Vững tâm nhé, 2k4

GD&TĐ - Bắt đầu với môn Ngữ văn, sáng nay 7/7, hơn 1 triệu thí sinh cả nước chính thức bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời học sinh - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tại các địa phương, cùng với việc đề cao tính nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng được tuân thủ triệt để, nhằm bảo đảm an toàn, sức khoẻ cho thí sinh và những người tham gia, nhất là trong bối cảnh biến thể mới của dịch bệnh Covid-19 đang xuất hiện.

Ấn tượng nhất là tâm thái hân hoan của đông đảo thí sinh khi bước vào trường thi. Dù từng trải nhiều thiệt thòi do ba năm học trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều thời điểm phải tạm dừng đến trường, bị tác động lớn về sức khỏe, tâm lý, thế nhưng hôm nay đứng trước cuộc vượt vũ môn, các em vững vàng tâm thế, đầy nét tự tin.

Nguyễn Ngọc Hà, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TPHCM) cho biết: “Ba năm học trong bối cảnh Covid quá đặc biệt, có lúc em tưởng như mình sẽ không về đích. Nhưng thực tế chúng em đã hoàn tất chương trình và thi đúng hạn, đó là một kỳ tích. Chỉ riêng điều này là đã đủ hân hoan!”.

Để thí sinh có được sự vững tâm bước vào kỳ thi hôm nay, thời gian qua bản thân các em và mỗi gia đình đã nỗ lực rất nhiều. Thu nhập mùa dịch bị cắt giảm nhưng phụ huynh vẫn chắt chiu dành cho con những suất cơm dinh dưỡng nhất để đủ sức khỏe ôn thi.

Nhiều người mẹ, người cha nghèo đã sẵn sàng chia tay chiếc điện thoại dùng để mưu sinh, hay chạy đôn chạy đáo mua trả góp máy tính, để cho con làm phương tiện học tập trong mùa giãn cách. Hiểu tấm lòng cha mẹ, các em đã cố gắng nhiều hơn.

Câu chuyện những học sinh F0 ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương trong học kỳ I năm học 2021 - 2022 vừa điều trị ở bệnh viện Covid, vừa tranh thủ học trực tuyến vẫn còn lay động nhiều trái tim bao người về tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó.

Đằng sau sự vững tâm của mỗi thí sinh còn có biết bao nỗ lực hy sinh của đội ngũ thầy cô giáo. Học trực tuyến, từ xa kéo dài nhiều em không bắt kịp kiến thức, thầy cô đã linh hoạt dạy học với nhiều hình thức để giữ nhịp học tập, bảo đảm tính liên tục của chương trình, không để bất kỳ học sinh nào bị gián đoạn việc học. Khi học sinh trở lại trường, ở nhiều nơi, thầy cô còn tình nguyện chong đèn hằng đêm phụ đạo miễn phí cho những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp.

Ngoài việc tập trung ôn thi kiến thức, nhà trường, thầy cô giáo còn thường xuyên động viên tinh thần, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời tư vấn, hướng dẫn các em một cách tốt nhất. Nhiều thầy cô còn chắt chiu đồng lương ít ỏi của mình để hỗ trợ học trò khó khăn.

Góp thêm sự vững tâm cho thí sinh không thể không kể đến những quan tâm, chăm lo của chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Mùa thi của học sinh, nhà trường cũng đồng thời là mùa yêu thương, sẻ chia. Để những học sinh vùng hải đảo, biên giới xa xôi sớm nay yên tâm làm bài, bên cạnh chăm lo của nhà trường, có sự chung sức của xã hội trong từng chuyến đò, bữa ăn, giấc ngủ.

Ấm áp làm sao màu áo xanh tình nguyện trước mỗi cổng trường thi. Bên cạnh phần quà nho nhỏ như chai nước, túi bút tiếp sức là những lời động viên đầy thương mến: “Đồng hành cùng thí sinh – Tâm lý vững – Điểm số cao”, “Hãy tự tin – chúng tôi đi cùng bạn”, “K2004 ơi, các bạn là những chiến binh dũng cảm nhất. Chiến thắng nhé!”…

Tâm vững thì quả ngọt. Với sự nỗ lực của nhiều phía, sẽ không có một thí sinh nào bị bỏ lại phía sau trong sự kiện lớn của cuộc đời. Hãy tiếp tục vững tâm trên từng nét bút, viết tương lai thí sinh nhé. Chúc các em một mùa thi thành công rực rỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.