Vua Thiệu Trị coi trọng việc lựa chọn nhân tài

GD&TĐ - Vua Thiệu Trị (1807 - 1847) được sử sách triều Nguyễn mô tả là một hoàng đế thông minh, ham học, tận tụy chăm lo việc nước, uyên bác Nho học và yêu thích thơ ca.

Vua Thiệu Trị (1807 - 1847).
Vua Thiệu Trị (1807 - 1847).

Đầu năm 1841, vua Minh Mạng qua đời, hoàng tử trưởng là Trường Khánh công Miên Tông được đưa lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Lúc đó, nhà vua đã 34 tuổi, độ tuổi chín chắn để cai quản việc nước. Ngay sau khi lên ngôi, ông đã có nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đến việc tổ chức các kỳ thi và lựa chọn nhân tài.

Ngay trong năm Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), nhà vua đã ra lệnh cho tổ chức liên tiếp hai kỳ thi, trong đó kỳ ân khoa thi Hương bị hoãn từ năm trước sang năm 1841 (thi Hội năm 1842) và kỳ chính khoa năm 1842, thi Hội năm 1843.

Bộ sử “Đại Nam thực lục” cho biết: “Vua rất trọng đạo Nho, yêu học trò. Khoa này, kỳ đệ nhất, vua ra đầu bài. Kỳ nào cũng cho các cống sĩ ăn cơm trưa. Vua truyền chỉ rằng: Khoa trước cho than (để sưởi ấm), khoa này cho ăn cơm, là thịnh điển của triều đình ưu đãi các sĩ phu, bọn sĩ phu các người đều nên cố sức làm văn, bày tỏ hết sở trường của mình, để đáp lại lòng của ta khuyến khích, cất nhắc nhân tài, nối việc chấn hưng văn trị”.

Sau đó, nhà vua lại sắc cho bọn Vũ Văn Giải rằng: “Các người là người làm cơm, phải nên cẩn thận cho các sĩ phu tài tuấn của ta được tiến lên; cần phải tinh khiết, không được sơ sài”.

Vua Thiệu Trị cũng truyền chỉ cho quan trưởng phụ trách chấm thi phải giữ lòng công bằng mà chấm văn, chớ nên câu nệ bó buộc quá.

Kỳ thi này, có giám sinh Nguyễn Xuân Thưởng, tuổi đã ngoài 60 tuổi, theo quy định không dự hạng lấy đỗ. Vua mở xem danh sách, bảo nội các rằng: “Nhà nước dạy nuôi nhân tài, muốn cho được kịp thời bổ dùng, sao nỡ để cho họ chìm mãi trong nhà học, đọc sách đến bạc đầu ư?”. Sau đó, nhà vua truyền cho bộ Lại sát hạch, bổ ông Nguyễn Xuân Thưởng làm Huấn đạo huyện Phú Xuyên (Hà Nội ngày nay).

Có người học sinh ở Thái Nguyên đem lương vào Quốc Tử Giám ở kinh thành Phú Xuân (Huế) để học. Vua Thiệu Trị nghe thấy thế, phán rằng: “Thái Nguyên là tỉnh ở nơi biên viễn, thế mà người học sinh ấy lại cố chí đến Kinh đô để được biết văn vật chế độ của nước nhà, cũng đáng khen, nên cấp cho học bổng cũng như hạng ấm sinh”. Từ đấy, các sĩ phu đua nhau học tập, văn phong càng thêm mở mang.

Vua lại hỏi bộ Lễ: “Thi Hội lấy đỗ vào hạng trúng cách có số ngạch nhất định không?”. Thượng thư Phan Huy Thực thưa rằng: “Chưa có. Còn thi Hương thì duy tỉnh Thừa Thiên là có định ngạch”.

Vua phán rằng: “Về thi Hương, các trường cũng nên định trước số ngạch lấy đỗ, nếu không thì quan trường sợ phép nước, có khi thành ra quá khắc nghiệt. Thí dụ như năm trước đây, Lâm Duy Thiếp làm chủ khảo trường thi Nghệ An, chỉ lấy đỗ có 5 người, đến khi nhà vua ra lệnh cho đình thần duyệt lại, lấy thêm hơn 10 người nữa, sau đó thi Hương, thi Hội, thí sinh nối nhau đỗ lên. Nếu không có một phen duyệt lại như thế, chẳng hóa ra bỏ sót người tài ư?

Nghề thi cử xưa nay vẫn có cái mộng được người mặc áo đỏ gật đầu (nhà vua nhắc đến tích Âu Dương Tu nhà Tống làm chủ khảo, khi chấm văn của người nào, hễ ưng ý, gật đầu thì sau quyển văn của người ấy quả nhiên được đỗ) và có sự than thở rằng học đến bạc đầu mà không đỗ, chính là vì thế. Ta xem điển lệ của nhà Thanh, thi Hương, thi Hội, số lấy đỗ đều có ngạch nhất định. Nếu người tuổi già mới đỗ, không thể cho ra làm quan được, cũng cho có hàm rồi về hưu. Thi cử để lấy người tài, rộng rãi như thế, bộ nên nhớ lấy, đợi sau này định lại rõ để thi hành”.

Kỳ thi này lại có Nguyễn Văn Vĩ, người tỉnh Hà Tĩnh, vốn là quan tri huyện bị cách chức có đơn kêu xin được thi. Vua phán rằng: “Vĩ từ chân giám sinh xuất thân, khi trước làm tri huyện, can án, phải cách chức, không đáng lại cho được biên tên vào sổ làm quan. Song ta nghĩ: Y bị can án, không phải là tội tham tang hay tội riêng, vậy gia ân cho được vào thi Hương” (sau Vĩ đỗ cử nhân).

Một hành động khác của vua Thiệu Trị cho thấy nhà vua quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho trường thi, đó là khi Kinh doãn là Phạm Khôi tâu xin dời trường thi đến dựng ở phường Đại Đồng trong Hoàng thành. Vua Thiệu Trị dụ hai bộ Lễ và Công rằng: “Trường thi cũ ở Nguyệt Biều, địa thế ẩm thấp, đến mùa thu, mưa ngập, học trò vào trường làm văn, rất là không tiện. Bộ thần nên đi hội khám ngay, chọn chỗ đất cao ráo để làm, chớ để ở nơi thấp ướt, làm khổ cho bọn học trò”.

Ở tỉnh Bắc Ninh có Chu Doãn Trí là con trai tiến sĩ triều Lê Chu Doãn Mại, Trí là học trò danh sĩ Phạm Quý Thích, là người có học hạnh, tính điềm đạm, không hám vinh lợi. Quan tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Đăng Giai đem việc của Chu Doãn Trí tâu lên, nhà vua truyền cấp cho tiền ăn đường về Kinh, nhưng Trí từ chối là tuổi già ốm yếu, không vào được (Chu Doãn Trí sinh năm 1779, khi vua Thiệu Trị lên ngôi đã 62 tuổi).

Đến khi Nguyễn Đăng Giai vào chầu, vua lại hỏi Trí là người thế nào, Giai thưa rằng: “Trí, văn học và hạnh kiểm đều khả thú, chỉ sợ y tuổi già, không thể làm việc được nữa thôi!”. Vua phán rằng: “Nhân tài, đã khó kiếm được, mà lại cũng khó biết được! Sĩ phu nếu thích điềm tĩnh, không ra làm quan, mà vua lại cố ép phái ra, thì cũng không phải là cách đối đãi người hiền”. Sau đó, nhà vua truyền chỉ khen ngợi Chu Doãn Trí, lại sai đem rượu “hoa hồng dương tửu” đến tận nhà ban cho Chu Doãn Trí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.