Cần Thơ nhân rộng và đại trà thí điểm giáo dục STEM

GD&TĐ - Sáng 23/12, Sở GD&ĐT Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết tình hình triển khai và đóng góp ý kiến thực hiện thí điểm giáo dục STEM.

Quang cảnh hội nghị tổng kết thí điểm.
Quang cảnh hội nghị tổng kết thí điểm.

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Cần Thơ được chọn thí điểm giáo dục STEM trên cả nước. Sở đã chọn 5 phòng giáo dục, mỗi phòng chọn 2 trường tiểu học để tham gia thí điểm.

Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, chương trình đạt được những hiệu quả bước đầu, đặc biệt là khơi dậy sự sáng tạo, hứng thú của giáo viên và học sinh trong giảng dạy.

Tại hội nghị, lãnh đạo các phòng GD&ĐT cũng chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong công tác triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM trong thời gian qua tại các đơn vị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Long - Trưởng Phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Ngành GD thành phố lựa chọn 10 trường tiểu học tham gia thí điểm thuộc 5 quận, huyện Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền. Các trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tích cực, năng động và được tập huấn đầy đủ.

Các trường thực hiện thí điểm đã hoàn thành xuất sắc và vượt kế hoạch đề ra với 323 GV đã thực hiện giảng dạy các bài học/406 GV được tập huấn; 119 chủ đề STEM được dạy và 11.210 học sinh được học.

Học sinh tham gia các hoạt động, thể hiện kĩ năng, sự sáng tạo trong học tập.

Học sinh tham gia các hoạt động, thể hiện kĩ năng, sự sáng tạo trong học tập.

Bên cạnh việc tổ chức hình thức bài học STEM, các đơn vị còn đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động trải nghiệm STEM thông qua các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kĩ thuật, thực hiện tốt các không gian trải nghiệm STEM, các góc STEM trong từng lớp học, khuôn viên nhà trường.

Các trường tham gia thí điểm đều chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tại đơn vị theo đúng kế hoạch, chủ động trong tuyên truyền rộng mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học. Qua đó ghi nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, cha mẹ học sinh và cộng đồng trong công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức được các câu lạc bộ STEM-Robotic.

Tuy nhiên, do mới triển khai thí điểm nên địa phương cũng còn gặp một số khó khăn như: tài liệu tập huấn chỉ có 2 bài minh họa/khối, nguồn tài liệu tham khảo cho GV còn ít nên khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy Bài học STEM; một số GV còn lúng túng, chưa cân đối thời gian trên lớp để đảm bảo chuẩn kiến thức và đảm bảo mục tiêu STEM.

Ngoài việc sử dụng thiết bị sẵn có, các vật liệu, công cụ gia dụng dễ tìm,… các trường vẫn cần có thêm nguồn kinh phí để giáo viên được chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình thực hiện chủ đề STEM.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của giáo viên trong triển khai thí điểm giáo dục STEM.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của giáo viên trong triển khai thí điểm giáo dục STEM.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, vượt khó triển khai thí điểm giáo dục STEM trên địa bàn thành phố của các trường.

Lãnh đạo Sở cũng lưu ý các Phòng GD&ĐT, các nhà trường đây không phải nhiệm vụ mới, yêu cầu hay việc làm mà đây là phương pháp giáo dục, giúp thầy cô thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là trong triển khai nhiệm vụ năm học đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

Thầy cô cũng cần quan tâm hơn đến công tác phối hợp giữa các nhà trường trên địa bàn, trở thành cầu nối hữu hiệu, quan trọng trong thực hiện nhân rộng và đại trà thí điểm giáo dục STEM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ