Vụng chèo lẫn… chống từ phát ngôn của nghệ sĩ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cần lắm người của công chúng vốn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống xã hội có cách giao thiệp mẫu mực ở bất kỳ môi trường, không gian nào.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

- Này bác, Tết tư tưng bừng, phấn khởi phỏng?

- Vâng bác, phấn khởi lắm lắm, chẳng những khai Xuân phát tài phát lộc, du Xuân bốn phương hân hoan mà em còn “du face” (Facebook) suốt từ mùng 2 Tết đến giờ. Ôi chao, lắm khi cũng mỏi nhưng đặng chưa thể ngừng...

- Lạ nhỉ, cuộc vui ấy có gì đặc biệt mà định vắt sang Rằm tháng Giêng chăng?

- Không bác ơi, cuộc “du face” này không vui mà toàn vị chát, mặn, đắng… của sự vụng chèo lẫn… chống. Bác bảo, bị “mẹ” “tát” ngay từ mùng 2 Tết vui cái nỗi gì?

- Có hư, có hỗn “mẹ” mới “tát” chứ? Mấy chục năm không biết rửa cái lá dong, vẫn ăn bánh chưng mẹ gói đến “tụt lưỡi” mà cứ dài mồm ra chê thì “mẹ” “tát” “đầu quay như đĩa hát” là phải rồi, còn kêu ca gì nữa?

- Bác cũng thấy vậy sao?

- Ờ thì… nếu chỉ đọc… chữ, cũng giống như lúc đi xem kịch, nếu chỉ nhìn… người diễn, không suy, không luận, không xét đến bối cảnh thì cứ nghĩ thế đi cho nó… “ngọt ngào”…

- Nếu làm được như bác thì dễ quá. Đúng là, đón năm mới ai chẳng muốn ngọt ngào, dịu mát, xanh trong nhưng khốn nỗi chưa kịp suy hay luận mà mọi thứ nó đã tự thân bày ra ngay trước mắt: Cách nói ấy, giọng điệu ấy, ngữ cảnh ấy, thái độ ấy… ai mà không động lòng mới là lạ.

Những phát ngôn này nếu từ một người bình thường khéo khi còn bị liên tưởng nói chi là từ một người nổi tiếng và có chức quyền trong giới nghệ thuật như nghệ sĩ kia cơ chứ?

Thực ra, cũng không thể cấm cản nghệ sĩ chia sẻ hay bày tỏ cảm xúc của mình về các vấn đề của cá nhân hay xã hội cũng như không được lên tiếng trước những ý kiến trái chiều của khán giả về các sản phẩm họ đã cùng ê-kíp thực hiện.

Nhưng cách lên tiếng như thế nào để vừa thể hiện được quan điểm của cá nhân vừa chừng mực trong ứng xử, giao tiếp với công chúng thì rất đáng phải xem lại trong câu chuyện “Cái tát của mẹ tôi”, bác ạ.

Cũng có thể động cơ của bài viết nhằm đến đối tượng khác hoặc khơi khơi rằng, đấy là tôi kể chuyện nhà tôi, chẳng ngụ ý đến ai cả song lại khiến công chúng bức xúc, tức giận, phản ứng thì đó cũng là cái lỗi của người viết đã không tường minh được ý tứ của mình.

Đã thế, trước làn sóng phản ứng dữ dội tác giả trong nhiều ngày cũng chỉ buông câu “xin lỗi” vì bị “hiểu nhầm” để tiếp tục bị chỉ trích thì chẳng phải cái sự mắc mớ chưa được làm sáng tỏ liền trở nên tệ hơn sao?

Mà bác cũng biết đấy, ăn nói kiểu đâm bị thóc, chọc bị gạo cùng thái độ xấc xược trong xã hội đâu hiếm. Vậy nên, cần lắm người của công chúng vốn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống xã hội có cách giao thiệp mẫu mực ở bất kỳ môi trường, không gian nào.

Sự mẫu mực này không phải để hạn chế sự tự do bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ cá nhân, mà là “nghệ thuật” ứng xử, bày tỏ quan điểm, chia sẻ câu chuyện như thế nào để lọt lỗ tai… trăm họ, kiểu “nói phải củ cải cũng phải nghe”.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng, “nghệ thuật” giao tiếp không phải để vào vai, diễn kịch trên sân khấu mà phải xuất phát từ thiện ý chia sẻ cởi mở, chân thực để được lắng nghe và cầu thị tiến bộ…, bác nhỉ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ