Theo truyền thuyết, vua xứ Babylon đã xây dựng một khu vườn treo vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên để làm quà cho hoàng hậu Amytis, người luôn nhớ nhà cùng những thảm thực vật xinh đẹp ở quê hương Media.
Tuy nhiên, bất chấp các văn bản cổ mô tả bức tranh sống động về hệ thống vườn treo được xem là một trong bảy kỳ quan thế giới, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm bằng chứng về sự tồn tại của nó.
Công trình tình yêu
Vườn treo Babylon được cho là xây dựng vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên bởi Nebuchadnezzar II, nhà vua trị vì từ năm 605 - 562 trước Công nguyên, nổi tiếng với những dự án xây dựng kỳ vĩ, như Cổng Ishtar và các bức tường thành Babylon.
Truyền thuyết kể lại, hoàng hậu Amytis luôn ngày đêm nhớ nhung những ngọn đồi xanh mướt của quê hương mình, xứ Media (nằm ở phía Tây Bắc của Iran ngày nay). Như một cử chỉ lãng mạn lớn lao đối với người yêu, nhà vua đã cho xây dựng một hệ thống vườn treo công phu để mang đến cho người vợ một ký ức đẹp về quê hương.
Các khu vườn là một loạt bậc thang hình thành một cầu thang khổng lồ màu xanh lá cây. Tuy nhiên, hệ thống tưới mới nổi bật như một trong những khía cạnh hấp dẫn của truyền thuyết.
Theo các văn bản lịch sử, nước được hút lên từ sông và phân phối khắp các khu vườn bằng một loạt máy bơm, kênh và bể chứa. Công nghệ ấn tượng đằng sau hệ thống tưới tiêu khá bí ẩn. Làm sao nhà vua có thể lên kế hoạch cho một hệ thống phức tạp như vậy ngay từ đầu, chứ đừng nói đến việc thực hiện nó?
Cấu trúc của các bậc thang cũng là một điều kỳ diệu. Việc sử dụng các cột đá để đỡ trọng lượng của đất, cây cối và nước, đòi hỏi phải lập kế hoạch và xây dựng tỉ mỉ. Người xưa có thể đã sử dụng các lớp lau sậy và nhựa đường để chống thấm cho các khu vườn bậc thang.
Kỹ thuật phức tạp này là lý do chính khiến các nhà sử học xem Vườn treo Babylon là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Nhưng hệ thống vườn này nằm ở đâu? Có thực sự ở Babylon hay không?
Bản ghi chép lâu đời nhất về khu vườn được đưa ra bởi Berossus xứ Chaldea, một tu sĩ sống vào cuối thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Diodorus Siculus, một nhà sử học Hy Lạp thuộc thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, đã dựa trên nguồn tài liệu từ Berossus và mô tả khu vườn treo này như sau:
Con đường tiếp cận có độ dốc giống như một sườn đồi và một số phần của cấu trúc nhô lên từ tầng này đến tầng khác. Trên những công trình kiên cố này, đất được chất đống và trồng dày đặc đủ loại cây xanh. Nước từ sông được đưa lên rất nhiều nhưng không ai ở bên ngoài có thể nhìn thấy các máy bơm hoạt động ra sao.
Vườn treo Babylon cũng được nhà địa lý, triết học và sử học Hy Lạp, Strabo, mô tả trong quyển XVI, tác phẩm Geography (Bách khoa toàn thư về kiến thức địa lý) của ông. Ông viết: Khu vườn hình vuông, mỗi cạnh có kích thước bằng bốn plethra.
Nó bao gồm các thềm hình vòm, cái này trên cái kia và gắn vào những cây cột hình khối rỗng. Chúng được đổ đầy đất để có thể trồng những cây có kích thước lớn nhất. Các cột, khung vòm và thềm đều được xây bằng gạch nung và nhựa đường.
Hai thế kỷ sau, những mô tả tương tự được lặp lại bởi Philo xứ Byzantium, người đã biên soạn về bảy kỳ quan thế giới cổ đại trong tác phẩm De Septem Orbis Spectaculis của mình.
Vườn treo ở đâu?
Trong nhiều thế kỷ, các nhà khảo cổ đã lùng sục khu vực từng được cho là nơi Vườn treo Babylon tồn tại nhưng không phát hiện manh mối nào. Một số chuyên gia nghi ngờ câu chuyện này là một “ảo ảnh lịch sử”. Tuy nhiên, nhiều nhà khảo cổ nêu vấn đề là liệu chúng ta đã tìm kiếm đúng nơi khu vườn từng tồn tại hay chưa.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2023, Tiến sĩ Stephanie Dalley - Đại học Oxford đã nêu giả thuyết rằng, các nhà sử học cổ đại đã nhầm lẫn vị trí và các vị vua của họ. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn minh Lưỡng Hà, bà phát hiện các bản dịch cập nhật của một số văn bản cổ nhưng không tìm thấy thông tin nào về Vườn treo Babylon.
Dựa trên nghiên cứu của mình, Stephanie Dalley tin rằng vua Sennacherib, chứ không phải Nebuchadnezzar II, mới là người xây dựng kỳ quan này. Khu vườn thực sự nằm ở thành cổ Nineveh, gần Mosul, Iraq ngày nay, được xây dựng vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, sớm hơn gần một trăm năm so với nhận định ban đầu của các học giả.
Nếu giả thuyết của Dalley đáng tin cậy thì vườn treo được xây dựng ở Assyria, cách Babylon cổ đại khoảng 300 dặm về phía Bắc. Điều thú vị là, các cuộc khai quật gần Mosul dường như đã ủng hộ giả thuyết của TS Dalley. Các nhà khảo cổ từng tìm thấy bằng chứng về một chiếc chân vịt khổng lồ bằng đồng có thể dùng chuyển nước từ sông Euphrates vào khu vườn.
Họ cũng phát hiện một dòng chữ cho biết chiếc chân vịt này đã giúp cung cấp nước cho thành phố. Địa hình đồi núi xung quanh Mosul có nhiều khả năng nhận được nước từ hệ thống thủy lợi thuận lợi hơn so với vùng đất bằng phẳng của Babylon.
TS Dalley giải thích thêm rằng, người Assyria đã chinh phục Babylon vào năm 689 trước Công nguyên. Sau đó, Nineveh thường được gọi là “Babylon mới” và vua Sennacherib đã đổi tên các cổng thành của mình theo tên cổng vào của Babylon. Vì vậy, các nhà sử học Hy Lạp cổ đại có thể đã nhầm lẫn vị trí của chúng.
Trải qua nhiều thế kỷ, hầu hết các cuộc khai quật đều tập trung vào thành phố cổ Babylon chứ không phải Nineveh. Hiện nay, các nhà khảo cổ hy vọng từ địa điểm này, sự tồn tại của kỳ quan thế giới cổ đại trên sẽ được xác định.
Bảy kỳ quan thế giới cổ đại, gồm: Tượng thần Mặt trời ở Rhodes (xây dựng khoảng năm 280 trước Công nguyên); Vườn treo Babylon (600 trước Công nguyên); Ngọn hải đăng Alexandria (280 trước Công nguyên); Tượng thần Zeus (470 trước Công nguyên); Đại kim tự tháp Giza (2560 trước Công nguyên); Lăng mộ của Mausolus (350 trước Công nguyên) và Đền Artemis (550 trước Công nguyên).
Trong số này, hiện chỉ tồn tại duy nhất quần thể lăng mộ kim tự tháp Giza tại Ai Cập.