Vùng đồng bào Khmer huyện Thạnh Trị ‘chuyển mình’

GD&TĐ -Từ những chính sách thiết thực đã góp phần cho sự “chuyển mình” trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng).

Những ngôi trường ở vùng đồng bào Khmer đã được đầu tư "khoác áo mới".
Những ngôi trường ở vùng đồng bào Khmer đã được đầu tư "khoác áo mới".

Khoác lên mình "chiếc áo mới"

Huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 36% dân số toàn huyện.

Trong những năm qua, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã được địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, đã thúc đẩy kinh tế, văn hoá, xã hội, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc không ngừng phát triển, đưa đời sống bà con không ngừng khởi sắc. Đến tận các địa phương vùng nông thôn mới cảm nhận được hết sự "thay da đổi thịt" của đời sống người dân của huyện Thạnh Trị.

Với tỷ lệ đồng bào dân tộc đông nên vấn đề giáo dục dân tộc là một trong các lĩnh vực được huyện Thạnh Trị rất quan tâm. Hiện toàn huyện có 39 điểm trường, trong đó có 16 điểm trường trong vùng đồng bào dân tộc. Những ngôi trường ở vùng đồng bào Khmer đã được đầu tư xây mới, sửa chữa rất khang trang đem lại niềm phấn khởi cho thầy, trò và các bậc phụ huynh.

Đặc biệt, huyện có 1 trường THCS Dân tộc nội trú (DTNT), trong những năm qua đã phục vụ tốt việc dạy, học, ăn ở của các em học sinh trong trường. Góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường, học tập tốt.

Học sinh học tại trường, các em được hỗ trợ về học phẩm, hiện vật, được hưởng học bổng chính sách bằng 80% lương cơ sở…

Em Thạch Bành Huỳnh Hoa, học sinh Trường THCS DTNT huyện Thạnh Trị chia sẻ: Em được học ở trường cung cấp trang thiết bị học tập thì có đầy đủ, trường có cho tập, viết, cặp sách để đi học và nhiều đồ dùng học tập khác, em ở đây không thiếu gì cả. Nhờ thế mà gia đình không phải lo phần chi phí lo cho việc học của em.

Trong 5 năm qua, huyện Thạnh Trị đã đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng 225 công trình, trong đó, nhiều cơ sở hạ tầng mới được đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc. Điển hình như trạm y tế xã Lâm Kiết được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2020. Trạm được trang bị máy thở, máy hút đờm, tủ chuyên dụng bảo quản vacxin…

Nhân viên y tế tại nơi đây cũng được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chính vì vậy, công tác khám chữa bệnh và phục vụ bệnh nhân cũng đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân an tâm đến khám và điều trị tại y tế cơ sở.

'Nâng chất' đời sống người dân

Phấn khởi khi trạm y tế địa phương được quan tâm đầu tư nâng cấp, chị Điền Thị Chanh Đa, ngụ ấp Kiết Thắng (xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị) cho biết: “Bà con chúng tôi có ai bị bệnh, qua trạm xá có bảo hiểm cũng đỡ; không cần phải đóng tiền, được cấp thuốc cho về chữa bệnh. Trạm xá được xây mới, bà con không phải đi ra ngoài khám, đỡ tốn tiền hơn”.

Chăm lo về y tế được huyện triển khai để làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng khó khăn. Hiện nay, tất cả các ấp trong huyện có tổ y tế hoạt động, các Trạm Y tế xã, thị trấn đều có bác sĩ phục vụ và được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế… Chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện kịp thời.

vung dong bao dan toc khmer chuyen minh (2).jpg
Đời sống người dân tộc Khmer tại địa phương khởi sắc.

Ngoài ra, phong trào văn hóa văn nghệ vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát triển, các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc, một số cộng đồng dân cư xây dựng được đội văn nghệ, đội phục vụ nhạc ngũ âm. Đặc biệt, 8 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện đều xây dựng và duy trì tổ, nhóm văn nghệ Khmer, múa rom - vông, múa Chhây-dăm thu hút đông đảo thanh thiếu niên là con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia rèn luyện, vui chơi, giải trí.

Anh Huỳnh Tấn Lập, ở ấp Kiết Lợi (xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị) phấn khởi nói: “Nhà nước hỗ trợ chùa Muni Srakeo một bộ dàn nhạc ngũ âm, thường xuyên mang đi phục vụ phum sóc, phục vụ bà con, ai cũng rất phấn khởi, phum sóc vui tươi lên”.

Theo ông Nguyễn Văn Ngàn, Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng được UBND huyện quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo đó, từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện cũng đã chỉ đạo xét chọn và hỗ trợ cho 39 hộ về đất ở, hỗ trợ nhà ở cho 298 hộ, hỗ trợ về chuyển đổi ngành nghề cho 472 hộ.

Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 288 hộ, đầu tư xây dựng 17 công trình cũng như duy tu sửa chữa 20 công trình giao thông nông thôn ở các xã ấp vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc”.

Từ phát huy hiệu quả triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, kinh tế, văn hoá, xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc của huyện Thạnh Trị đang từng bước “chuyển mình”, Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị thông tin thêm.

Hiện huyện Thạnh Trị đã có 100% xã, xe ô tô đi đến được trung tâm. Tất cả các địa phương có hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm chỉ còn 324 hộ.

Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã triển khai vốn trên 8,6 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện, cấp Thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; miễn, giảm học phí; hỗ trợ dụng cụ học tập cho học sinh nghèo được triển khai kịp thời. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư gần 60 tỷ đồng, tập trung đầu tư hỗ trợ đất ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán, xây dựng các công trình giao thông nông thôn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ