“…
Ơi cơn mưa quê hương
Đã ru hát hồn ta thuở bé,
Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé:
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa,
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa
Ta yêu qus như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương
Như những con người-biết mấy yêu thương
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông
Ta lặn xuống, nghe xa vang tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.
………………………………….”
(Khổ II) - Ca Lê Hiến
Tình cảm quê hương cứ thường trực ở trong ta, với cảm giác bồi hồi, thổn thức, nó có trong mọi suy nghĩ, hành động và đan xuyên vao mọi thứ tình cảm khác như một nỗi niềm khắc khoải mãi không thôi. Cho nên không có gì ngạc nhiên, vì sao nhớ đên quê hương lại nhớ đến những cơn mưa của tuổi thơ trong sáng với một nỗi niềm đau và khao khát được trở về;
Quê nội ơi
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng thấy nhớ thương.
Tiếng mưa rơi đêm miền Bắc, đã bắc cầu cho nhà thơ Lê Anh Xuân, ngược dòng thời gian về với quá khứ sâu thẳm, với không gian xa lắc của miến Nam, đầy ắp những kỷ niệm mà đặc biệt là những kỷ niệm trong mưa. Những trận mưa đã được đón nhận bằng cả một tâm hồn trong sáng, dịu ngọt, bằng tình cảm thiết tha, mới lạ của tuổi thơ. Cho nên, viết về mưa mà không có cảm giác ảm đạm, lạnh giá, trái lại rất êm đềm như tiếng hát lời ru:
Ơi cơn mưa quê hương
Đã ru hát hồn ta thuở bé.
Hạt mưa trong trẻo như thấm nặng những tình yêu chớm hé. Tình yêu ấy cũng theo mưa, thấm dần vào lòng đất, vào cảnh vật: Cành tre, tàu chuối, bẹ dừa; vào làng xóm quê hương, vào những con người biết mấy yêu thương. “Nắng mưa là chuyện của trời“ nhưng nó lại gắn liền với một không gian và cuộc sống cụ thể của quê hương, nên sau màn mưa là tất cả mọi cảnh vật, mọi con người thân quen đều hiện lên thấp thoáng trong mưa. Nỗi nhớ đêm mưa như đã trải rộng ra với tất cả mọi phía của cuộc đời. Nhớ mưa quê hương, cũng là nhớ đến tuổi thơ của mình với những trò chơi con trẻ, mang màu sắc dân dã mà không kém phần mơ mộng. Tuổi thơ nào mà chẳng có một lần tung tăng dầm dãi trong mưa:
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm
Ta lội tung tăng trên mặt nước, mặt sông
Ta lặn xuống, nghe xa vang tiếng sấm
Nghe mưa rơi tiếng ấm tiếng trong.
Những trò chơi lặn ngụp trong mưa nghe tiếng sấm từ trong lòng nước, cùng với những kỷ vật bình dị như chiếc thuyền mo cau, tàu chuối, bẹ dừa… đâu chỉ là của riêng một cậu bé, mà là tất cả tuổi thơ trẻ của mọi vùng quê. Từ giã tuổi thơ, lớn lên đi theo kháng chiến, ra tập kết ngoài Bắc, nhắc đến những kỷ niệm ấy mà lòng thấy bâng khuâng, mất mát:
Ôi đâu rồi những trò chơi tuổi trẻ
Những tàu chuối bẹ dừa, những mảnh chòi nhỏ bé
Những vết chân thơ ấu buổi đầu tiên
Mấy tấm mo cau và mấy chiếc thuyền
Mưa cuốn đi rồi.
Âu cũng là niềm bâng khuâng của cuộc đời đã lớn, thấy cần phải chia xa với chặng đường tuổi thơ êm ái. Tất cả những kỷ vật và tháng ngày tuổi thơ, đã được mưa cuốn đi để lưu giữ trong biển lớn tình đời:
Mưa chảy xuống dòng sông quê nội
Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi
Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời
Và ta lớn tình yêu hòa biển rộng.
Hình ảnh thơ gợi cảm giác mênh mang quá! Nói đến cái điều mất mà vẫn gợi một cảm giác mãi mãi như còn với đất trời và góp phần làm nên một cái gì lớn lao hơn. Dấu chân thơ ấu trên sân nhà đã hóa thành dấu chân dầy dạn trên đường dài vạn dặm; chiếc thuyền mo cau đã lớn lên thành con tàu vượt đại dương; cơn mưa nhỏ của quê hương cũng đã thành con nước lớn, đổ vào trăm sông, vố sóng làm rung động cả trăm miền:
Và ta lớn tình yêu hòa bể rộng
Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống
Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sống.
Nhớ đến cơn mưa của quê hương là nhớ đến những đêm nằm nghe mưa rơi, có khác nào nghe khúc nhạc của đất trời
Ơi cơn mưa quê hương
Mưa là khúc nhạc của bài ca êm mát
Những đêm ta nằm nghe mưa hát mưa ơi
Mưa cũng nô đùa như trẻ thơ: Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá; có lúc dạt dào đầy tình cảm như con người: Thầm thì dào dạt vang xa. Nhưng cũng có khi như mang trong lòng một nỗi giận dữ:
Có lúc bỗng phong ba dữ dội
Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối
Cũng có lúc mưa vào cả giấc mơ để làm nên nỗi kinh hoàng: Giấc mơ xưa có chớp giật sóng gầm, để cho những trang sử được nhìn qua giông bão trang sử nhà trường bỗng hóa mưa giông và nghe văng vẳng trong mưa những lời thôi thúc:
Nghe như tiếng của cha ông dựng nước,
Truyền cháu con phải ngẩng cao mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa
đang hát tiếp bài ca bất khuất ngàn xưa…
Như vậy, mưa được nghe qua nhiều cung bậc của tâm hồn, trong đó có tâm hồn của người tha thiết yêu quê hương, đang hướng về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Nghe mưa mà như thấy cả không gian rộng mở: Thì thầm dào dạt vang xa, mà như thấy cả thời gian sâu thẳm từ quá khứ lịch sử vọng về: Nghe như tiếng của cha ông dựng nước. Những trận mưa đi vào trong thơ xưa, thường làm cho con người buồn rũ xuống:
“Đêm mưa nằm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”
(Buồn đêm mưa - Huy Cận).
Còn trong thơ Ca Lê Hiến, ta lại bắt gặp tâm hồn của một con người đang lớn lên cùng với vẻ tươi mới, rộn rã của cỏ cây hoa lá quê hương. Cảnh trời đất sau trận mưa, được tác giả ví như mùa xuân đang thức dậy:
Mưa tạnh rồi, như mùa xuân nhẹ trỗi
Thấy sáng xanh trên những cành xanh nắng rọi
Mưa ơi mưa gội sạch những cành non
Tất cả đều mượt mà non tơ:
Ôi yêu quá , mấy cây dừa trước ngõ,
Rễ dừa nâu, mườn mượt non tơ
Âm thanh của cuộc sống sau mưa, cũng trở nên trong lành, làm rung động cả cây lá:
Ô vui quá không thấy chim đâu cả
Mà bờ tre nghe giọng hót trong lành
Nhà ai đấy nhịp chày ba rộn rã,
Làm hạt mưa trên cành lá rung rinh.
Từ cơn mưa của mây trời, tác giả liên tưởng đến “cơn mưa” đầy chất thơ, chất mộng, do bàn tay ngọc ngà của các cô gái giặt áo bên sông:
Mấy cô gái bên kia sông giặt áo
Tay rẫy nước. Bỗng mưa rào nho nhỏ
Cánh tay cô hay cánh gió nhẹ đưa
Rung cành tre rơi nhỏ một cơn mưa…
Khổ thơ mở đầu đã được lặp lại trong phần kết của bài thơ, như một điệp khúc của nỗi lòng đang bồn chồn chồn một nỗi nhớ, để rồi khao khát được trở về:
Ta muốn về quê nội
Ta muốn trở lại tuổi thơ
Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha
nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá…
Và tiếng sấm của cơn mưa miền Bắc, những năm tháng đất nước còn bị chia cắt, như cũng mang trong nó âm hưởng của tiếng sấm gầm đầy căm giận, mà cũng là tiếng gọi của quê hương đang nằm trong tay giặc, đối với những đứa con xa:
Ôi tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã.
Bài thơ Nhớ mưa quê hương của Ca Lê Hiến vào những năm tháng của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, cũng là khúc hát, mãi mãi còn vang vọng với núi sông.