Giáo viên vùng biên ở Thanh Hóa mong 'linh động' kỳ nghỉ Tết nguyên đán

GD&TĐ - Ngày 8/2 (tức 29 Tết), cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục ở Thanh Hoá mới được nghỉ, khiến nhiều giáo viên có nhiều nỗi niềm.

Học sinh Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 (Mường Lát, Thanh Hóa) được tặng áo ấm. (Ảnh: Thế Lượng)
Học sinh Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 (Mường Lát, Thanh Hóa) được tặng áo ấm. (Ảnh: Thế Lượng)

Lịch nghỉ Tết của ngành GD&ĐT Thanh Hóa sẽ từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Đợt nghỉ này gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.

Học sinh và trẻ mầm non thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Nghỉ từ thứ Tư, ngày 7/2/2024 Dương lịch (tức 28 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Bảy, ngày 17/2/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trở lại học tập vào thứ Hai, ngày 19/2/2024 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Ở Thanh Hóa, 5 huyện có đường biên với nước bạn Lào, gồm: Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát. Trong đó, 2 huyện Quan Sơn, Mường Lát là nơi cao, xa nhất tỉnh.

Địa danh xa nhất ở huyện Quan Sơn là xã Na Mèo (cách TP Thanh Hóa hơn 200km). Còn ở huyện Mường Lát, địa danh xa nhất là xã Mường Chanh (cách TP Thanh Hóa) hơn 300km.

Nhiều giáo viên là người miền xuôi, có người gia đình ở tận huyện ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc, hoặc có người ở tận thị xã Nghi Sơn... thì cung đường của họ mỗi khi về quê, phải mất cả ngày trời.

Nhiều giáo viên đang công tác ở xã Na Mèo (Quan Sơn), chia sẻ: Năm nay, theo lịch nghỉ Tết Nguyên đán, mãi tới ngày 29 Âm lịch, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục mới được nghỉ.

Có nhiều người quê ở miền xuôi, lại chưa có điều kiện mua sắm xe ô tô, phải đi xe khách từ Na Mèo, nên có nhanh, thì cũng tầm 4-5 giờ chiều mới về tới nhà. Như vậy, coi như không còn thời gian để mua sắm Tết.

Tương tự, những giáo viên đang công tác ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát xa xôi, có chung nỗi niềm khi lịch nghỉ Tết quá muộn. Họ cho rằng, quãng đường từ những địa danh xa xôi ở Mường Lát, nếu đi xe khách, thì phải mất cả ngày đường.

“Sáng 29 Âm lịch, mới bắt xe khách từ Mường Chanh, Quang Chiểu... để về quê, thì coi như chúng tôi không còn thời gian để đi mua sắm Tết, chưa kể là phải về quê nội, ngoại.

Rất mong ngành Giáo dục và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên “linh động” về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục công tác ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo để chúng tôi có điều kiện, thời gian dành cho gia đình mình”, một giáo viên đề nghị.

Trả lời PV Báo GD&TĐ, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho hay: Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn (2024), được thực hiện theo lịch của Bộ LĐTB&XH, nên Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng không tự thay đổi được.

“Giáo viên nghỉ theo chế độ của công chức, viên chức Nhà nước, nên ngày 29 Âm lịch mới được nghỉ đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Do đó, không có chế độ riêng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục.

Còn học sinh, ngày 28 Âm lịch mới được nghỉ cho đến ngày mùng 8 Âm lịch năm Giáp Thìn. Như vậy, đối với kỳ nghỉ này, học sinh và trẻ mầm non thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được nghỉ 10 ngày”, ông Lựu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.