Vui và đầy thử thách

Vui và đầy thử thách

(GD&TĐ) - Nói đến kỷ niệm vui, tôi không thể nào quên được việc viết bài về nhạc sĩ Văn Cao trong thời kỳ đổi mới. Văn Cao thuộc thế hệ bề trên nhưng ông luôn coi tôi như người bạn thân cùng lứa. Do vậy, tôi hiểu về ông khá sâu sắc, cụ thể. Nhưng rồi bẵng đi một thời gian dài, do tôi phải đảm nhận công tác quản lý mới rất bận rộn nên chẳng đến chơi ông được. Bỗng một hôm nghe tin ông ốm nặng, tôi liền đến thăm. Tự nhiên lòng tôi xúc động đến khó tả khi thấy ông gầy quắt lại, ngồi bó gối trên một chiếc phản nhỏ đã bị mọt mối, trong một căn phòng cũ kỹ mốc meo; ông chỉ có thể cảm nhận thế giới bên ngoài qua ô cửa sổ và những tiếng vọng ầm ào của phiên chợ chiều họp ngay dưới thềm nhà.

Lần ấy, tôi ngồi với ông khá lâu, chia sẻ với ông về những điều bất hạnh đối với một tác giả quốc ca. Tôi không có điều kiện vật chất để giúp ông nhưng tôi quyết tâm viết một bài báo đầy đủ về ông để động viên ông, ghi lại một kỷ niệm về những năm tháng quen ông, đồng thời thông báo cho bạn bè khắp nơi và các cơ quan chức năng biết về phận không may và tình trạng sống của ông hiện nay.

 

Thế là một tuần sau, bài Văn Cao, một tâm hồn, một tài năng, một nỗi ưu tư được đăng trang trọng trên gần hai trang giữa của Báo Giáo dục & Thời đại. Điều bất ngờ là bài báo đã gây tiếng được tiếng vang ngoài sức tưởng tượng của tôi. Trên ba chục bức thư từ khắp nơi trong nước và nước ngoài gửi về hoan nghênh nhiệt liệt bài báo. Đồng chí Võ Văn Kiệt (khi ấy là Thủ tướng Chính phủ) đến thăm Ủy lạo và quyết định cấp cho ông một căn hộ trong một khu nhà tập thể mới xây dựng. Các cơ quan quản lý trước đây của ông đã quyết định tăng lương vượt bậc cho ông; Văn phòng Trung ương đã cho ông tiêu chuẩn vào điều trị bệnh ở khu A Bệnh viện Hữu nghị. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến thăm ông. Đặc biệt có hàng trăm bạn bè trong giới trí thức văn nghệ sĩ đã đến trực tiếp hoặc viết thư chia sẻ thông cảm và gửi những quà biếu rất thiết thực cho ông. Đặc biệt trong sinh hoạt xã hội, một cuộc sống âm nhạc Văn Cao đang dậy lên sôi nổi.

Nằm trên giường bệnh trong những giờ phút đang nguy kịch, miệng ông vẫn luôn tươi cười. Ông nói nhỏ nhẹ vừa đủ cho tôi nghe: Công của anh qua bài viết thật là lớn. Cám ơn Trường Giang lắm. Trên đường từ bệnh viện Hữu Nghị về, lòng tôi chưa hết xúc động thì nhận được một tin vui là bài viết về Văn Cao của tôi được giải thưởng Nhật (Sugi kyotaro) vì chất lượng văn hóa của bài.

Nói đến kỷ niệm vui thì dĩ nhiên là còn nhiều vì việc viết báo, làm báo hoàn toàn phù hợp với khả năng sở trường, thuận với tính cách và môi trường sống của tôi. Tuy vậy, vẫn phải nói đến một đặc điểm nổi bật là cuộc đời làm báo của tôi cũng đầy thử thách. Vụ bảo vệ thầy giáo Lê Văn Nguyên trước công luận đã gây xôn xao làng báo, làng giáo và cả xã hội. Phóng viên bị tịch thu máy ghi âm, Tổng biên tập (khi đó là tôi) bị dọa truy tố nhưng cuối cùng lẽ phải đã được bảo vệ, thầy giáo Lê Văn Nguyên được trả lại tự do, tòa báo vẫn yên ổn tiếp tục thực hiện mọi kế hoạch phát triển của mình. Việc viết về những trí thức lớn tài năng nổi trội nhưng lại gặp nhiều bất hạnh như Nguyễn Khắc Viện, Trần Đức Thảo, Trần Đại Nghĩa... tôi đã trải qua nhiều bước gian lao, nhiều tình huống đầy thử thách.

Chỉ xin kể trường hợp viết bài về nhà triết học Trần Đức Thảo. Ngay từ phút đầu khi tôi bắt đầu tập hợp những tác phẩm đã in thành sách những bài viết lẻ của ông đăng rải rác trên các tạp chí ở châu Âu... để tổng hợp những tư tưởng triết học của ông, tôi đã gặp ngay những lời đe dọa: “Ông Trường Giang bạo gan nhỉ?”, “Ông có biết Trần Đức Thảo là nhân văn – giai phẩm không?”.

Tôi thực sự băn khoăn, một phút dao động về tình cảm đã làm cho tôi mơ hồ thấy một số phận không may sẽ đến với mình nếu cứ phớt lờ ý kiến mọi người. Song lý trí của tôi thì lại không cho phép thay đổi ý định đầy trách nhiệm nói trên. Bài viết của tôi thẳng thắn, trung thực và hoàn toàn xây dựng. Tôi xót xa cho số phận của ông nhưng tôi phân tích rõ hoàn cảnh lịch sử của những điều không may xảy ra đối với ông. Tôi không ngần ngại nêu ra một vài sai lầm của một đồng chí lãnh đạo, song tôi không quên nói rõ tình huống dễ tạo sự hiểu lầm, làm cho vấn đề bị xử lý không đúng.

Nội dung những bài viết của tôi thường thuộc loại vấn đề gay cấn, được dư luận quan tâm song nó cũng đã làm cho tôi phải sống trong những phút dằn vặt. Những bài báo có một đoạn đời đầy thử thách như thế của tôi còn rất nhiều, khó có thể kể hết trong một bài hồi ức ngắn. Có lẽ điều quan trọng cần nói ở đây là trả lời câu hỏi của một số độc giả đặt ra đối với tôi: Anh làm báo mạnh bạo như thế mà sao có thể tồn tại đến tám chín năm chức vụ Tổng biên tập?

Những người đặt câu hỏi này thường là đồng tình, thông cảm với tôi, song chưa thấy hết tính chất quyết tâm của Đảng và Nhà nước mình trong công cuộc đổi mới đất nước. Cái tính chất trung thực và chiến đấu mà lâu nay báo chí ta còn yếu kém, tôi quyết đưa lên mức cao làm tờ báo gần gũi hơn với mong muốn thiết tha của đông đảo bạn đọc, làm cho khoảng cách giữa cuộc đời thực và nội dung mặt báo gần lại với nhau, làm cho nhu cầu dân chủ của con người không còn là mơ ước xa lạ. Tất cả những việc làm đó không hề trái với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính những việc làm đó đã trở thành nguyên nhân đưa tờ báo lên vị trí mới. Báo Giáo dục & Thời đại đã được nhiều người biết đến. Số lượng phát hành tăng. Nó được tăng trang, tăng kỳ, được đẻ ra nhiều số phụ, được Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa – Thông tin xếp vào loại những tờ báo lớn.

Trường Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ