Pin Baghdad: Kỳ tích y học thời cổ đại?

GD&TĐ - Pin Baghdad, đôi khi còn được gọi là pin Parthian, là một chiếc bình đất sét bên trong có một ống trụ bằng đồng với thanh sắt được đặt tách biệt ở giữa.

Cổ vật được cho là pin đầu tiên trên thế giới.
Cổ vật được cho là pin đầu tiên trên thế giới.

Niềm tin lâu đời về kiến thức công nghệ và y học cổ đại đã được khơi dậy vào những năm 1990, khi có nhà khoa học cho rằng pin và cá chình điện có thể đã được người xưa sử dụng trong y học giúp giảm đau hoặc gây mê.

Từ đây, người ta đặt câu hỏi thú vị về chức năng thực sự của pin Baghdad, một hiện vật bí ẩn từ thời cổ đại: Liệu đây là đồ tạo tác đơn thuần hay kỳ công về y học?

Cổ vật gây tranh cãi

Pin Baghdad, đôi khi còn được gọi là pin Parthian, là một chiếc bình đất sét bên trong có một ống trụ bằng đồng với thanh sắt được đặt tách biệt ở giữa. Cả trụ đồng và thanh sắt đều được giữ cố định bằng chốt nhựa đường.

Hiện vật này được phát hiện trong cuộc khai quật năm 1936 tại ngôi làng cổ Khujut Rabu, gần Baghdad ở Iraq. Làng có niên đại khoảng 2.000 năm, được xây dựng từ thời Parthian (năm 250 trước Công nguyên đến năm 224 Công nguyên). Đối với một số người, pin Baghdad đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về công nghệ Lưỡng Hà cổ đại.

Pin Baghdad là một chủ đề gây tranh cãi trong giới học thuật. Các nhà khảo cổ học quan sát nó với thái độ hoài nghi, xem như một hiện vật bình thường chứ không phải công nghệ cổ xưa nào cả. Trong khi đó, nhiều nhà sử học lại thấy nó thú vị và xem đây như một thiết bị điện nguyên thủy hoặc để mạ điện.

Theo nhà khoa học Mỹ Paul T. Keyser, ở Akkad và Babylon cổ đại có hai loại thầy thuốc. Asipu chẩn đoán bệnh thông qua bói toán hoặc quan sát các triệu chứng, trong khi Asu kê đơn điều trị bằng thuốc hoặc thần chú.

Ông đưa ra giả thuyết, Asu có thể đã truyền dòng điện vào bệnh nhân để điều trị vùng bị ảnh hưởng. Và pin Baghdad có thể được dùng cho liệu pháp này. Mặc dù, một pin sẽ không thể tạo ra đủ điện áp để làm giảm đau đớn ở da, nhưng nhiều pin liên kết với nhau sẽ làm được điều này.

Khi pin Baghdad đầu tiên được phát hiện, nó được xem là không phù hợp với “luận thuyết về sự thiếu hiểu biết” của các nền văn minh cổ đại. Nhưng khi các cuộc khai quật của người Parthia tiếp tục tìm thấy nhiều pin hơn, các nhà khảo cổ bắt đầu quan tâm đến chúng.

Những người hoài nghi cho rằng, chiếc bình nhỏ này chỉ là vật dụng để đựng giấy cói, hoặc thiết bị dùng để mạ điện. Nhưng nếu nó được sử dụng để mạ điện thì tại sao không có vật mạ điện nào được phát hiện?

Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu tin rằng sự hiện diện của nhựa đường, được sử dụng làm chất bịt kín, và đặc tính ăn mòn bên trong bình, chứng tỏ thiết bị này từng chứa chất lỏng ăn da. Vào thời cổ đại, các chất có tính axit rất phổ biến, trong đó giấm hoặc rượu vang có thể là chất lỏng ăn mòn chứa trong pin Baghdad.

Loài cá phóng điện được người cổ đại dùng chữa bệnh.

Loài cá phóng điện được người cổ đại dùng chữa bệnh.

Thiết bị chữa bệnh?

Keyser cho rằng, những cây kim bằng đồng và sắt, được khai quật cùng với pin ở Seleucia, một thành phố cổ gần Baghdad, có thể đã được sử dụng để châm cứu, một phương pháp phổ biến ở Trung Quốc vào thời kỳ đó. Hơn nữa, các nền văn minh cổ đại khác, như Hy Lạp và La Mã, được cho là đã sử dụng cá phóng điện để điều trị các bệnh như đau đầu và gút.

Scribonius Largus, một thầy thuốc La Mã nổi tiếng vào thế kỷ thứ I Công nguyên, đã để lại một tài liệu hấp dẫn về các phương pháp y học cổ xưa. Trong các bài viết của mình, ông đã đưa ra một phương pháp chữa bệnh gút độc đáo: Đặt một con cá đuối điện đen còn sống - còn được gọi là tia điện - dưới chân người bị bệnh khi họ đứng trên bãi biển để gây điện giật. Largus khuyên nên đặt con cá ở nơi nước biển tràn qua, khiến vùng bị ảnh hưởng bị tê liệt đến đầu gối.

Còn Keyser gợi ý rằng, vì cá phóng điện không được tìm thấy ở Vịnh Ba Tư hoặc sông Lưỡng Hà nên người cổ đại có thể đã tạo ra pin Baghdad như một phương tiện thay thế để khai thác điện.

Mặc dù vậy, giả thuyết trên không được các học giả ủng hộ, họ cho rằng những kiến thức tiên tiến như vậy không thể phát xuất từ người cổ đại. Trước đây rất nhiều di vật cổ không thể giải thích được, thường bị xem là vô nghĩa hoặc trò lừa đảo.

Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi. Với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông trực tuyến và các chương trình truyền hình, người ta ngày càng trở nên hiếu kỳ và háo hức đón nhận những lý thuyết mang tính đột phá.

Cho dù đó là những đầu mũi tên bằng đồng được phát hiện ở độ sâu 122m dưới bề mặt ở Colorado hay chiếc bình cổ Dorchester tuyệt đẹp ở Massachusetts, đều cần được kiểm tra lại.

Cũng như ngày nay, người cổ đại đã cùng tồn tại với công nghệ tiên tiến. Trong môi trường y học thời đó, nhiều nền văn minh đã sử dụng các sinh vật biển phóng điện để điều trị bệnh. Một giả thuyết hợp lý cho rằng, pin Badhdad là một thiết bị trị liệu bằng điện. Đáng tiếc, cuộc chiến ở Iraq đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Bảo tàng Quốc gia và nhiều pin cổ này đã bị mất.

Một bài báo trên BBC News năm 2003 đi sâu vào bí ẩn xung quanh pin Baghdad, xem đây là loại pin được biết đến sớm nhất trên thế giới, đã tiếc rẻ với sự mất mát của cổ vật: “Chiến tranh có thể hủy diệt nhiều hơn một dân tộc, một đội quân hay một nhà lãnh đạo. Văn hóa, truyền thống và lịch sử cũng không tránh khỏi. Trong bất kỳ cuộc chiến nào, những kho báu vô giá đều có khả năng bị mất vĩnh viễn và pin Baghdad cũng không ngoại lệ”.

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Bánh dợm

GD&TĐ - Khi nhìn tới cái tên lạ lẫm 'bánh dợm', lần đầu được nghe cô bán hàng mô tả 'giống bánh giầy nhưng có thêm nhân', nó liền náo nức chọn.