Vượt khó trồng người

Vượt khó trồng người

(GD&TĐ) - Nghề giáo vốn là nghề thầm lặng, đòi hỏi sự hi sinh chia sẻ và yêu thương học sinh hết lòng. Với những cô giáo đang công tác ở vùng khó khăn, sự hi sinh ấy càng đòi hỏi gấp bội phần.

Khi nghề trở thành nghiệp

Cô Nguyễn Thị Kim Hồng 14 năm gắn bó với nghề giáo dù đồng lương giáo viên hợp đồng vô cùng hạn chế. Ảnh: Lê Văn
Cô Nguyễn Thị Kim Hồng 14 năm gắn bó với nghề giáo dù đồng lương giáo viên hợp đồng vô cùng hạn chế. Ảnh: Lê Văn
 

Câu chuyện của nữ nhà giáo Nguyễn Thanh Thêm – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đất Mũi (huyện Ngọc  Hiển – Cà Mau) khiến người nghe không khỏi cảm phục. Năm 1986, khi cô Thêm đang là giáo sinh công tác tại thị trấn Năm Căn, trong một chuyến đi thăm Đất Mũi, thấy học sinh không có nơi vui chơi, học tập, chỉ lang thang bùn đất, mò tôm bắt ốc... cô rất trăn trở phải làm sao để giúp các em được đến trường, được học chữ như bao trẻ em khác.

Nghĩ là làm, khi trở về cô đã làm đơn tình nguyện xin phòng giáo dục về Đất Mũi mở trường mẫu giáo. Ngày cô về xóm Mũi dạy học hoàn toàn chỉ có đôi bàn tay trắng. Tự thân xin chính quyền xã được 23m2 mở phòng học, rồi cô lại tự vận động được 24 trẻ tới lớp. Ngày đứng trên lớp giảng dạy đầu tiên, nhìn lũ trẻ ngồi học, cô Thêm mừng phát khóc. Mừng như thể cô đã đưa được chính những đứa con do mình sinh ra tới trường lớp. 

Thế nhưng, ngay cả khi lớp học đã hoạt động thì những khó khăn vẫn nối tiếp khó khăn như để thử thách sự kiên trì nhẫn nại, sự hy sinh và tình yêu nghề lớn hơn nữa của cô Thêm. Tại lớp học của cô, hàng năm vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 thủy triều lại dâng ngập lớp học mang theo lớp phù sa kèm rác và nhiều loại côn trùng, rắn nước. Không thể làm được gì hơn, cô Thêm chỉ có cách chờ nước rút rồi lại cặm cụi quét dọn, lau chùi bàn ghế đồ dùng và phơi khô để cô trò tiếp tục dạy và học. 

Không chỉ khó khăn trong điều kiện dạy học mà điều kiện sống cũng phức tạp. Giao thông ra đảo chỉ bằng đường thủy, điện thắp sáng sinh hoạt chưa có nên cô thường xuyên phải soạn giáo án dưới ánh đèn dầu và gió biển.

Nơi đây cũng là vùng nước mặn nên chuyện cô phải đi 3 - 4 cây số đến nhà dân chở nước về vệ sinh lớp học và phục vụ sinh hoạt cho học sinh là thường. Song càng khó khăn, cô Thêm càng thêm quyết tâm ở lại, gắn bó với vùng đất, với sự nghiệp trồng người và học sinh nơi đây.

Có thể nói, nữ giáo viên mỗi vùng miền đang gắn bó sự nghiệp lại có những khó khăn khác nhau. Cách thủ đô Hà Nội 70km, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hồng đang công tác tại Trường THCS Minh Châu (Ba Vì - Hà Nội) hàng ngày vẫn phải dậy từ 5 giờ sáng, vượt qua gần chục km đường bộ, rồi đi phà qua sông để tới trường.

Điều đáng nói, mặc dù đã vào nghề, và dạy học 14 năm song cô Hồng vẫn thuộc diện giáo viên ngoài biên chế. Hàng tháng sau khi trừ các khoản phải nộp thì tổng thu nhập của cô chỉ vỏn vẹn khoảng 1,4 triệu đồng.

Chồng cô Hồng cũng là giáo viên tiểu học, tổng thu nhập vợ chồng nhà giáo không cao nên ngoài giờ dạy học, vợ chồng cô phải cấy thêm 2 sào ruộng để đảm bảo cái ăn hàng ngày cho gia đình 4 người. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình cô giáo Hồng hiện nay phải rất giản tiện thì mới co kéo đủ trong số lương vợ chồng nhà giáo. 

Cô Hồng cho biết, đã 3 lần làm đơn xin thôi việc để làm công việc có thu nhập tốt hơn đảm bảo cho cuộc sống sinh hoạt gia đình. Thế nhưng cả 3 lần tự tay làm đơn là cả 3 lần cô Hồng lại tự tay xé đơn. Cứ nghĩ đến việc rời xa mái trường mình đã gắn bó 14 năm, hàng ngày không được gặp học sinh, được mang kiến thức đến cho những thế hệ học trò nghèo tại đây, lòng cô lại quặn thắt. Vậy là bụng bảo dạ: “Khó mấy cũng cố gắng vượt qua để được gắn bó với nghiệp mà mình đã chọn”. 

Khó khăn không chùn bước

Khó khăn không làm cô chùn bước
Khó khăn không làm cô chùn bước
 

Đến nay, cả nước có khoảng 80.000 nữ nhà giáo và nữ quản lý giáo dục trên tổng số 1,2 triệu nhà giáo toàn ngành. Và trong số đó có hơn 100.000 nữ nhà giáo đang làm nhiệm vụ tại những vùng núi cao, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Hàng ngày, hàng giờ các cô đang vượt qua mọi khó khăn thử thách về điều kiện tự nhiên, khí hậu cũng như thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sống, sinh hoạt... dành trọn tuổi thanh xuân và cuộc đời cho sự nghiệp dạy chữ dạy người. 

Ở những vùng sâu, vùng khó khăn nhất, nhiều cô giáo không chỉ có nhiệm vụ dạy học. Để có học sinh tới trường lớp đầy đủ, để học sinh không bỏ học, quay trở lại lớp... bàn chân của các cô đã phải vượt bộ qua hàng chục km đường núi, đèo, sông suối để đến từng nhà học sinh làm công tác vận động. Rồi ở những nơi điện nước thiếu thốn, không bàn ghế sách vở... các cô lại tự tay đóng cọc, cùng dân đặt tấm nứa làm bàn học cho học sinh, tự tạo những thiết bị đồ dùng dạy học.

Có những điểm trường, các cô giáo phải đi bộ từ sáng đến trưa, chiều mới tới nơi để dạy học. Có những nơi điểm trường cách xa chợ hàng chục km, không thể đi chợ hàng ngày, các cô phải thường xuyên ăn đồ hộp, uống nước suối, tự tăng gia sản xuất rau xanh cho bữa cơm hàng ngày. Các cô giáo cũng không chỉ dạy chữ mà còn thay cả cha mẹ nấu nướng cho các em ăn uống, tắm táp mỗi khi cha mẹ các em làm nương rẫy quá bận không kịp tới đón con về nhà, hay trở thành những y bác sĩ chăm sóc các em khi trái nắng trở trời. 

Sự khó khăn, vất vả của những cô giáo vùng khó, nơi núi rừng xa xôi hẻo lánh... làm sao có thể kể hết. Thế nhưng niềm vui của những thầy cô giáo vùng khó lại vô cùng giản dị. Có thể chỉ là những bó hoa rừng đủ loại cùng những lời chúc do chính các em đề tặng trên tờ giấy trắng trong những dịp 8/3, 20/10, 20/11. Hoặc có thể chỉ là những can nước được các em gánh tặng từ dưới suối, là những bắp ngô, củ sắn rừng được phụ huynh mang tới tỏ lòng biết ơn... 

Vất vả, khó khăn không nản. Hàng ngày nhiều nữ giáo viên vẫn bám trường, bám lớp, vẫn yêu nghề, yêu người. Sự hi sinh của những nữ giáo viên dẫu thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa. Trong công cuộc trồng người đầy vất vả, các nữ giáo viên đã và đang trở thành những hạt nhân vô cùng tích cực, đóng góp sức lực không nhỏ để mang tri thức cho thế hệ tương lai.

Với các cô giáo vùng khó, phần thưởng và mong muốn lớn nhất chính là những mầm xanh tương lai ngày càng vươn cao mạnh mẽ. 

Nữ giáo viên đã và đang có mặt hầu hết tại những vùng khó khăn, biên giới, hải đảo... để hàng ngày mang đến kiến thức, con chữ cho người dân. 

Hà Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ