Vượt qua trầm cảm học đường: Để trẻ hiểu được người thân và xã hội quan tâm nhường nào

GD&TĐ - Nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyên gia tư vấn tâm lý tuổi học đường đã lý giải về những áp lực dẫn đến căn bệnh trầm cảm ở tuổi học đường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đừng để trẻ cô độc

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, trẻ gặp rất nhiều áp lực và tìm đến chuyên gia để chia sẻ tâm sự, nỗi buồn, bức xúc. Trong khi cha mẹ đều nhìn nhận, áp lực đó là trẻ con, thời bằng tuổi đó, bố mẹ cũng thế, việc gì đâu.

“Anh Chánh Văn” của tuổi học trò cũng chia sẻ đã có chuỗi phóng sự “Ba mẹ ơi, chúng con không phải là cái thớt” là nói đến áp lực của gia đình. Rồi áp lực thầy cô về thành tích cũng trút vào trẻ con. Chuyện ở trong lớp, một em chưa đóng tiền học phí cũng thành áp lực.

Rất nhiều lá thư tâm sự từ những việc rất nhỏ mà người lớn coi là chuyện bình thường, như vậy, áp lực các con càng lớn hơn nhiều. Thật sự các con có nhiều lúc cô độc và người lớn lại hay bỏ qua.

Nếu như thế hệ 6X, 7X, 8X còn có các tờ báo đề viết thư tâm sự thì các con bây giờ không có. Rất nhiều tờ báo trong đó có cả Hoa Học Trò đã phải giảm bớt số lượng phát hành, thậm chí một số tờ báo đã phải đã đóng cửa. Các trường học bây giờ cũng không còn ngân sách để các con đọc báo.

Thay vì có nơi để viết thư bày tỏ, tâm sự như trước, bây giờ mọi thứ của các con bị đẩy lên mạng xã hội trong khi đây là môi trường cực kì nguy hiểm nếu không biết cách sử dụng.

“Cậu con lớn nhà tôi năm nay lên lớp 10 đã quyết định khoá TikTok, trước đó đã khoá Facebook do có quá nhiều tiêu cực. Bản thân tôi khi tiếp xúc với mạng xã hội cũng vô cùng hốt hoảng khi đây là môi trường quá độc hại. Nhưng đáng nói là chính cha mẹ chúng ta cũng đang tham gia vào các cuộc tranh luận, miệt thị này… trên mạng.

Trong cuộc sống thì áp lực đến từ khắp mọi nơi. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không quen với việc chịu áp lực sớm như vậy.

“Tôi không bao giờ cấm con tham gia mạng xã hội. Và khi tham gia mạng xã hội, gia đình tôi chọn cách không chia sẻ thứ mình không biết, không tham gia tranh luận những việc mình không hiểu. Ngoài ra, chúng tôi tham gia mạng xã hội với thái độ tích cực, nên từ trước đến nay tôi chưa bao giờ ý kiến về việc con tham gia mạng xã hội”, anh Chánh Văn nói.

Cũng theo nhà văn Hoàng Anh Tú, có rất nhiều tâm sự các con gửi đến khiến anh biết rằng cha mẹ của trẻ không biết cách yêu con. Đúng là rất nhiều người thương con nhưng không biết bằng cách nào để con biết mình thương con. Rất nhiều tâm sự của các phụ huynh rằng họ rất yêu con, họ có thể hy sinh quả thận, thậm chí mạng sống cho con nhưng con của họ chưa chắc đã hiểu được điều này.

Cá nhân anh Tú cũng từng trải qua những năm tháng như vậy, anh cho rằng bố mẹ không yêu mình và anh đã từng dạt nhà 3, 4 hôm nhưng bố không biết.

“Cho đến về sau tôi mới nhận ra rằng bố mẹ nào cũng yêu thương con cả nhưng con chúng ta không nhận ra điều đó. Cậu cả nhà tôi từng tâm sự rằng, có những lúc con muốn chết vì con bị tẩy chay, nhưng sau đó con không chết nữa vì con sợ chết, và con thấy bố mẹ rất yêu con. Như vậy tôi đã thành công trong việc con tôi biết tôi thương nó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải bằng cách nào đó để cho những đứa trẻ của chúng ta hiểu rằng, chúng ta rất yêu con. Chính vì vậy, tôi cho rằng các ba mẹ hãy yêu con nhiều hơn”, anh Tú chia sẻ.

Nhà văn Hoàng Anh Tú.
Nhà văn Hoàng Anh Tú.

Hãy giữ kết nối lâu nhất

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, cha mẹ Việt rất hay quên, khi xảy ra vụ bạo hành mới đổ xô mua sách bạo hành, và trầm cảm thì các cuốn sách trầm cảm bán chạy. Các cha mẹ chỉ lo lắng lúc đó, rồi sau đó lặp lại sai lầm của mình. Anh kể lại chuyện cười, 3 tuổi biết đọc thơ, rồi 5 tuổi biết làm thơ, cha mẹ khen rối rít hay. Nhưng 30 tuổi vẫn làm thơ thì cha mẹ bảo có khi hỏng rồi, sao không đi kiếm tiền, đi làm kinh tế.

Hoặc có chuyện, thầy cô báo về con hư không viết bài thì cha mẹ rất lo lắng, thực ra học sinh chỉ hư thôi chứ không phải không viết bài nhưng giáo viên lại quy vào việc học tập. Vì quy vào học tập như vậy thì cha mẹ lo lắm. Hay như chuyện ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), cha mẹ mang bằng khen đến để con được thưởng tiền, nhưng rất nhiều cha mẹ thấy xấu hổ vì con không có giấy khen. Mẹ Việt nhìn thấy những bất ổn, như nhìn trẻ qua đường thì sợ tai nạn. Và khi cuộc sống đầy đủ hơn thì áp lực đặt lên con nhiều hơn.

“Tôi thấy rất nhiều cha mẹ tự hào về việc 3, 6 tuổi nói tiếng Anh lưu loát nhưng tiếng Việt bập bẹ. Hay như các trường tư, dành nhiều thời gian học kỹ năng, dành thời gian cho các con vui chơi nhưng nhiều cha mẹ đặt câu hỏi vậy thời gian đâu để học, sau này thi 10 thế nào? Như vậy các phụ huynh đều yêu cầu trường tư tăng thêm bài tập cho con cái họ. Như vậy, lũ trẻ đang gặp rất nhiều áp lực từ phía cha mẹ”, anh Tú dẫn chứng.

Theo nhà văn này, anh không có quá nhiều kiến thức mang tính học thuật, sách vở để các con vượt qua vùng xám. Anh chỉ gọi là vùng xám thôi khi mà trầm cảm phải có dấu hiệu liên tục trong vòng 2 tuần nhưng bản thân các con thì áp lực mệt mỏi trong vòng 1, 2 ngày.

Vì vậy, giải pháp là các cha mẹ có thể xây dựng suy nghĩ tích cực cho các con. Và với cha mẹ có suy nghĩ tích cực thì đứa trẻ nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn. Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp các con nhìn thấy nhiều hơn mặt tích cực hơn là tiêu cực trong một vấn đề. Thứ 2 giúp con xem trọng giá trị bản thân, giúp con có giá trị trong cuộc sống, giúp con luôn biết tự tin với bản thân mình. Đồng thời giúp con hiểu về giá trị bản thân cũng là cách giúp con ứng phó với những tồi tệ bên ngoài.

“Thứ 3, tôi thật sự mong tính kết nối, tan học về hỏi con hôm nay có chuyện gì vui, có bạn nào tè dầm không? Rõ ràng con mình học lớp 10 rồi nhưng hỏi con mình có bạn nào tè dầm cũng là câu chuyện rất vui. Vì vậy hãy giữ kết nối lâu nhất. Tôi tin rằng không có một bác sĩ nào tốt bằng cha mẹ, không bác sĩ nào khi biết con hiểu rằng giá trị của mình”, anh Tú nhấn mạnh.

__________________________________________

(Bài 4: Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Nhún càng sâu, nhảy càng cao)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.