Lý giải triển khai thuận lợi Chương trình mới ở lớp 10

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau hơn 1 tháng triển khai, các trường THPT đều đáp ứng đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình giáo dục mới ở lớp 10.

Các trường đã triển khai thành công chương trình lớp 10 mới
Các trường đã triển khai thành công chương trình lớp 10 mới

Học sinh yêu thích môn học

So với chương trình hiện hành, điểm mới đáng chú ý của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là mỗi học sinh đều phải học một số môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, học sinh được tự chọn một số môn học, chia thành các nhóm môn cơ bản: Nhóm môn khoa học xã hội (địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật...); nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật). Riêng môn lịch sử sẽ bao gồm nội dung bắt buộc với tất cả học sinh (52 tiết/năm học) và nội dung tự chọn, dành cho những em yêu thích môn học này.

Cũng theo chương trình mới, ngoài sách giáo khoa, mỗi môn học: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật sẽ có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp HS tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân), sau 1 tháng triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 10, mọi hoạt động diễn ra tương đối tốt. Về phía học sinh, nhiều em đều có chung nhận định, nội dung các môn học có nhiều điểm mới, việc tiếp cận nội dung bài giảng tốt, việc học sinh được lựa chọn môn học đã tạo cơ hội thuận lợi cho bản thân phát huy năng lực, sở trường.

Thầy Nguyễn Bá Hùng- Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân (huyện Hoài Đức) nhận định: Sở dĩ việc triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 10 được thuận lợi là nhờ nhà trường đã có các bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước, xây dựng các tổ hợp môn học và tư vấn trực tiếp cho phụ huynh, học sinh, tổ chức xếp lớp, đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh.

Em Trần Nguyễn Thái An- học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo chia sẻ: So với các anh, chị khóa trước, chúng em có nhiều thuận lợi hơn. Em khá hào hứng là trong chương trình có các môn học, chuyên đề nâng cao để em lựa chọn. Việc này giúp chúng em có thêm kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về các môn học mà mình yêu thích.

Thầy Vũ Đình Hà- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, để thực hiện tốt chương trình, nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp lựa chọn môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn theo học suốt 3 năm, bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Trước yêu cầu của chương trình mới, không chỉ nhà trường mà bản thân mỗi giáo viên cũng đã có sự chủ động trong việc lập kế hoạch làm việc, đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Vì vậy, sau 1 tháng thực hiện nhà trường đã bắt nhịp với nội dung chương trình mới; mọi hoạt động diễn ra đồng bộ, hiệu quả theo đúng kế hoạch.

Học sinh lớp 10 tại Hà Nội bước vào năm học mới

Học sinh lớp 10 tại Hà Nội bước vào năm học mới

Dần khắc phục khó khăn

Theo thầy Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), mục tiêu của trường là cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh. Nhà trường xây dựng 6 nhóm các môn học lựa chọn, trong đó có cả nhóm môn nghệ thuật.

Sau hơn 1 tháng triển khai, mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, song Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 cũng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các cơ sở giáo dục. Điển hình là việc sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy, đặc biệt đối với các môn học mới, vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Một số giáo viên cũng chia sẻ về khó khăn khi thực hiện chương trình như: Theo chương trình mới, trong năm học sẽ có 35 tiết dành cho chuyên đề, chia ra mỗi tuần 1 tiết. Tuy nhiên, chuyên đề là thiết kế nâng cao của môn học, nếu thực hiện mỗi tuần 1 tiết thì giáo viên khó có thể triển khai tốt được nội dung chuyên đề.

Cũng theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT sẽ có thêm môn Giáo dục địa phương, cùng với đó là môn Nghệ thuật với 2 phân môn Mỹ thuật và Âm nhạc. Hầu hết các trường hiện nay đều gặp khó khăn về giáo viên dạy Mỹ thuật và Âm nhạc nên chưa thể triển khai ngay trong năm học đầu tiên.

Theo thầy Đỗ Văn Chiến- Hiệu trưởng Trường THPT Đan Phượng, hiện nhà trường chưa có giáo viên nhưng nếu có học sinh chọn thì nhà trường sẽ mời giáo viên về dạy thỉnh giảng. Tuy nhiên, thực tế có rất ít học sinh chọn tổ hợp có môn học này. Vì vậy, trước mắt nhà trường sẽ tổ chức hình thức CLB để học sinh có sân chơi, đồng thời có bước chuẩn bị, xin giáo viên bộ môn này để đáp ứng cho năm học sau.

Nhằm giải quyết hiện tượng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho rằng, cần sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành. Các trường cần chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn trước mắt, ưu tiên nguồn nhân lực hiện có để tổ chức dạy học hiệu quả.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường xây dựng các nhóm môn học bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế, cố gắng đáp ứng ngày càng nhiều nguyện vọng của học sinh. Sở luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn với các nhà trường trong quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ