Vua triều Nguyễn ban gì cho các quan trong ngày Tết Đoan ngọ?

Tiết Đoan dương (hay Đoan ngọ) là một lễ lớn trong triều đình nhà Nguyễn. Vào ngày này, nhà vua thường có quà tặng đặc biệt cho văn võ bá quan.

Vua triều Nguyễn ban gì cho các quan trong ngày Tết Đoan ngọ?

Các triều đại phong kiến ở nước ta đều lấy các ngày chính đán (Tết Nguyên đán), Đoan dương và Vạn thọ (ngày sinh nhật vua) là ngày lễ lớn trong năm. Ở triều Nguyễn, vào các dịp lễ này, nhà vua đều đặt nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa, hoàng thân và trăm quan đều đứng vào ban ở sân điện, dâng biểu chúc mừng, sau đó được nhà vua cho ăn yến và ban thưởng. Các quan địa phương ở bên ngoài đều theo ban, đứng chầu và lạy mừng ở hành cung dựng ở mỗi tỉnh.

Quà mà vua triều Nguyễn ban cho tôn thất và các quan bao gồm quạt, khăn tay, chè và hoa quả.

Vua trieu Nguyen ban gi cho cac quan trong ngay Tet Doan ngo? hinh anh 1
Vào Tết Đoan ngọ, vua nhà Nguyễn thường thiết đại triều, trăm quan vào lạy mừng, sau đó được ban yến và quà tặng. Ảnh:Tư liệu.

Từ triều Minh Mạng đã quy định tiết Đoan dương là ngày lễ lớn, nhưng sử chỉ ghi "cho các quan cùng sứ thần Hỏa Xá, Trấn Tây, thổ ty Tân Cương dự ăn yến và ban thưởng" mà chưa ghi chi tiết các món ban thưởng cho các quan.

Bộ sử Đại Nam thực lụcChính biên, đệ tam kỷ (thực lục về Hiến tổ Chương hoàng đế, tức vua Thiệu Trị), viết chi tiết về nghi lễ này vào năm Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), như sau:

“Mùa hạ, ngày tiết Đoan dương, vua dẫn quần thần đến cung Từ Thọ (nơi ở của hoàng thái hậu) làm lễ khánh hạ. Lễ xong, vua về ngự điện Văn Minh, các hoàng tử, hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên đều mặc đồ mặc đẹp, đến sân điện chiêm bái”.

Vua Thiệu Trị sinh ngày 11/5, nên tháng 5 sẽ có hai đại lễ là tiết Đoan dương và Vạn thọ. Khi bộ Lễ tâu bày vào hai tiết này, xin thiết triều để cho các quan lạy mừng vì vua Thiệu Trị vừa mới lên ngôi, đang còn trong thời hạn để tang vua cha là vua Minh Mạng, nên nhà vua dụ rằng:

“Đến hai ngày tiết này, trẫm sẽ ngự ra điện thường, hoàng thân và các quan mặc đồ đẹp, vào tham bái, đủ tỏ lòng thành khẩn; trên kỳ đài chỉ kéo cờ vàng suốt ngày. Trước một ngày và chính ngày tiết, các quan chức ở điện đình đều mặc áo khăn màu lam, màu đen để theo hầu. Còn lễ triều hạ và bắn súng mừng, treo cờ mừng đều bãi cả”.

Vua cũng dụ các quan nội các: “Đoan ngọ là một tiết tốt giữa năm, nay tuy đình việc triều hạ, cũng nên ban thưởng để đón tiếp phước lành. Vậy thưởng cho hoàng tử, hoàng thân, văn từ chánh ngũ phẩm, võ từ chánh tứ phẩm trở lên các thứ quạt, khăn tay, chè, quả, theo như lệ”.

Trước đó, năm Thiệu Trị thứ nhất, khi nhà vua vừa lên ngôi, đã phán rằng: “Đoan dương và Vạn thọ đều là tiết lớn trong một năm, tỏ lời chúc mừng, đều bởi lòng thành của tôi con. Nhưng vì ta đang có tang, ngày hôm ấy ta thân đến làm lễ trước ban thờ Hoàng khảo, thương khóc không ngớt, mà lại lấy ngày ấy đặt ban chầu, chúc mừng, so với tình và lễ, trong lòng cảm thấy không yên”.

Năm đó, nhà vua chỉ yêu cầu vào chính ngày tiết Đoan dương và một ngày trước chính nhật tiết Vạn thọ, ở trên kỳ đài trong Kinh đều treo cờ vàng, các quan viên lớn nhỏ chầu hầu;

Ở bên ngoài, từ các quan địa phương đến các thuộc viên văn võ làm việc ở công đường đều mặc cát phục. Còn các việc dâng biểu mừng, bắn súng mừng và việc các quan địa phương ở ngoài đứng chầu theo ban đều bãi hết.

Cũng bộ sử này, chép nghi lễ Tết Đoan dương vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đầy đủ hơn, với các chi tiết như sau:

“Tiết Đoan dương, vua đem các quan đến chầu ở cung Từ Thọ. Khi làm lễ xong, vua ngự điện Thái Hoà, nhận lễ mừng, ban cho hoàng tử, hoàng tôn, hoàng thân, văn từ chánh ngũ phẩm, võ từ chánh tứ phẩm trở lên, ăn yến ở điện Cần Chính và hành lang 2 bên tả hữu. Vua ban cho các tôn thất và các quan quạt, khăn tay, chè, hoa quả có từng bậc”.

Nghi lễ này tiếp tục được thực hiện trong các đời vua nhà Nguyễn tiếp theo.

Riêng năm Tự Đức thứ 12 (1859), sử có viết một số chi tiết rõ ràng hơn về các món quà tặng của nhà vua: “Tết Đoan dương, vua ban quạt tre hoa, hà bao gấm cho các thân phiên, hoàng thân, đình thần và các quan, các viên tùy phái ở quân thứ Quảng Nam, Gia Định, cùng viên biền trú phòng cửa biển Thuận An, Tư Hiền, đều có thứ bậc khác nhau”.

Đến năm sau, Tự Đức năm thứ 13 (1860), nhà vua mới cho đổi đặt lại nghi vệ tiết Đoan dương từ đại triều sang thường triều. Lệ trước, tiết Đoan dương vẫn đặt đại triều để chúc mừng, còn ngày tiết Đông chí đặt thường triều.

Tháng 4 năm ấy, vua cho là tiết Đông chí khí đương ngày lớn dần lên, nên yêu cầu bộ Lễ kê cứu đổi tiết Đoan dương làm thường triều, tiết Đông chí làm đại triều hạ. Lệ này được quy định từ đó về sau.

Sách Đồng Khánh địa dư chí chép về phong tục nhân dân thời ấy như sau: “Tết Đoan ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…”.

Theo Zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ