3 và 6 để học tốt Ngữ văn

GD&TĐ - NGƯT Hồ Quang Diệu - Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) cho biết, cần lưu ý 3 tiêu chí và 6 yêu cầu phương pháp để học tốt nhất môn Ngữ văn.

3 và 6 để học tốt Ngữ văn

3 tiêu chí

Trước tiên, người học cần nhận thức sâu sắc rằng: Học Ngữ văn là một quá trình rèn luyện toàn diện. Văn học là nhân học. Học văn là để cảm nhận cái hay cái đẹp của nghệ thuật và của cuộc sống, từ đó bồi dưỡng, rèn luyện tâm hồn, tình cảm chân - thiện - mỹ của con người Việt Nam mới.

Thứ hai, học môn Ngữ văn trước hết phải nắm được nội dung, chương trình là sách giáo khoa gồm phần đọc hiểu, lý thuyết và thực hành Tiếng Việt, tập làm văn; một số bài văn học sử về giai đoạn và tác gia, một số bài lý luận văn học.

Mỗi tác phẩm đều có vị trí quan trọng trong toàn bộ môn Ngữ văn. Tuy vậy phân môn chiếm nhiều thời gian nhất và chạy suốt chương trình cả năm học là phần đọc hiểu tác phẩm.

Ở phân môn này, theo chương trình sách giáo khoa hiện nay (thực hiện ở lớp 10 từ năm học 2006 - 2007) bao gồm chủ yếu tác phẩm văn học nghệ thuật (khoảng 70%) là các tác phẩm đã có trong chương trình cũ còn lại trên 30% tác phẩm mới bao gồm cả thơ, truyện, ký, kịch.

Bên cạnh tác phẩm văn học nghệ thuật còn có một số tác phẩm nghị luận văn học, nghị luận về nghệ thuật, về chân dung các tác giả nước ngoài; một số tác phẩm nghị luận nhật dụng (mà chương trình sách giáo khoa trước đây không có).

Các phân môn Tiếng Việt, Làm văn bám sát chặt chẽ các tri thức tác phẩm thuộc các thể loại để đạt được hiệu quả cao nhất theo quan điểm, mục tiêu tích hợp.

Cuối cùng, học môn Ngữ văn phải coi trọng tiêu chí nghệ thuật, tính thẩm mỹ văn chương bằng cách đọc, hiểu, cảm nhận văn chương; biết bình giảng, bình luận, cắt nghĩa, đánh giá văn chương ở những vẻ đẹp phong phú, đa dạng của nó về nội dung, tư tưởng, giá trị nhân văn và về hình thức nghệ thuật sinh động, hấp dẫn, độc đáo.

Đặc biệt không ngừng bồi bổ tri thức ngôn ngữ Tiếng Việt và kỹ năng nói văn, viết văn sao cho đạt được hiệu quả cao nhất về thông tin và truyền cảm.

Đích đi tới của việc học bộ môn Ngữ văn là phải học, phải rèn luyện từ cách đọc, cách hiểu, cách cảm, cách nói, viết cho đến cách sống, cách làm người có lý tưởng, có nhân cách, làm người Việt Nam có tầm văn hoá cao.

Phương pháp học đem lại hiệu quả

Học Ngữ văn, trước hết cần nắm vững đặc điểm, yêu cầu, nội dung từng phân môn trong chương trình Ngữ văn và mối quan hệ hữu cơ có mật thiết của các phân môn: Văn học sử, Tác gia, Tác giả, Tác phẩm; Tiếng Việt, Làm văn, Lý luận văn học.

Thứ hai, phải tiếp cận trực tiếp với từng bài học trong từng phân môn (không phải một lần mà nhiều lần) - nhất là với các tác phẩm dài, khó nhưng rất có giá trị.

Không đọc bài học trước ở nhà hoặc không đem sách giáo khoa đến lớp hoặc có đem mà không theo dõi khi bạn đọc, thầy đọc hoặc trong quá trình nghe giảng thì sự tiếp nhận tri thức các bài học sẽ là sự áp đặt, thụ động, không thể hiểu kỹ, sâu để nhớ và vận dụng được khi làm bài kiểm tra, trong các kỳ thi cũng như trong cuộc sống sau này.

Thứ ba, với từng phân môn phải có phương pháp học phù hợp mới có hiệu quả: Phân môn đọc hiểu tác phẩm nhất thiết các em phải đọc kỹ tác phẩm, đọc kỹ hệ thống câu hỏi, suy nghĩ và chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Những chỗ chưa hiểu hoặc có “ vấn đề ” cần chuẩn bị ý kiến hỏi thầy khi nghe giảng; Phân môn Tiếng Việt phải chú ý làm bài tập thực hành. Phần lý thuyết cũng cần đọc trước để ghi nhớ những tri thức cơ bản nhất v.v...

Thứ tư, chương trình, nội dung bài học tất cả các phân môn mang tính pháp lý cao - “học gì thi nấy” nên không được coi nhẹ bất cứ bài học nào, không học tủ, học lệch; thích thì học kỹ, không thích thì học qua loa đại khái.

Phải học đều các bài, các phân môn. Muốn vậy phải hết sức coi trọng chuyên cần, tập trung tư tưởng, lắng nghe lời giảng kỹ lưỡng, ghi chép đầy đủ và cẩn thận, giữ gìn sách vở, coi đó là một tài sản quý báu của người học trò.

Thứ năm, mục tiêu cấp học là rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng tri thức; lên lớp, tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng... nên trong quá trình học các môn khoa học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng vừa phải coi trọng học nắm chắc kiến thức cơ bản, trọng tâm trong mỗi bài học vừa phải chú ý kiến thức mở rộng, nâng cao và nhất là rèn kỹ năng, vận dụng thực hành khi giải quyết những vấn đề cụ thể được đặt ra trong từng đề bài kiểm tra, thi giai đoạn tiến đến thi tốt nghiệp và thi đại học.

Riêng với học sinh khối 12 phải rất coi trọng nội dung chuẩn bị thi đại học và phương pháp giải quyết các đề theo yêu cầu thi đại học, cao đẳng.

Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi ĐH, CĐ mà còn có tác dụng khắc sâu, bổ sung kiến thức và kỹ năng phục vụ tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ sáu, một phương pháp chung mang ý nghĩa then chốt, có tầm quan trọng đặc biệt là vai trò tích cực, chủ động trong học tập của các em ở tất cả các phân môn; ở mọi khâu: chuẩn bị ở nhà, nghe giảng và học tập tại lớp; tự ôn tự học ở nhà, khi làm bài kiểm tra, bài thi và cả việc ngoại khoá văn học, tập dượt làm đề tài nghiên cứu khoa học...

Tất nhiên là đều có sự dẫn dắt, hướng dẫn của thầy nhưng phần vận động tự thân, độc lập suy nghĩ, định thời gian là cách thức học tập cho phù hợp với mỗi học sinh luôn có vai trò quyết định kết quả học tập, sự thành bại của chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.