Vượt mưa lũ, vào năm học mới

GD&TĐ - Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, nhưng với tinh thần khẩn trương, không ngại khó, ngại khổ để khắc phục hậu quả, các trường vùng “rốn lũ” đã hoàn tất các công việc cần thiết, đảm bảo các điều kiện để tổ chức ngày khai giảng cho học sinh vui vẻ và đầm ấm.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thanh Xuân rộn ràng không khí khai giảng
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thanh Xuân rộn ràng không khí khai giảng

Làm tất cả vì học sinh

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa), ít ai nghĩ rằng, nơi đây lũ dữ vừa đi qua. Trường lớp sạch sẽ, ngăn nắp. Bên ngoài sân trường được treo băng rôn, khẩu hiệu và trang trí đẹp chào mừng Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đại cho biết, mọi công tác dọn dẹp, vệ sinh trường lớp sau mưa lũ đã hoàn tất. “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi tiến hành một số công việc khánh tiết như: Trang trí lớp học, sân trường… tạo khung cảnh sư phạm sạch đẹp, hân hoàn chào đón các em học sinh trong ngày khai giảng năm học mới 2018 – 2019”.

Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi và để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho các em học sinh trong ngày khai giảng, thầy Nguyễn Văn Đại cho hay: Nhà trường sẽ tổ chức phần lễ trang trọng và ngắn gọn để dành phần lớn thời gian tổ chức phần hội cho học sinh. Theo đó, sẽ có nhiều chương trình đặc sắc trong ngày khai giảng như: Màn đồng diễn múa hát, thể dục của toàn bộ học sinh nhà trường.

Tiếp đó là nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như: Ném còn, nhảy bao bố, đi cà kheo, múa sạp… “Chúng tôi làm tất cả vì học sinh. Qua đó nhằm tạo tâm thế thoải mái cho các em trước khi chính thức bước vào năm học mới. Đồng thời động viên, khích lệ các em hăng say trong học tập” - thầy Nguyễn Văn Đại chia sẻ.

Được biết, năm học 2018 – 2019, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thanh Xuân có 170 học sinh, trong đó có 48 em bước vào lớp 6. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái và Mường.

Cô Phạm Thị Dần – Phó phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là các trường đồng loạt tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Do đó, một số trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ cũng rất tích cực chủ động khắc phục khó khăn, dọn dẹp vệ sinh trường lớp để có không gian cho học sinh trong ngày khai giảng”. Riêng Trường Tiểu học Trung Sơn – ngôi trường bị xóa sổ hoàn toàn trong trận mưa lũ hồi cuối tháng 8, sẽ tạm thời di chuyển đến khu tập thể của cán bộ, công nhân viên nhà máy thủy điện để học tập và tổ chức khai giảng trên đó.

“Chúng tôi yêu cầu các trường tăng cường phần hội cho các em. Tùy từng điều kiện thực tiễn, các nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi gắn với truyền thống của địa phương. Mục đích là tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em trước khi năm học mới chính thức được bắt đầu” - cô Phạm Thị Dần nhấn mạnh.

Học sinh nô nức đến trường, cùng tham gia các hoạt động trước khai giảng

Học sinh nô nức đến trường, cùng tham gia các hoạt động trước khai giảng

Không để trường học nào không khai giảng

Năm học 2018 - 2019, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu) có 215 học sinh, trong đó có 32 em học sinh lớp 1. Thầy Hiệu trưởng Trần Xuân Hạnh cho biết, mưa lũ đã cuốn trôi toàn bộ cơ sở 2 của nhà trường gồm: 17 phòng học, nhà công vụ, nhà bán trú…. Tổng thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác dọn dẹp, vệ sinh trường lớp đã hoàn tất. Trong khi chưa có điều kiện để khôi phục xây dựng cơ sở 2, nhà trường cũng đã sửa chữa, làm thêm một số phòng học tại cơ sở 1 để đón các em học sinh bước vào năm học mới.

 “Chúng tôi quyết tâm không để trường học nào không khai giảng, hoặc khai giảng muộn. Trước hết tập trung cao tu sửa phòng học, nhà ở cho các thầy cô giáo. Trong trường hợp một số trường chưa khắc phục xong hậu quả của mưa lũ thì có thể tổ chức khai giảng tại nhà văn hóa hoặc sân UBND xã”
Thầy Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La.

“Quan điểm của chúng tôi là, dù khó khăn đến đâu cũng phải tổ chức ngày khai giảng cho các em theo đúng kế hoạch (5/9). Theo đó, năm nay trường mầm non, tiểu học và THCS sẽ tổ chức khai giảng chung tại một địa điểm. Trong ngày khai giảng, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian cho các em. Sau khai giảng, chúng tôi sẽ tiến hành dạy học theo thời khóa biểu nhằm đảm bảo tiến độ năm học. Đồng thời, quán triệt giáo viên nghiêm túc dạy học thực chất ngay từ tiết học đầu tiên” – thầy Trần Xuân Hạnh chia sẻ.

Là một trong những trường bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Mai Sơn (Sơn La), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nà Ớt cũng đã cơ bản dọn dẹp, vệ sinh xong các phòng học, sẵn sàng đón học sinh tựu trường trong ngày giảng năm học mới 2018 – 2019.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Huấn cho biết: Đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua khiến kè chắn đất bị vỡ, đồ dùng nấu ăn, trang thiết bị, sách vở, tài liệu của nhà trường bị nước cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm hỏng và mất 1,4 tấn gạo, bùn đất tràn vào lớp học. Ngoài sân trường, có chỗ bùn ngập sâu đến trên 50cm, cá biệt có những chỗ bùn ngập gần 1m.

“Những ngày vừa qua, toàn bộ giáo viên của nhà trường đã căng mình để khắc phục hậu quả của mưa lũ. Không quản khó khăn, vất vả, chúng tôi làm việc quên cả những ngày nghỉ lễ, chỉ mong kịp thời gian tổ chức khai giảng cho các con. Cho đến giờ phút này, các lớp học cơ bản đã được vệ sinh sạch sẽ, bàn ghế đã được xịt rửa. Chúng tôi sẽ chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất có thể để tổ chức Ngày khai giảng cho các em thật ý nghĩa và ấm cúng” - Thầy Nguyễn Trung Huấn bộc bạch.

Thầy Nguyễn Văn Phát – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Sơn (Sơn La) cũng chia sẻ: “Chúng tôi rất ghi nhận nỗ lực của các trường và lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể xã hội đã nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị chu đáo cho Ngày khai giảng 5/9. Năm nay, chúng tôi cũng tham mưu với lãnh đạo UBND huyện tổ chức các đoàn đại biểu đến dự lễ khai giảng ở những trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Qua đó nhằm động viên, khích lệ tinh thần thầy – trò vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy và học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...