Vui Xuân không quên nhiệm vụ

GD&TĐ - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời gian giáo viên, học sinh được nghỉ ngơi, tham gia nhiều hoạt động cùng gia đình và địa phương.

Hoạt động văn nghệ “Hương sắc vùng cao” đón chào năm mới của học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An năm 2024. Ảnh: NTCC
Hoạt động văn nghệ “Hương sắc vùng cao” đón chào năm mới của học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An năm 2024. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên trước khi kỳ nghỉ kết thúc, các nhà trường tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất, ký túc xá, liên hệ với phụ huynh nhắc nhở lịch quay trở lại trường.

Phân công trực Tết

Hằng năm, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, do đó Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Ninh Kiều, Cần Thơ) đặc biệt chú trọng đến công tác phân công trực trường để có người chăm sóc cảnh quan, trông coi thiết bị giảng dạy.

Năm nay, học sinh tiểu học Cần Thơ được nghỉ học gần 2 tuần (tính cả cuối tuần), Trường Tiểu học Võ Trường Toản cũng sớm phân công đội ngũ trực Tết gồm: Ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng tổ chuyên môn, bí thư chi đoàn thanh niên.

Cô Đinh Thị Thảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi ưu tiên những giáo viên ở xa, có con nhỏ không phải trực Tết. Nghỉ Tết thầy cô rời xa trang giáo án, bụi phấn toàn tâm toàn ý lo gia đình. Chưa kể, nhiều thầy cô nhà xa là dịp về quê đoàn tụ cùng gia đình. Do vậy, chúng tôi sắp xếp linh hoạt để sau kỳ nghỉ Tết các thầy cô thêm phấn khởi, có động lực giảng dạy”.

Tương tự, Trường Tiểu học Ninh Giang (Hoa Lư, Ninh Bình) cũng ưu tiên giáo viên ở xa không trực Tết. “Một giáo viên quê tận Cà Mau bởi vậy nhà trường tạo điều kiện để cô không phải trực, yên tâm dành toàn thời gian vui Tết với gia đình. Nghề giáo rất vất vả, nhiều năm nay triển khai Chương trình GDPT 2018, dù nghỉ hè nhưng thầy cô vẫn phải nghiên cứu tài liệu, bài giảng chương trình mới, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn...

Do đó, ban giám hiệu luôn tạo điều kiện tốt nhất để các thầy cô có thời gian đón Tết bên gia đình. Đây cũng là khoảng thời gian sum vầy giúp giáo viên giảm bớt áp lực công việc, tạo tâm lý thoải mái trước khi trở lại trường, lớp”, cô Đỗ Thị Mỹ - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Thầy cô Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) kiểm tra các phòng ký túc xá chuẩn bị đón học trò trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết dài năm 2023. Ảnh: NTCC

Thầy cô Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) kiểm tra các phòng ký túc xá chuẩn bị đón học trò trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết dài năm 2023. Ảnh: NTCC

Đa dạng hoạt động đón trò trở lại trường

Học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên sau mỗi kỳ nghỉ dài như hè, Tết Nguyên đán..., Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn) đều chủ động thông tin với học sinh, phụ huynh nhắc nhở thời gian trở lại trường của học trò; hướng dẫn phụ huynh lưu ý trẻ chuẩn bị hành lý, ôn lại bài vở trước khi kết thúc kỳ nghỉ.

Thầy Hiệu trưởng Triệu Quốc Hưng cho hay: “Trước kỳ nghỉ Tết, chúng tôi rà soát những học sinh hoàn cảnh khó khăn, ban giám hiệu cùng cô giáo chủ nhiệm đến nhà thăm hỏi, động viên và có phần quà nhỏ tặng trò, gia đình đón Tết”.

Tại buổi họp phụ huynh sơ kết học kỳ I, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Liên Hội nhắc nhở gia đình quản lý con em trước trong và sau kỳ nghỉ Tết nhằm đảm bảo an toàn, không vi phạm pháp luật, an toàn giao thông. Ngay sau khi học sinh quay trở lại trường, nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và mừng tuổi để thu hút, động viên học sinh, sớm bắt nhịp nền nếp học tập.

“Với đặc thù trường dân tộc bán trú, ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, chúng tôi sẽ kiểm tra sĩ số. Học sinh nào chưa đến lớp, sẽ tìm hiểu nguyên nhân, lý do, liên lạc với chính quyền, thôn bản và đến trực tiếp gia đình động viên các em trở lại trường, lớp”, thầy Hưng cho biết.

Trường THPT DTNT Nghệ An đóng ở thành phố Vinh, dịp Tết Nguyên đán, học sinh về nhà ở các huyện miền núi sum họp cùng gia đình. Khi trò quay trở lại, nhà trường thường tổ chức chào mừng năm mới, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị anh hùng dân tộc tại phòng truyền thống …

Là trường dân tộc nội trú, học sinh học tập và sinh hoạt ngay tại trường. Trước khi các em trở lại học tập, nhà trường huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên tổ chức lao động vệ sinh khu ký túc xá; chuẩn bị công tác hậu cần; lịch hoạt động dạy học và giáo dục nhằm sớm ổn định và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, chỉ tiêu năm học.

Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kiều Hoa, tuần đầu tiên, ban giám hiệu sẽ tổ chức gặp mặt đầu Xuân, chúc mừng năm mới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; giáo viên chủ nhiệm cũng triển khai sinh hoạt lớp. Về phía đoàn trường sẽ tổ chức hoạt động giao lưu giữa hội đồng hương các huyện để học trò có cơ hội chia sẻ không khí vui Tết đón Xuân ở địa phương, cộng đồng dân tộc vùng cao miền Tây Nghệ An, giúp các em thêm gắn kết và có những trải nghiệm thú vị về văn hóa, phong tục, lễ Tết từng dân tộc….

Trước đó, trong thời gian nghỉ Tết, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, thông qua các nhóm của ban đại diện cha mẹ học sinh, nhóm lớp, nắm bắt, chia sẻ thông tin với phụ huynh, học sinh để dặn dò chấp hành tốt các quy định của pháp luật, địa phương, chú ý vui chơi an toàn, tranh thủ ôn tập bài và trở lại trường đúng lịch.

“Nhà trường đã thành lập tổ trực Tết gồm các thành viên ban giám hiệu, trưởng các bộ phận, đoàn thể, thầy, cô giáo ở gần trường và bảo vệ; lên lịch trực Tết cụ thể, hợp lý, thường xuyên có người trực, bảo vệ trường trong suốt đợt nghỉ lễ để giải quyết công việc phát sinh, bảo vệ, trông coi tài sản, chăm sóc cây cối…”, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.