Vui buồn chợ quê

GD&TĐ - Chợ quê là nơi trao đổi hàng hóa, nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó gắn rất chặt và là một phần không thể thiếu của văn hóa làng xã ở Việt Nam.

Vui buồn chợ quê

Với xu thế phát triển của xã hội, chợ quê ngày nay đã có nhiều khởi sắc được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá khang trang, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về những chợ cóc, chợ tạm và đặc biệt là vấn đề an toàn VSATTP.

Khởi sắc đáng mừng

Chợ Dinh (xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) có từ lâu đời. Chợ có diện tích hơn 5.000 mnằm trên thế đất hình bàn cờ, thuộc vị trí trung tâm của xã nơi có đường tỉnh lộ 538 đi qua. 

Do biến thiên của lịch sử, chợ Dinh chuyển đi nhiều nơi nhưng cuối cùng vẫn quay về nơi cũ như một điều tất yếu về quy luật cung cầu của hàng hóa. 

Cứ đến phiên chợ (mùng 9, 19, 29) không những người bản địa mà người tứ xứ kéo về đông như trẩy hội. Người đi chợ không chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn là nơi các nam thanh, nữ tú, người già và con trẻ gặp gỡ trò chuyện rôm rả sau những ngày tảo tần, lam lũ trên đồng ruộng.

Chợ Dinh trước đây chỉ là những túp lều tạm bợ chủ yếu bày bán những sản vật do địa phương làm ra. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây , chợ đã được đầu tư xây dựng mái đình rộng rãi khang trang và hơn 200 ki ốt lớn nhỏ bày bán phong phú và đa dạng các mặt hàng... 

Đặc biệt năm vừa qua chợ Dinh được dự án Lifsap đầu tư nâng cấp hệ thống lò giết mổ đạt chuẩn với 36 gian hàng thực phẩm được bố trí bày bán tại khu vực riêng biệt trong chợ với bàn ghế, giá để thực phẩm bằng chất liệu dễ dàng làm vệ sinh (inox, gạch men), có hệ thống xử lý rác thải, nước thải hợp vệ sinh. Lắp hệ thống cấp điện chung và một số công trình phụ khác, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng.

Chị Nguyễn Thị Hà - Du khách ở Hà Nội - phát biểu: Chợ quê bây giờ cũng đầy đủ các mặt hàng, đảm bảo vệ sinh ATTP không thua gì thành phố nhưng vẫn mang được nét độc đáo của chợ quê. Chợ này thật độc đáo, tôi đi chợ mà cảm giác như đi hội”.

Ông Lê Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã - phấn khởi cho biết: Chợ Dinh hiện nay không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của những người dân trong huyện mà người từ các huyện, tỉnh khác về buôn bán rất đông. Mỗi phiên có hàng ngàn người tham gia. Có lẽ chợ Dinh có số lượng người tham gia đông nhất so với các chợ trên địa bàn tỉnh. 

Chợ cũng mang đến một nguồn thu khá cho ngân sách lớn địa phương, nhưng cái quan trọng là tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã. Nhiều người dân quanh năm chân lấm tay bùn nay đã biết buôn bán các mặt hàng và làm các dịch vụ như quán ăn uống, giữ xe để phát triển kinh tế.”

Dạo qua các chợ Hợp Thành, Thị Trấn, chợ Bộng, chợ Tân Thành, chúng tôi thấy cảnh mua bán náo nhiệt, hệ thống chợ được nâng cấp sạch sẽ khang trang mà mừng cho sự phát triển đời sống của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Vương Ngọc - Trưởng phòng Công Thương huyện Yên Thành - cho biết: “Trên địa bàn huyện có 26 chợ được quy hoạch đạt chuẩn NTM. Với công tác tuyên truyền vận động và thường xuyên kiểm tra, hiện nay Yên Thành không còn chợ xổm, chợ cóc tự phát. Cơ bản, các chợ đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương”.

Không riêng gì huyện Yên Thành mà nhiều chợ quê trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An cũng được đầu tư nâng cấp khang trang sầm uất như chợ Đô Lương, Anh Sơn, Mường Xén ( Kì Sơn)… 

Về sự hoành tráng phải kể đến Chợ Giát ở huyện Quỳnh Lưu. Công ty Cổ phần Sài Gòn Trung Ðô đầu tư vốn hơn 100 tỷ đồng xây mới đình chợ hai tầng, với hơn 1.100 ki-ốt và các công trình phụ trợ đồng bộ hiện đại, văn minh, sạch sẽ. 

Theo Trưởng phòng Công Thương huyện Quỳnh Lưu, Nguyễn Xuân Hà, chợ Giát hiện đại đi vào hoạt động đã tạo sự sầm uất cho cả khu vực, nhiều nhà đầu tư thấy thuận lợi đã làm phương án xây dựng khu đô thị chung quanh chợ Giát, làm cho đất khu vực chung quanh có giá trị...

Vẫn còn những nỗi lo

Từ khi nước ta bước vào nền kinh tế thị trường, KT-XH phát triển, hàng hóa ở chợ thật phong phú, từ các mặt hàng cao cấp đến những thứ đơn giản phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đây là điều hết sức đáng mừng. 

Nhưng vẫn còn đó những nỗi lo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 370 chợ đang hoạt động. Trong đó khu vực thành thị có 48 chợ, khu vực nông thôn có 322 chợ. Trong tổng số chợ đang hoạt động có 06 chợ hạng 1; 20 chợ hạng 2; 166 chợ hạng 3 và 178 chợ cóc, chợ tạm.

Một số chợ tại khu vực đô thị, trung tâm các huyện được xây mới, nâng cấp, cải tạo có hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống PCCC cơ bản đáp ứng được yêu cầu. 

Tuy nhiên vẫn còn nhiều chợ tạm ở vùng nông thôn, vùng ven đô thị vấn đề vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Một số chợ tuy được nâng cấp, cải tạo nhưng khu vực xử lý rác thải, khu vệ sinh và hệ thống nước phục vụ cho hoạt động của chợ vẫn chưa được cải thiện. Rác, nước thải đang là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương.

Ở vùng nông thôn, nhiều chợ nhiều năm liền không có vốn đầu tư, nâng cấp nên cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Hệ thống đường, điện, cấp thoát nước, phòng cháy, chữa cháy (PCCC)... thiếu đồng bộ nên nguy cơ cháy nổ rất cao.. Ðã nhiều lần xảy ra cháy như chợ Sa Nam ở huyện Nam Ðàn, chợ Mường Xén... gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và tiểu thương.

Cùng với đó là việc bán hàng nhếch nhách, lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến trật đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan, văn minh trong thương mại đã trở nên phổ biến tại nhiều nơi. 

Đặc biệt tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khá phổ biến ở các chợ nông thôn. Tại các chợ truyền thống, phần lớn người buôn bán thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như: Rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản đều không quan tâm tới và không biết tới Luật ATTP. 

Còn tại các chợ tạm, chợ cóc, dù hàng ngày cung cấp hàng chục tấn thực phẩm tươi sống hoặc đã chế biến cho người dân nhưng khái niệm "ATTP" vẫn không được quan tâm.

Hiện nay người tiêu dùng vẫn rất ngại khi mua rau ở chợ vì lo rằng người trồng rau sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong trồng trọt, không đúng thời gian, quy trình gây hại cho sức khỏe mà ở các chợ quê, vấn đề kiểm tra rau an toàn hầu như bị buông lỏng. 

Chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các nhà quản lí và cũng chính những thói quen dễ dãi của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh mặc sức "chơi đùa” với sức khỏe và tính mạng của người dân.

Nỗi lo vệ sinh, an toàn thực phẩm, vấn đề vệ sinh môi trường ở các chợ hiện nay đang là thực trạng đáng báo động. Tình trạng giết mổ gia cầm trong chợ vẫn còn phổ biến, người trực tiếp giết mổ gia cầm thì không có bất cứ dụng cụ bảo vệ nào. Nhiều hàng thực phẩm chín như thịt quay, giò, nem không có tủ kính che đậy. 

Các loại rác thì đủ cả, từ túi nilon, rau củ, ruột cá, thậm chí cả tiết lợn được vứt tràn lan trên các lối đi. Người dân khi mua và sử dụng những thực phẩm được bày bán tại môi trường mất vệ sinh như ở các chợ tạm, chợ cóc, thì nguy cơ mắc các dịch bệnh do mất vệ sinh, an toàn thực phẩm là không tránh khỏi.

Càng cận kề Tết, lượng hàng hóa phục vụ tết được tung ra thị trường ngày càng phong phú về chủng loại và giá cả. Hiện nay các loại bánh kẹo, hạt dưa, rượu, thịt, tôm khô, mực, bò, cá khô..., các loại rau củ quả không rõ nguồn gốc đã tràn ngập ở các chợ quê để phục vụ tết. 

Đây là một thách thức đối với cơ quan quản lý bởi trong thời gian gần đây, vấn đề thực phẩm độc hại, quá hạn sử dụng, có sử dụng hóa chất đang trở thành mối lo cho người tiêu dùng khắp cả nước. Sự thể rất phức tạp bởi tư thương không từ thủ đoạn nào để kiếm lời, bất chấp hậu quả có thể khiến người tiêu dùng bị hủy hoại về sức khỏe.

Ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An - cho biết: “UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 669 ngày 18/12/2013 về thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo an toàn dịp Tết Giáp Ngọ 2014. 

Kế hoạch 669 tập trung vào việc thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm”.

UBND tỉnh cũng giao cho các ngành, các địa phương chủ động tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian tiến hành thanh, kiểm tra từ ngày 20/12/2013 đến 10/2/2014, hiện nay phần lớn các địa phương đã thành lập các đoàn thanh tra chủ động đối phó với nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vui buồn chợ quê ảnh 1Vui buồn chợ quê ảnh 2Vui buồn chợ quê ảnh 3Vui buồn chợ quê ảnh 4Vui buồn chợ quê ảnh 5Vui buồn chợ quê ảnh 6Vui buồn chợ quê ảnh 7Vui buồn chợ quê ảnh 8

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ