Bỏ điều kiện tốt trong đất liền để ra đảo
Đã hơn chục năm trôi qua gắn liền với đảo Bạch Long Vĩ, bác sĩ Phạm Văn Hải vẫn ngày đêm nuôi ý chí bám đảo để dốc sức mình chữa bệnh cho người dân. Mới ra trường, bác sĩ Hải đã viết đơn nộp lên sở Y tế xung phong ra đảo và được chấp nhận ngay.
Khi ấy, bố mẹ anh Hải can ngăn mãi không được phải nhờ đến cả họ hàng giúp sức thuyết phục. Thế nhưng, từ nói nặng lời đến nhẹ nhàng khuyên răn, chàng thanh niên là con một trong gia đình vẫn quyết tâm xách ba lô lên ra đảo. Mặc dù, thời gian ấy, ngay trong đất liền, anh Hải cũng đã có rất nhiều nơi nhận về làm việc.
Nhớ lại những ngày sục sôi khí thế, anh Hải chia sẻ: “Tôi là con một duy nhất trong gia đình, bố mẹ cũng già yếu nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ, những gì mình học được phải được cống hiến cho xã hội, cho những con người còn chịu nhiều thiệt thòi hơn. Ra đảo sẽ vất vả lắm, sẽ thiếu thốn trăm bề nhưng làm nghề cứu chữa bệnh cứ chọn nơi nào an nhàn sung sướng thì bệnh nhân biết trông vào ai…”
Nghĩ là làm, bác sĩ trẻ với chuyến đầu tiên ra đảo say sóng nhớ đời, và những bước chân lên hòn đảo thiếu thốn từ những thứ nhỏ nhất và đặc biệt là hiếm nước sinh hoạt khiến anh không khỏi trăn trở. Thế nhưng, trăn trở ấy không phải là làm thế nào để về đất liền mà làm sao để bà con dân đảo được chăm sóc, quan tâm hơn và đời sống khá hơn.
Ra đây, anh Hải được phân công công tại tại khoa khám bệnh của trung tâm Y tế . Đến năm 2008 trung tâm được đổi thành bệnh viện, nay là Trung tâm y tế Quân dân Y theo QĐ 176 của UBND TP Hải Phòng.
Điều kiện khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn khi điện, nước đều không có. Những ca bệnh đầu tiên của bác sĩ trẻ có lẽ đến giờ anh vẫn chưa quên được. Những bệnh nhân bị bệnh nhẹ thì các bác sĩ phải dùng đèn dầu, nến để soi và chữa bệnh. Còn những ca mổ, phải gọi bên ủy ban cho phép chạy máy phát điện để mổ.
Anh Hải nhớ mãi ca tại nạn của một bệnh nhân làm việc trên tàu nên bị ngã, kính đâm vào bụng. Trước những ca bệnh đó, bác sĩ Hải vắt óc suy nghĩ trăn trở xin tư vấn của thầy cô trong đất liền. Thậm chí, anh còn phải xin sự hướng dẫn giúp đỡ của bạn bè, những người có kinh nghiệm cao để xem xét tình hình. Sau đó, anh đã báo cáo lãnh đạo địa phương và sở Y tế để quyết định cho mổ ngay. Đó là thời gian đầu ở đảo, kinh nghiệm còn chưa có nhiều nên bác sĩ trẻ ấn tượng mãi. Sau ca mổ, kính được gắp ra, vết mổ an toàn và bệnh nhân được cầm máu nên không nguy hiểm đến ổ bụng và tính mạng.
Nếu ở trong đất liền, những ca mổ hay bệnh nguy hiểm thì có rất nhiều các bác sĩ chuyên môn hội chẩn, nếu không đủ điều kiện khám chữa có thể chuyển tuyến cao hơn, chất lượng hơn để chữa trị. Thế nhưng, ở Bạch Long Vĩ, bệnh nhân đến với Trung tâm y tế chỉ biết giao tính mạng cho các bác sĩ, chính vì thế áp lực càng đè nặng lên những người mặc áo bluose trắng và phải luôn cân nhắc thật kỹ vì mình chính là người ngăn chặn lưỡi hái tử thần đến với các bệnh nhân.
Nhìn bệnh nhân tỉnh dậy với lòng biết ơn sâu sắc, nước mắt rưng rưng cầm tay bác sĩ như lời cảm ơn chân thành bởi thoát được lưỡi hái tử thần, bác sĩ Hải cảm động nhớ mãi giây phút ấy. Có lẽ, đó cũng là động lực để anh quyết tâm bám đảo cứu người cho đến tận bây giờ.
Bác sĩ Hải tâm sự: Mỗi lần cứu chữa được cho môt bệnh nhân, tôi lại thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn, phấn đấu nhiều hơn. Những tính cảm của bà con và người dân ở đảo Bạch Long Vĩ này chính là niềm tin và sự đọng viên khích lệ tôi mỗi ngày. Họ quý mến nhau, gần gũi và thân thiết như chính người thân ruột thịt. Đó cũng là những gì tôi lưu luyến nhất mỗi khi xa đảo về đất liền.
Con không nhận bố!
Kể về gia đình, bác sĩ Hải ngại ngùng nhớ lại những ngày “tán” đổ vợ bây giờ. Năm anh hải 28 tuổi, khi công việc đã ổn định, bao nhiêu người mối mai giới thiệu, anh vẫn chưa “bén duyên” với ai. Cậu bạn thân cũng giới thiệu cho cô bạn hàng xóm dịu hiền, nghe kể chuyện về cô gái trẻ nhiều lần nên một lần về nghỉ phép, anh Hải qua nhà bạn chơi. Gặp gỡ chị lần đầu, anh Hải ưng ngay. Ba ngày sau, anh sang nhà chị xin phép được tìm hiểu và chỉ sau 7 ngày nghỉ phép, anh dẫn bố mẹ sang thưa chuyện cưới nàng về làm dâu.
Anh cho biết, thời gian đầu bàn chuyện cưới xin, gia đình bạn gái cũng lo lắng vì công việc của anh đi xa, không ở bên chăm sóc gia đình được sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, nhưng biết anh là bác sĩ, làm nghề thầy thuốc cao quý, lại được rèn luyện ở đảo nên tính cách chững chạc đáng tin tưởng đã khiến gia bên gia đình vun vén tổ chức đám cưới cho đôi trai gái.
Anh chia sẻ: Tôi thật may mắn gặp và lấy được cô ấy. Cho đến giờ, tôi vững tin công tác tại đảo là nhờ công sức lớn của hậu phương, trong đó có phần lớn là vợ con tôi. Cô ấy luôn động viên tôi làm việc, thay đứa con trai duy nhất trong gia đình chăm sóc bố mẹ tôi. Những gì tôi có được ngày hôm nay đều có bóng dáng in những công lao của vợ,…
Anh Hải đã có hai con và đều ở trong đất liền với mẹ. Có những năm anh phải trực Tết không về nhà được, chị lại khăn gói đưa con ra thăm bố. Khi con còn nhỏ, mỗi lần được nghỉ phép về thăm nhà, anh không khỏi tủi thân khi xa nhà lâu ngày nên con chẳng nhận ra bố, thậm chí cứ bố đến gần là khóc vì lạ. Khi các con lớn thêm một chút, vợ anh muốn nối liền khoảng cách ngoài đảo với đất liền và để tình cảm bố con khăng khít, chị lại vượt sóng đưa con ra thăm anh.
Ở trong đất liền, vợ anh cũng không kém gì thầy thuốc. Mỗi khi con nhỏ ốm hay bố mẹ già trở bệnh, anh Hải từ xa qua điện thoại hướng dẫn vợ cách khám và tư vấn uống thuốc. Lâu dần, những bệnh nhẹ, vợ anh đã quen đều có thể tự khám, nghe phổi và điều trị được.
Canh cánh những nỗi lo cho gia đình và nỗi nhớ nhà, nhưng khi được hỏi mong ước của mình, anh Hải vẫn chỉ nghĩ đến cho công tác khám chữa bệnh ngoài đảo, anh nói: "Ở Bạch Long Vĩ, cơ sở vật chất đã được quan tâm nhưng còn thiếu thốn nhiều khiến cho những ca bệnh nặng rất khó xoay sở.
Hơn nữa, trong thời gian tới, tôi chỉ mong có những cơ chế chính sách giữ chân những người có tay nghề giỏi ở lại làm việc, bởi nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp bách khi chúng tôi phải tự phát triển nhân lực vốn có. Đó cũng là thiệt thòi lớn cho nhân dân sống trên đảo".