Vùng II tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về chất lượng GD

Vùng II tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về chất lượng GD

(GD&TĐ) - Sáng nay 16/6, tại tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Hội nghị giao ban 8 tỉnh GD Vùng II (vùng đồng bằng Bắc Bộ). Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam Trần Công Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Lê Văn Dung, cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT vùng II tham dự.

Báo cáo tổng kết của giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình (đơn vị trưởng vùng II) Đặng Phương Bắc: Năm học này toàn vùng có 5.171 cơ sở GD với 2.359.563 HS. Sau một năm học, với quyết tâm cao ngành GD-ĐT các tỉnh Vùng II đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm học với 15 lĩnh vực công tác đều đạt kết quả cao.

Các đại biểu dự HN
Các đại biểu dự HN

Xuất phát từ thực tế  GDMN còn nhiều khó khăn nhất, các đơn vị trong vùng đã thực hiện tốt tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ như tăng cường đầu tư CSVC, chăm lo phát triển đội ngũ GV cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao đời sống CB, GV, tiếp tục phát triển qui mô, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dạy. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chương trình GDMN mới, Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi và các chuyên đề của Bộ. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đạt  từ 44, 1 (Hải Dương)- 58,8% (Thái Bình). Huy động trẻ ra lớp mẫu giáo đạt từ 97,1% (Nam Đinh)- 99,25% (Bắc Ninh). Trẻ 5 tuổi ra lớp toàn vùng đạt 99,9%.

Với ưu thế 100% các tỉnh đã đạt phổ cập GD Tiểu học đúng độ tuổi, riêng Thái Bình đã đạt mức 2. Số HS được học bán trú  tăng cao. Thái Bình đạt 97,15%, Ninh Bình 89,19%, Bắc Ninh 67%. Nhiều tỉnh có 100% GV đạt chuẩn và có tỉ lệ trên chuẩn cao. Đặc biệt, GD trung học đã thực hiện tốt chương trình, kế hoạch, quy chế chuyên môn; Đổi mới PPDH, kiểm tra đánh giá; Xây dựng trường chuẩn quốc gia. Việc tổ chức thi HSG các môn văn hóa lớp 9 và 12 đã trở thành hoạt động chuyên môn thường xuyên của các tỉnh, tích cực và chủ động tham gia các kỳ thi HSG quốc gia. 8 tỉnh đồng bằng Bắc bộ xứng danh là vùng đất học giàu truyền thống. Toàn Vùng II có 440/ tổng số 548 HS dự thi đoạt giải. Chất lượng giải và tỉ lệ đạt giải các sở GD trong vùng tương đối cao. Nam Định tiếp tục khẳng định là đơn vị mạnh trong toàn quốc, số HS đoạt giải chiếm 97,6%, đặc biệt có 5 em được dự thi Olympic quốc tế, 2 HS dự thi khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều tỉnh đã chú trọng triển khai Đề án xây dựng và phát triển trường chuyên nhằm phục vụ chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài…vv.

Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện đổi mới PPDH và kiểm tra đánh giá, ứng dụng CNTT và các hoạt động liên quan: xây dựng đội ngũ, tăng cường CSVC, TBDH, bồi dưỡng GV, dự giờ trao đổi kinh nghiệm…vv. Bên cạnh đó, Vùng II củng cố và phát triển hiệu quả, bền vững các cơ sở GDTX, tham mưu về qui hoạch mạng lưới và phát triển qui mô đào tạo TCCN trên địa bàn. Nhiều Sở đã xây dựng phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá chất lượng dạy và học các bộ môn văn hóa trong các trường phổ thông. Ngoài ra, còn tiếp tục cập nhật, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho CBQL, GV, nhân viên và HS, triển khai đồng bộ ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý GD và đổi mới PPDH của mỗi đơn vị nhà trường trong vùng. 100% các Sở GD-ĐT kết nối Internet.

Công tác xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL được các sở quan tâm thường xuyên, đặc biệt là đội ngũ trẻ. Nhiều GV có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Số lượng GV trong vùng cơ bản đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh thành đã đóng góp nhiều ý kiến đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất. Lãnh đạo các Sở rất đồng tình, ủng hộ chủ trương của Bộ khi giao quyền tự chủ cho các địa phương tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam Nguyễn Văn Khoát, nên chăng chúng ta từng bước nghiên cứu làm cho kỳ thi tốt nghiệp trở nên nhẹ nhàng hơn, giảm thi từ 6 môn xuống còn 4 môn thi. Về vụ việc vi phạm qui chế thi ở Đồi Ngô, các đại biểu đồng tình việc xử lý các cán bộ hội đồng thi rất xứng đáng. Tuy nhiên, với trường hợp của HS trực tiếp quay viedeo sai phạm trong phòng thi cũng cần được xử lý vì nếu đúng ra, sau khi quay từng môn, em nên nộp lại nội dung cho hội đồng thi. Đối với vụ việc này, một số ý kiến cho rằng lãnh đạo Bộ cũng nên làm việc với Ban Tuyên giáo TW, các cơ quan báo chí để có định hướng thông tin tốt, đầy đủ, tránh đưa thông tin không chính xác, gây hiểu lầm đáng tiếc cho dư luận xã hội.

Sau khi nghe ý kiến đại diện các Sở, Vụ, Cục, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã kết luận: 8 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, linh hoạt trong việc củng cố, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư CSVC và phát triển, nâng cao trình độ cho CB, GV. Một số tỉnh đã mạnh dạn sắp xếp mô hình trường liên xã.

Thứ trưởng đề nghị nhân rộng mô hình này ra các địa bàn khác để tránh lãng phí khi tồn tại trường có qui mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, nhiều Sở làm tốt công tác sáp nhập trung tâm hướng nghiệp dạy nghề với trung tâm GDTX, chuyển đổi  các trường MN bán công sang công lập, đảm bảo chế độ cho đội ngũ GVMN. Toàn vùng có trên 80% trường đạt KCH, đây là vùng đạt chuẩn cao. Chất lượng GD trong trong vùng tăng cao. Các tỉnh giữ vững thành tích của vùng có chất lượng GD dẫn đầu cả nước, đặc biệt có tỉ lệ HSG cao, xứng danh vùng đất học giầu truyền thống. Số HS bỏ học thấp, đặc biệt ở tiểu học hầu như không có HS bỏ học…vv.

“Tôi mong muốn, bên cạnh việc nâng cao chất lượng GD đại trà, chất lượng mũi nhọn, Vùng II cần đẩy mạnh công tác NCKH trong HS phổ thông, làm sao năm tới trong vùng phải có HS đoạt giải”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Việt Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ