“Mong TP mau hết dịch”
Tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 19/7, cô Lê Thị Hưng (giáo viên chủ nhiệm lớp 5.1 Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, bản thân đã được trải nghiệm vào một số công việc chống dịch như hỗ trợ hậu cần, nhập liệu, hỗ trợ tiêm ngừa.
Cô Hưng sống cùng con gái đang là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong nhà thuê ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM). Hằng ngày, mỗi buổi sáng cô đến điểm tiêm tới chiều tối xong việc thì về với con gái. Công việc tiêm vắc-xin phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, thậm chí có cả F0… Nhiều hôm số lượng tiêm lên đến 700 - 800 người thì cô và cả ê-kíp không kịp nghỉ trưa.
Khi năm học mới bắt đầu cô Lê Thị Hưng vừa hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 vừa tranh thủ dạy online. Những hôm điểm tiêm ít người đến tiêm thì cô dạy trực tuyến ở nhà, hôm nào đông người thì cô ra hỗ trợ và tranh thủ dạy tại điểm tiêm ngừa.
“Buổi sáng tôi lấy vắc-xin giao cho điểm tiêm rồi tranh thủ dạy online, xong rồi hỗ trợ phần nhập liệu và làm giấy tờ cho người tiêm, tối về sửa bài cho học sinh và giảng lại những phần nào học sinh chưa hiểu. Tôi và con cùng xác định nếu mẹ bị nhiễm thì con cũng sẽ bị nhiễm. Vả lại hai mẹ con đã tiêm 2 mũi vắc-xin nên cũng yên tâm”, cô Hưng chia sẻ.
“Do điểm tiêm cũng là một trường tiểu học nên việc bố trí vừa hỗ trợ việc tiêm phòng vừa dạy cũng thuận tiện. Đến giờ, tôi tranh thủ mượn một phòng học nào đó và ngồi dạy các em. Thời gian dạy online cũng không dài, trung bình khoảng 120 phút. Tôi cũng hạn chế việc cho các cháu ngồi lâu trên máy”, cô Hưng chia sẻ.
Nói về những dự định sắp tới, cô Hưng cho hay, sau này khi học sinh đi học trực tiếp thì sẽ xin tham gia hỗ trợ mỗi ngày 1 - 2 tiếng. Tùy theo khả năng và sức khỏe mà sẽ hỗ trợ hết mình. “Khi đăng ký tham gia, tôi cũng đã xác định hỗ trợ hết chiến dịch. Chỉ mong là mình vẫn luôn mạnh khỏe để tham gia hỗ trợ công tác này được trọn vẹn. Mong là TP sớm dập xong dịch để mọi người chúng ta trở lại cuộc sống bình thường”, cô Hưng tâm sự.
Nói về lý do khi quyết định tham gia hỗ trợ công việc này, cô Lê Thị Hưng chia sẻ: “Khi nói đến công việc chống dịch hầu như chúng ta đều hiểu đó là một công việc nguy hiểm, chính vì thế bản thân tôi cũng có chút băn khoăn trước khi có quyết định tham gia. Nhưng với tinh thần, người khác làm được thì mình cũng làm được nên tôi đã mạnh dạn đăng ký với mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để cùng người dân và chính quyền thành phố nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh, để tất cả mọi người có được cuộc sống bình thường…”.
“Cảm kích y đức của các bác sĩ nên cố gắng”
Tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 11/8/2021 tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 8, cô Nguyễn Hữu Trà Giang (giáo viên Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quận 8, TPHCM) cho biết, đội tình nguyện viên giáo viên được chia làm 2 nhóm trực hotline và hỗ trợ phòng tiếp liệu.
“Tôi thuộc nhóm trực hotline. Công việc của tôi là nghe điện thoại hướng dẫn và cung cấp số điện thoại của các trạm y tế cho người bệnh được chăm sóc hỗ trợ tại nhà hoặc đến bệnh viện; trả lời tình hình của bệnh nhân cho người nhà biết; gọi thông báo tình hình bệnh nhân chuyển viện và gọi xe cấp cứu. Ngoài ra, chúng tôi còn phụ các y bác sĩ sao chép hồ sơ bệnh án…”, cô Nguyễn Hữu Trà Giang chia sẻ.
Nói về lý do tham gia hỗ trợ công việc nhiều áp lực và nguy hiểm này, cô Trà Giang chia sẻ: “Xem tin tức mỗi ngày trên các báo đài, tôi cảm nhận được sự vất vả của các y bác sĩ nơi tuyến đầu và cả những tình nguyện viên tham gia chống dịch bằng những công việc khác nhau tùy theo khả năng và sức khỏe của mình. Tôi cũng rất muốn tham gia vào một việc nào đó nhưng chưa biết đăng kí nơi đâu thì nhận được thông báo của trường và không ngần ngại tôi đăng kí tham gia ngay…”.
Những ngày đầu chưa quen việc, cô Trà Giang cho biết nhiều khi cũng thấy hơi bối rối và ngần ngại khi trả lời cho người nhà về tình hình của bệnh nhân vì là chuyên môn của bác sĩ. Nhưng qua quan sát cách các y bác sĩ làm việc, cô từng bước nắm bắt được công việc dần dần tự tin hơn.
“Trực tiếp nhìn thấy các y bác sĩ ngoài việc điều trị cho bệnh nhân còn hỗ trợ chăm sóc như đút cháo, làm vệ sinh cho bệnh nhân, lau sàn nhà với cái nóng ngột ngạt trong bộ đồ bảo hộ mà không chút kêu ca. Khi ra bên ngoài, họ cởi bộ đồ bảo hộ ra và đôi khi phải đi ngoài mưa về tay lấy vội chai nước uống cho thoả cơn khát nhưng đôi mắt vẫn nhìn bệnh nhân qua tấm kính chắn… Trong lòng tôi thầm rất cảm kích y đức của họ mà tự hứa luôn cố gắng làm tốt công việc của mình…”, cô Trà Giang tâm sự.
Bên cạnh đó, khi tham gia chống dịch cô cho biết còn học hỏi rất nhiều điều trong cuộc sống, thấu hiểu hơn tình người trong trận chiến chống dịch qua lòng nhiệt huyết của các y bác sĩ và sự đóng góp thầm lặng từ phía sau hay những chia sẻ vật chất từ các nhà hảo tâm như thuốc, khẩu trang y tế, những suất cơm nóng hổi, bánh sữa, trái cây… các vật dụng cần thiết được gửi đến cho các bệnh nhân và những người tham gia công tác ở bệnh viện.
Khi năm học mới đã bắt đầu, cô Trà Giang vừa tham gia chống dịch vừa chuẩn bị bài giảng và kết nối với lớp học. “Lúc đầu, tôi cũng có phần lo lắng, sợ sẽ không hoàn thành tốt công việc. Nhưng đến hôm nay may mắn là tôi đã theo kịp tiến độ của trường mà vẫn đảm bảo công việc ở bệnh viện.
Tôi trao đổi với phụ huynh và học sinh để linh hoạt giờ học và giờ sửa bài cá nhân cho học sinh vì tôi làm ở bệnh viện theo ca. Tuy rằng giờ học thay đổi theo tuần buổi sáng hoặc buổi chiều nhưng bước đầu tôi vẫn thấy rất thuận lợi vì được nhà trường hỗ trợ chuyên môn và phụ huynh hợp tác để tôi đảm bảo thời lượng truyền tải kiến thức cho học sinh đồng thời đảm bảo chất lượng về nội dung kiến thức của bài học…”, cô Trà Giang chia sẻ.
“Khi nào bệnh viện giải thể thì về”
Tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid Quận 8 số 01 từ ngày 12/8/2021, thầy Hồ Văn Đây (giáo viên Vật lý, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Tùng Thiện Vương, Q.8, TPHCM) cho biết đã trải qua các công việc như: Phụ trách công nghệ thông tin (nhập bệnh án, làm giấy xuất viện…), nhận vật tư, lương thực, thực phẩm, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, dọn dẹp vệ sinh, làm hồ sơ cho bệnh nhân.
Ban đầu khi mới tiếp xúc với bệnh viện và người bệnh, bản thân thầy cũng có nghi ngại nhưng đến nay đã quen thuộc. Bên cạnh đó, thấy khả năng điều trị khỏi bệnh của bệnh viện rất cao nên thầy cũng rất yên tâm.
“Hình ảnh của những chiến binh áo xanh, cả áo trắng đang ngày đêm tích cực trực chốt, truy vết dịch tễ cũng như điều trị bệnh nhân cùng các bạn tình nguyện viên, khiến bản thân tôi là một công dân trẻ - một giáo viên – Tổng phụ trách Đội, muốn đóng góp sức mình vào công tác phòng chống dịch Covid-19, để TP mau chóng khỏe lại, trở về trạng thái bình thường mới...” - thầy Hồ Văn Đây chia sẻ.
Khi năm học mới bắt đầu, thầy Đây cũng vừa tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch vừa chuẩn bị bài giảng và kết nối với lớp học online. “Tôi cố gắng sắp xếp thời gian lúc rảnh và các buổi tối để chuẩn bị các nội dung bài giảng trực tuyến theo phân công của nhà trường, đến tiết dạy trực tuyến thì nhờ các anh chị còn lại hỗ trợ công việc chăm bệnh nhân”, thầy Đây chia sẻ.
Thầy Hồ Văn Đây hiện sống cùng mẹ tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Hơn 1,5 tháng qua, thầy Đây cho biết không về nhà vì sợ lây cho mẹ. “Thực sự, lúc đầu tham gia tôi không nghĩ thời gian kéo dài như hiện nay. Tuy nhiên hiện TP rất cần các tình nguyện viên hỗ trợ công việc này, nên tôi quyết định khi nào bệnh viện giải thể thì về…”, thầy Hồ Văn Đây chia sẻ.
Trong khi đó, cô Bùi Ngô Y Hân (giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Bình An, Q. 8, TPHCM) cho biết, đã hơn 1,5 tháng tham gia hỗ trợ bệnh viện dã chiến. Cô làm việc ở các khâu tiếp nhận vật tư, tiếp liệu vào khu bệnh, chuyển thức ăn và giúp cho bệnh nhân ăn 3 buổi/ngày, dọn vệ sinh cá nhân của bệnh nhân ở khu cấp cứu và bệnh nhân già, không đi lại được, thỉnh thoảng cắt tóc cho y bác sĩ và tình nguyện viên.
“Mình sống ở Sài Gòn đến tuổi này thấy TP đau đớn mình cũng đau theo. Tuy đã chuẩn bị kỹ, nhưng lúc đầu khi bước vào phòng bệnh mình rất sợ vì khả năng lây nhiễm cho mình rất cao. Cùng với cái nóng của bộ đồ bảo hộ, có lúc mình nghĩ sẽ không làm được nữa. Mỗi ngày đút cháo cho bệnh nhân mệt lả vì bệnh, thấy họ chịu ăn, chịu cộng tác với đội ngũ y bác sĩ khỏe lại từ từ mình tự tin hơn, tiếp xúc với bệnh nhân chăm sóc họ không ngần ngại nữa. Giờ thì mình đã quen luôn và có những bệnh nhân quen với giọng nói của mình dù không thấy mặt…”, cô Bùi Ngô Y Hân chia sẻ.
Khi năm học mới bắt đầu, cô cho biết: “Tôi cố gắng sắp xếp thời gian như buổi tối sau khi ở bệnh viện về, để soạn bài, chuyển bài và có các bạn đồng nghiệp đã hỗ trợ mình dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, để mình hoàn thành công tác giảng dạy cũng như công việc tình nguyện trong thời gian này”.