Vụ xe tải lao xuống vực khiến 6 người tử vong ở Gia Lai: Những gia đình vụn vỡ vì mưu sinh

GD&TĐ - Vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai đã cướp đi mạng sống của 6 người. Những người trong gia đình của họ vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn khi người thân của mình ra đi mãi không quay trở về.

Anh Guêm đang được điều trị tại bệnh viện vẫn chưa hết bàng hoàng khi thoát khỏi “cửa tử”.
Anh Guêm đang được điều trị tại bệnh viện vẫn chưa hết bàng hoàng khi thoát khỏi “cửa tử”.

Tai nạn thảm khốc

Rạng sáng 9/2, ô tô tải BKS: 81C-111.25 do tài xế Huỳnh Đức Nguyên (SN 1983, phường Chi Lăng) điều khiển, di chuyển từ hướng xã Hà Đông ra xã Đak Sơmei (huyện Đăk Đoa, Gia Lai). Khi xe đang di chuyển bất ngờ mất lái lao xuống vực khiến 6 người tử vong tại chỗ và 3 người khác bị thương.

Các nạn nhân tử vong gồm: Huỳnh Đức Nguyên (tài xế), Trần Văn Tâm (SN 1987), Dương Văn Dũng (SN 1984), Phan Văn Tuấn (SN 1990), Hguh (SN 1998, cùng trú huyện Mang Yang), Bùi Văn Tiện (SN 1974, trú huyện Đắk Đoa). Còn 3 người bị thương gồm: Guêm (SN 1999), Gun (SN 1991) và Nguyễn Tấn Vinh (cùng trú huyện Mang Yang).

Sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai xác định chiếc xe tải chở mì bị lao xuống vực được sản xuất vào năm 2014, có niên hạn sử dụng đến năm 2039. Bên cạnh đó, ngày kiểm định là 8/12/2021, kiểm định có hiệu lực đến hết ngày 7/12/2022.

Mặc dù, theo quy định phương tiện này chỉ được chở 2 người, tuy nhiên vào thời điểm xảy ra tai nạn trên xe có 9 người. Bên cạnh đó, tốc độ lần cuối của xe được thiết bị giám sát hành trình ghi nhận lúc 00 giờ 53 phút 39 giây ngày 9/2/2022 là 54 km/h.

Theo nhận định của lực lượng Công an, vào thời điểm xảy ra tai nạn, trời tối, không có đèn chiếu sáng và sương mù dày đặc. Không những vậy, đoạn đường xảy ra tai nạn là mặt đường nhựa, rộng 4m sử dụng để lưu thông 2 chiều. Đặc biệt, khu vực này quanh co, độ dốc 10%, khúc cua ngoặt và hai bên đường cỏ mọc che khuất tầm nhìn.

Tang thương

Anh Guêm – một trong 3 nạn nhân còn sống sót sau vụ tai nạn thảm khốc vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu. Anh Guêm kể: “Sáng sớm ngày hôm nay tôi cùng mọi người bốc vác mì lên xe tải. Sau khi xong việc, ai nấy đều mệt rả rời và lên xe đi. Do mệt quá nên tôi chợp mắt một chút. Bỗng tôi thấy xe rung lắc mạnh rồi nghe la thất thanh. Đến khi tỉnh lại tôi đã thấy mình ở trong bệnh viện”.

Nghe tin chồng gặp tai nạn trong lúc đi làm, chị Nenh (làng Kop Do, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang) tức tốc chạy đến bệnh viện.

“Đến nơi, tôi thấy người anh ấy trầy sước khắp nơi, còn tay chân đều bị gãy”, chị Nenh nói.

Chị Nenh kể, chồng chị theo xe đi bốc mì từ sáng sớm ngày 8/2. Mỗi ngày, chồng chị được trả khoảng 300.000 – 400.000 đồng. Số tiền chồng kiếm được này để lo toan cho cuộc sống gia đình.

Ngay từ đầu làng Kôp-Duol (thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, Gia Lai) tiếng người thân, dân làng khóc thương cho số phận anh Vương Văn Dũng (SN 1984) khiến ai nấy đều xót xa.

Gào khóc trước di ảnh của chồng, chị Thanh vẫn không thể tin được người chồng của mình đã ra đi mãi mãi.

Trong tiếng nấc, chị Thanh cho hay, do gia đình không có nương rẫy nên vợ chồng chị phải đi làm thuê, cuốc mướn để nuôi 2 con ăn học. Mấy ngày gần đây, chồng chị đi bốc mì thuê. Tuy nhiên, đến khoảng 1 giờ sáng 9/2 chị bỗng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ.

Sau khi bắt máy, đầu dây bên kia thông báo chồng chị bị tai nạn trên đường đi bốc mì trở về. Nghe tin, chị lập tức lên đường. Lúc đến nơi, chị bàng hoàng khi thấy cảnh tượng đau lòng.

“Trước khi đi, chồng tôi nói chắc sẽ về muộn vì mì nhiều, lại bốc ở xa. Khi hay tin anh gặp nạn tôi lập tức chạy đến hiện trường. Khi ấy khung cảnh rất ám ảnh, chiếc xe thì ở sâu dưới vực. Lúc đó, tôi ngất đi và không còn biết gì nữa”, chị Thanh nhớ lại.

Bố mất, cậu con trai cả Vương Đức Vũ (học lớp 10) không biết xoay xở ra sao khi nhà chỉ còn mẹ, Vũ và người em. Vũ kể, từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán bố em đã đi bốc mì thuê. Vũ không nghĩ rằng, đây là lần cuối cùng em có thể gặp bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.