng tiến độ của công việc đổi mới, năm 2022, ngành triển khai nhiều việc đối với giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục đại học (ĐH).

Đối với GDPT, đổi mới được thực hiện với tốc độ rất nhanh. Trong một năm nhưng thực hiện thay đổi về sách giáo khoa (SGK), dạy và học với nhiều lớp và triển khai đồng thời ở cả 3 cấp. Trong khoảng thời gian như vậy, để thực hiện được những việc lớn với kỳ vọng lớn, có thể nói đối với giáo viên, cán bộ quản lý và toàn ngành, đây là một thách thức.

Bên cạnh đó, những việc lớn và khó lại được triển khai trong hoàn cảnh chống dịch - thời kỳ chuyển tiếp từ dạy và học trực tuyến sang mở cửa trường học và bước vào trạng thái bình thường mới.

Đối với giáo dục ĐH, sau một số năm thực hiện Luật 34, các trường ĐH đã có được khí thế mới và những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, cùng với những khó khăn chung của xã hội, giáo dục ĐH cũng gặp không ít thách thức khi thực hiện tự chủ như về học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ chỉ đạo, không có điều chỉnh, không tăng học phí.

Đặc biệt, một thách thức lớn, vấn đề nổi bật, đáng chú ý trong năm qua với ngành Giáo dục mà mọi người đã chứng kiến, đó là sau thời gian dịch bệnh, có một bộ phận giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, nhiều trường mầm non tư thục đóng cửa,… Điều này gây ra xáo trộn đáng kể với giáo viên, hệ thống giáo dục.

Bên cạnh đó, Chương trình GDPT 2018 cũng có những môn mới; có những yêu cầu mới đạt chuẩn về lớp học, số lượng học sinh và giáo viên. Vì vậy đặt ra cho ngành thách thức làm thế nào đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đội ngũ để có thể vừa duy trì hoạt động bình thường của ngành cũng như nâng cao chất lượng, tiếp tục đổi mới, đạt được kết quả mới.

Trước những thách thức từ bên trong cũng như tác động bên ngoài, toàn ngành, cán bộ quản lý cho đến toàn thể giáo viên đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc. Trong đó, ghi nhận rất cao sự cố gắng của hơn một triệu giáo viên, một năm qua đã nỗ lực hết mình để đạt những kết quả đáng khích lệ. Những kết quả này giúp các kế hoạch lớn trong năm đặt ra đều hoàn thành, đúng tiến độ dạy và học.

Năm 2022 là năm mà ngành Giáo dục tổ chức kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Bộ đã tổ chức lễ kỷ niệm với tinh thần tiết kiệm, giản dị, đạt được những hiệu ứng tích cực từ dư luận, xã hội, sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đây cũng là dịp quan tâm, động viên, phát huy và cổ vũ các nhà giáo.

Vượt thách thức, vươn tới thành công  ảnh 1

Ghi nhận rất cao sự cố gắng của hơn một triệu giáo viên, một năm qua đã nỗ lực hết mình để đạt những kết quả đáng khích lệ. Ảnh minh họa/INT

Năm 2023: Nhiều nhiệm vụ quan trọng

- Xin Bộ trưởng cho biết, bước sang năm mới 2023, đâu sẽ là việc lớn ngành Giáo dục chú trọng triển khai?

- Năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, đây là nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Hiện có 6 lớp được dạy theo chương trình mới và thay SGK, các lớp còn lại tiếp tục được triển khai trong năm 2023 và những năm kế tiếp theo lộ trình đã đề ra.

Đây sẽ là năm tập trung rất nhiều việc, tiêu biểu như: Tổ chức thẩm định SGK lớp 4, 8, 11 và cũng là năm chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định SGK lớp 5, 9, 12. Vậy nên lượng công việc còn lại trong năm 2023 rất lớn. Chúng ta phải tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức mà trong quá trình triển khai đã và có thể xảy ra như: Triển khai những môn học mới trong chương trình; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Đây là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn với ngành Giáo dục.

Năm 2023, ngành Giáo dục thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm giải trình trước Đảng, nhân dân, Quốc hội. Chúng tôi phải đánh giá xem quá trình sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51. Đây là dịp mà ngành nhìn lại những công việc đã, đang và sẽ làm, xem còn gì cần điều chỉnh trong những năm tiếp theo để tiếp nối tinh thần đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành.

Đây cũng là năm mà ngành phải hoàn thành việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới. Quá trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt và triển khai chương trình này sẽ diễn ra vào năm 2023.

Đối với giáo dục ĐH, đây là năm phải hoàn thành nhiệm vụ rất lớn đó là quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, trường ĐH sư phạm trọng điểm, quy hoạch trường chuyên biệt trong cả nước. Nhiệm vụ quy hoạch cần hoàn tất sớm. Trong quá trình quy hoạch, phải rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH trên cả nước nhằm phát huy được tiềm năng của mỗi trường, cũng như thực hiện những chiến lược phát triển giáo dục ĐH.

Bên cạnh đó, phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, bao gồm cả việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới cả GDPT và giáo dục ĐH. Nhưng đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề thừa thiếu giáo viên đang đặt ra. Bộ dự kiến trong năm 2023 sẽ dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. Qua đó, có một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm căn cứ để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tiếp theo.

Các công việc khác cũng được xem là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành như: Đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành, gia tăng các kết nối trong ngoài, trên dưới hệ thống... tiếp tục được chúng tôi tiến hành và xác định là nhiệm vụ cần thực hiện trong năm.

Một việc thường xuyên nhưng cũng quan trọng phải làm trong năm là tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi diễn ra trên toàn quốc đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, chuẩn bị cho việc này. Cùng với đó, còn việc thường xuyên khác Bộ vẫn phải làm tiếp. Chẳng hạn cho tới thời điểm này dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng về những ảnh hưởng, dù bước đầu đã có bù đắp, khắc phục trong năm qua, nhưng đó không phải là việc chỉ làm trong một năm có thể giải quyết được mà cần thời gian nhiều hơn, qua đó dần khắc phục những thiếu hụt mà dịch bệnh gây ra.

Ngoài ra, những nhiệm vụ, chương trình, đề án Chính phủ giao cũng được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới như: Tăng cường văn hóa học đường, an toàn trường học, phòng, chống đuối nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trường học,…

Vượt thách thức, vươn tới thành công  ảnh 2

Nội dung văn hóa học đường, an toàn trường học, phòng, chống đuối nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trường học,… được tăng cường. Ảnh minh họa/ INT

- Bộ trưởng nhìn nhận trong quá trình triển khai này sẽ có những khó khăn, thách thức như thế nào?

- Có nhiều thách thức đặt ra, nhưng một trong những thách thức lớn là thực hiện thành công năm trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mà cụ thể là triển khai Chương trình GDPT mới hiệu quả, đúng lộ trình đặt ra. Để thực hiện công cuộc đổi mới thành công cần nhiều nguồn lực, trong đó tài chính đóng vai trò quan trọng. Nguồn lực này giúp các địa phương có sự chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở vật chất: Trường học, lớp học, trang thiết bị phòng học, thực hành, dụng cụ học tập,...

Nếu như các tỉnh, thành phố không tập trung nguồn lực cho Chương trình GDPT mới thì việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi coi đó là thách thức và đã có kiến nghị đối với bộ, ngành, đồng thời đề nghị cũng như phối hợp với các địa phương để cố gắng xử lý tốt những việc này.

Bên cạnh đó, những vấn đề như bảo đảm giáo viên cho đổi mới, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dạy môn học mới trong chương trình cũng được xem là thách thức trong quá trình đổi mới.

Chúng tôi tin rằng, với sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành cùng chỉ đạo sát sao của Chính phủ, vào cuộc có trách nhiệm của địa phương, những khó khăn thách thức đó có thể sớm được giải quyết.

Vượt thách thức, vươn tới thành công  ảnh 3

Kỳ vọng đội ngũ giáo viên với sự sáng tạo, trách nhiệm nghề nghiệp rất cao sẽ cùng nhau cố gắng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình. Ảnh minh họa/ INT

Đồng lòng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đổi mới

- Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng có lời gì nhắn nhủ tới đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên và phụ huynh cả nước?

Có thể nói, thời điểm này ngành Giáo dục - Đào tạo đang trong lộ trình đổi mới hay nói cách khác là đang trong lộ trình chuyển đổi. Có nhiều cái mới đang được hình thành, triển khai, ra đời. Quá trình chuyển đổi bao giờ cũng tạo ra những xáo trộn, cái mới bao giờ cũng có những người, bộ phận có thể đón nhận ngay. Nhưng cũng có người, những nơi, vùng cần thời gian để làm quen và cũng có người có những phản ứng đối với quá trình đổi mới này.

Đây là nhiệm vụ lớn mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Giáo dục, tôi mong rằng, toàn xã hội cũng như các phụ huynh chia sẻ, đồng hành với các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, ngành, để cùng hoàn thành các nhiệm vụ đổi mới. Nếu thiếu sự ủng hộ, vào cuộc, đồng hành của phụ huynh, chắc chắn đổi mới này khó có thể thành công.

Bên cạnh đó, chính quyền, các địa phương đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa đến triển khai nhiệm vụ của địa phương mình theo trách nhiệm, quyền hạn, cũng như vào cuộc cùng với ngành Giáo dục để chuẩn bị mọi điều kiện thực hiện.

Tôi mong toàn thể nhà giáo ý thức được vinh dự, trách nhiệm, thách thức của sự nghiệp đổi mới để cùng nhau nỗ lực. Không có một sản phẩm của sự đổi mới nào có thể ra đời dễ dàng. Để đạt được thành công lớn phải vượt qua nhiều thách thức. Nhưng nếu hoàn thành được nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho, ngành Giáo dục đem lại kết quả lâu dài cho đất nước. Tôi mong rằng, đội ngũ giáo viên với sự sáng tạo, trách nhiệm nghề nghiệp rất cao sẽ cùng nhau cố gắng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình.

Còn với toàn thể học sinh, sinh viên, tôi mong tất cả sẽ đón nhận tinh thần đổi mới của ngành. Đổi mới bao giờ cũng ở cả hai phía, từ phía người dạy đến phía người học. Chúng ta cùng nhau cố gắng để đón nhận những gì tốt đẹp nhất của đổi mới giáo dục đem lại. Thầy cô cần hoàn thành thật tốt công việc và học sinh cần làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó, chúng ta có được chất lượng giáo dục tốt nhất mà người hưởng thụ không ai khác chính là học sinh, sinh viên.

Trước thềm năm mới, tôi mong xã hội cùng chia sẻ, đồng hành với ngành Giáo dục, để trong năm 2023 ngành có thể vượt qua được những thách thức lớn và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tôi cũng mong, tất cả nhà báo, người làm công tác truyền thông tiếp tục lan tỏa tinh thần đổi mới tới người dân, cùng chia sẻ những khó khăn thách thức của ngành. Vì trong công cuộc đổi mới, những người làm truyền thông, thông tin, báo chí có vai trò hỗ trợ, trợ giúp rất quan trọng.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ