Vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, luật sư Đỗ Tuấn Anh, Văn phòng Luật sư Công Luật cho biết, tại Khoản 6, Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150-200 triệu đồng. Với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự.
Theo Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào thực hiện hành vi "phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả" gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên, thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.
“Điều đáng nói, quy định này không chỉ xử lý hình sự với các đối tượng đứng ra tổ chức, mà những người tham gia vào đường dây này, kêu gọi người khác tham gia, thì họ vừa là nạn nhân, nhưng cũng đồng thời là đồng phạm với đối tượng cầm đầu. Vì vậy, họ không chỉ là người “bị hại” mà mà rất có thể bị xử lý hình sự”, luật sư Tuấn Anh nói.
Theo luật sư Tuấn Anh, sự việc vừa qua có thể hiểu là một dạng huy động vốn bằng tiền ảo này được thực hiện theo mô hình đa cấp. Những người đi trước, dụ dỗ lôi kéo người đến sau. Trong kinh doanh đa cấp, khâu trung gian đóng vai trò quan trọng gây nên những thiệt hại lớn cần phải xử lý. Tuy nhiên trong bối cảnh này họ lại đang được coi là “nạn nhân”.
“Theo tôi, phải xử lý tất cả những người có vai trò chính, nhất là những người đã thu được nhiều lợi nhuận từ việc tham gia bán hàng đa cấp trái pháp luật. Làm như vậy may ra mới ngăn chặn được các vụ lừa đảo tương tự” - luật sư Tuấn Anh nói.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, những người huy động vốn trái phép trong vụ này nếu có thủ đoạn gian dối thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu không thì có thể xử tội kinh doanh đa cấp trái pháp luật. Công ty này từng tổ chức khá nhiều sự kiện huy động vốn công khai nhưng cơ quan quản lý Nhà nước không kịp thời phát hiện để ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra cho người dân.
Vụ sập bẫy này không phải là vụ đầu tiên, một trò lừa đảo với hình thức rất xưa cũ, rất “kinh điển” bằng lãi suất cao bất hợp lý nhưng người dân vẫn mắc lừa. “Tôi cho rằng, bên cạnh một số người không biết thì có thể nhiều người biết rất rõ nhưng vẫn cứ tranh thủ, hy vọng, cứ nghĩ rằng mình sẽ rút ra sớm, ở tốp trên thì được ăn, còn sau này nó sập, nó chết thì người khác lãnh hậu quả”, luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Chưa có người đến cơ quan chức năng trình báo
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Công an quận 1, TP HCM cho biết, đã nắm bắt thông tin về sự việc nhưng chưa có ai đến cơ quan chức năng trình báo.
"Ngày 8/4, ngay sau khi người dân tập trung tại địa chỉ Công ty M.T trên đường Nguyễn Huệ để phản ứng thì lực lượng chức năng đã có mặt tại địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự. Ngay sau đó, Công an quận cũng đã hướng dẫn người dân về Công an phường, quận, hoặc địa bàn cư trú để trình báo nhưng chưa có ai trình báo", ông Đạt nói.
Ông Đạt thông tin thêm: "Nếu có người đến tố cáo sự việc cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh. Nếu xét thấy đủ yếu tố để khởi tố, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án. Nếu đúng như số tiền mà người dân phản ánh là 15.000 tỉ đồng thì Công an quận cũng sẽ gửi lên cơ quan cấp cao hơn để xử lý. Tuy vậy, đến hôm nay vẫn chưa có ai đến để gửi đơn phản ánh hay tố cáo. Chúng tôi thông qua các cơ quan báo chí gửi đến những nạn nhân trong sự việc trên hãy nhanh chóng đến cơ quan chức năng để phản ánh. Không có người phản ánh thì chúng tôi không thể mời những người đang bị tố cáo lên làm việc được. Như vậy không đủ cơ sở".
Nhìn lại toàn bộ sự việc tham gia đường dây tiền ảo mất 15.000 tỷ đồng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Vụ lừa đảo của Ifan chỉ 2 vấn đề cần đề cập: Niềm tin và ham lãi suất cao. Niềm tin được tạo dựng bởi các chân rết trong giới tiền ảo Việt Nam. Kết hợp với mức lãi suất cao đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Đây là sự kết hợp tạo nên cái bẫy "kinh điển" nên ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn dính vào Ifan.
Như vậy, chỉ với việc Công ty Modern Tech biến mất đã khiến hơn 32.000 người đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền hơn 15.000 tỷ đồng. Những ngày gần không ít người đang tìm cách tháo chạy khỏi tiền ảo, đa cấp… nhưng lực bất tòng tâm.
Khi trao đổi với báo chí, ông Đạt cũng nhấn mạnh: "Trước đây, trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều hình thức tiền ảo, đa cấp. Vì Nhà nước chưa chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo hay tổ chức các hoạt động đa cấp nên Công an quận cũng đã có nhiều cảnh báo cho người dân. Chúng tôi khuyên người dân khi đầu tư vào các hình thức chưa được cho phép cần hết sức thận trọng".
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần lên tiếng về các loại hình kinh doanh đa cấp, tiền ảo… chưa được chấp nhận tại Việt Nam. Thế nhưng những vụ việc “tiền mất, tật mang” vẫn liên tục xảy ra.