Ngành Giáo dục Thanh Hóa với phong trào hỗ trợ  phòng, chống dịch Covid-19

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và kêu gọi đoàn viên công đoàn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu.

Nhóm giáo viên bộ môn Hóa, Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn, Thanh Hóa) pha chế thành công nước sát khuẩn tay khô, để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.
Nhóm giáo viên bộ môn Hóa, Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn, Thanh Hóa) pha chế thành công nước sát khuẩn tay khô, để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Giáo viên pha chế nước sát khuẩn

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, để bảo vệ sức khỏe cho hàng nghìn học sinh và giáo viên, Công đoàn Trường THPT Mai Anh Tuấn, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã pha chế dung dịch sát khuẩn tay phòng, chống dịch.

Cô Mai Thị Thao - Tổ trưởng môn Hóa, Phó chủ tịch Công đoàn Trường THPT Mai Anh Tuấn chia sẻ: Cả nước đang chung sức đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi đại dịch đem lại sự bình yên cho cuộc sống.

Do đó, tổ chức Công đoàn và học sinh Trường THPT Mai Anh Tuấn nói chung góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch Covid- 19 bằng việc làm cụ thể: Pha chế nước rửa tay khô, để phục vụ cho cán bộ giáo viên, nhân viên học sinh nhà trường trong mùa dịch.

Cô Mai Thị Thao (giữa) hướng dẫn nhóm giáo viên pha chế dung dịch sát khuẩn tay khô. Ảnh: NVCC.
Cô Mai Thị Thao (giữa) hướng dẫn nhóm giáo viên pha chế dung dịch sát khuẩn tay khô. Ảnh: NVCC.

Sau khi thống nhất được ý tưởng và phương pháp pha chế, nhóm tình nguyện của cô Thao xin ý kiến Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường và bắt tay vào việc pha chế dung dịch khử khuẩn phòng, chống dịch Covid -19.

Kinh phí mua nguyên liệu được Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường hỗ trợ. Nhóm giáo viên tham gia công việc này đã pha chế thành công dung dịch sát khuẩn tay phục vụ cho học sinh, giáo viên nhà trường dùng miễn phí.

Cũng theo cô Mai Thị Thao, từ khi tổ giáo viên dạy môn Hóa học của nhà trường thực hiện thành công việc pha chế dung dịch sát khuẩn tay, đã giúp tiết kiệm được khoảng 2/3 kinh phí so với mua dung dịch khử khuẩn ở ngoài thị trường.

“Với gần 2.000 học sinh và gần 100 cán bộ, giáo viên nên hàng ngày nếu sử dụng dung dịch khử khuẩn mua ở thị trường cũng khá tốn kém.

Từ khi nhóm giáo viên pha chế được dung dịch này, tất cả lớp học, phòng họp, phòng chức năng, nhà hiệu bộ... đều sẵn có dung dịch để sử dụng", cô Thao chia sẻ.

Nước rửa tay sát khuẩn do nhóm giáo viên Trường THPT Mai Anh Tuấn pha chế thành công. Ảnh: NVCC.
Nước rửa tay sát khuẩn do nhóm giáo viên Trường THPT Mai Anh Tuấn pha chế thành công. Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Thao, tổ giáo viên bộ môn Hóa dự kiến, vào năm học, nếu hết dung dịch sẽ đề nghị với Công đoàn và nhà trường tiếp tục pha chế dung dịch, để phục vụ học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường.

Bên cạnh đó, nếu trường học nào có ý tưởng tự pha chế dung dịch khử khuẩn như trên, mà cần sự hỗ trợ về kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ.

Nhà trường sáng chế máy rửa tay

Khác với nhóm giáo viên Trường THPT Mai Anh Tuấn thực hiện pha chế nước sát khuẩn, thầy và trò Trường Trung cấp nghề Nga Sơn lại sáng chế, sản xuất máy rửa tay tự động.

Thầy Nguyễn Ngọc Minh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nga Sơn chia sẻ: Ý tưởng xuất phát việc mình cần làm gì trong thời gian giãn cách xã hội, để chung sức chiến thắng dại dịch Covid-19.

Máy rửa tay sát khuẩn tự động do Trường Trung cấp nghề Nga Sơn (Thanh Hóa) sáng chế.
Máy rửa tay sát khuẩn tự động do Trường Trung cấp nghề Nga Sơn (Thanh Hóa) sáng chế.

“Chứng kiến các nơi cách ly người nghi nhiễm, người nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh viện, cơ quan thường trực phòng chống dịch Covid 19 đang dùng chung 1 vài chai nước bơm xịt thủ công.

Như vậy, nếu một người bị nhiễm bệnh đặt tay lên bình, có thể lây bệnh cho người khác dùng sau. Vì vậy cần thiết phải có 1 thiết bị hoàn toàn tự động để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho mọi người.

Sau một tuần trăn trở và tất bật cho việc lên ý tưởng, đặt mua linh kiện, thiết bị, vẽ sơ đồ mạch, thử vật liệu, hình dáng, kích thước, và chạy thử, sản phẩm đã hoàn thành và đến tay người dùng", thầy Minh trao đổi.

Chiếc máy rửa tay tự động có 2 thành tố cấu tạo nên, gồm: Phần thân vỏ: Nhóm nghiên cứu đã tìm và thử rất nhiều nguyên liệu để giảm giá thành sản phẩm, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được thẩm mỹ.

Công năng sử dụng của máy khá thân thiện môi trường, tạo được sự chú ý của mọi người để họ biết đó là thiết bị rửa tay sát khuẩn hoàn toàn tự động.

Thiết bị và phụ kiện của máy có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm giãn  cách xã hội (năm 2020) rất khan hiếm. Vì vậy, các kỹ sư của nhà trường phải tự thiết kế bo mạch (tức là trái tim của máy) cho phù hợp với công năng sử dụng.

Còn lại những phụ kiện khác cũng phải đặt hàng và chờ đợi rất lâu. Chi phí cho 1 máy thì tuỳ từng model, giá giao động từ 1.2-1.6 triệu đồng/máy.

Sau khi sáng chế thành công máy rửa tay sát khuẩn tự động, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn đã trao tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Sau khi sáng chế thành công máy rửa tay sát khuẩn tự động, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn đã trao tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Sau khi sáng chế thành công, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn đã sản xuất hàng chúc máy rửa tay tự động và tặng cho các đơn vị thường xuyên phải tiếp xúc với người có nguy cơ cao nhiễm dịch bệnh, như: Bệnh viện, Ban phòng chống dịch, cơ quan Huyện uỷ, UBND huyện, đơn vị Công an, Quân đội và tặng một số sở, ban ngành có liên quan đến nhiệm vụ của nhà trường.

Cũng theo thầy Nguyễn Ngọc Minh, nếu xã hội có nhu cầu cao về máy rửa tay sát khuẩn tự động này, nhà trường sẵn sàng sản xuất thương mại để bán ra thị trường. Khi máy rửa tay sát khuẩn tự động được sản xuất hàng loạt, giá thành chắc chắn sẽ giảm được đáng kể.

Hỗ trợ hàng hóa cho đồng bào miền Nam

Mới đây Công đoàn ngành GD tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi, vận động hỗ trợ hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm để gửi tặng nhân dân TP Hồ Chí Minh và đồng bào miền Nam đang phải giãn cách xã hội.

Ngành Giáo dục Thanh Hóa quyên góp hàng hóa hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh và đồng bào miền Nam, để chống dịch Covid-19.
Ngành Giáo dục Thanh Hóa quyên góp hàng hóa hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh và đồng bào miền Nam, để chống dịch Covid-19.

Ông Trần Văn Bình – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa cho biết: Hưởng ứng cuộc phát động của Ủy ban MTTQ tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức phát động Tuần lễ “Hướng về thành phố mang tên Bác”, từ ngày 17 - 23/7.

Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận  hơn 12 tấn gạo, gần 600 thùng mì tôm, hơn 1,5 tấn củ, quả và hơn 6 tấn nhu yếu phẩm (lạc, đường, cá khô, tép khô) tương đương trên 750 triệu đồng, để hỗ trợ nhân dân TP Hồ Chí Minh và đồng bào miền Nam chống dịch Covid-19.

Qua đợt phát động, hơn 6.300 đoàn viên tại 96 Công đoàn trực thuộc tham gia hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm để hỗ trợ nhân dân TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.

Các loại hàng hóa nêu trên đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều loại hàng có nhãn mác đã được đăng ký theo quy định, có nhiều hàng hóa là sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa.

Số hàng hóa trên được đóng gói cẩn thận, ghi rõ tên mặt hàng, số lượng túi, gói, trọng lượng, đơn vị, cơ quan, cá nhân gửi tặng, có số điện thoại liên hệ, hướng dẫn sử dụng.

Trường THPT Triệu Sơn 5 (Triệu Sơn, Thanh Hóa) quyên góp hàng hóa "Hướng về thành phố mang tên Bác".
Trường THPT Triệu Sơn 5 (Triệu Sơn, Thanh Hóa) quyên góp hàng hóa "Hướng về thành phố mang tên Bác".

“Số hàng hóa, nhu yếu phẩm do đoàn viên Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa hỗ trợ, đã được đơn vị bàn giao về Ủy ban MTTT Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

Đây là tấm lòng của đoàn viên Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa nhằm hỗ trợ nhân dân TP Hồ Chí Minh, đồng bào miền Nam trong lúc phải giãn cách xã hội để chống dịch”, ông Bình chia sẻ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.