Vụ tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung: Khóc thương cho phận "hồng nhan"

Lần gặp tiếp theo này, Mạnh hẹn tác giả tới quán Biên Thùy. Khi tác giả đến nơi đã thấy Mạnh tới trước, đang ngồi bên dĩa đầu cá lóc hấp nghi ngút khói. Điều này khiến cho tác giả hơi bất ngờ.

Vụ tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung: Khóc thương cho phận "hồng nhan"

Giọt nước mắt đàn ông

Vào thập niên 60 và cho đến sau này, ở khu chợ cá Cầu Ông Lãnh có một quán đặc sản mà hầu như người dân Sài Gòn nào cũng biết. Đó được gọi với cái tên dễ nhớ là quán Biên Thùy.

Sở dĩ nó được đặt tên này, bởi khu vực chợ cá Cầu Ông Lãnh nằm dọc theo đường Bến Chương Dương từ gần cầu Calmettre ngày nay chạy dài tới chân Cầu Ông Lãnh khi cầu chưa làm mới như bây giờ.

Đó là khu chợ cá đồng và hoa quả nổi tiếng lớn nhất Sài Gòn. Hằng đêm, hàng trăm xe cá từ các tỉnh miền Tây lũ lượt chở những con cá đồng đặc sản của vùng sông nước miền Tây về đây.

Vụ tạt axít ca sĩ Cẩm Nhung: Khóc thương cho phận

Khu vực quán Biên Thùy.

Tận dụng đặc điểm này nên một tay giỏi kinh doanh đã mở một quán ăn đặc sản nằm trong một con hẻm nhỏ sát bên đầu chợ cá xuống giáp tận mé sông Bến Nghé, chuyên kinh doanh cá lóc nướng và cá lóc hấp.

Cái tên quán Biên Thùy ý giới thiệu rằng vùng vựa cá này chẳng khác nào một cái biên thùy tiếp giáp giữa thành phố với vùng biên viễn Tây Nam Bộ xa xôi. Quán không sang trọng chỉ là một dãy nhà tôn lụp xụp nằm bên bờ sông có phần xập xệ và luộm thuộm nhưng rất đông khách.

Bởi một đặc điểm, đây là nơi duy nhất của Sài Gòn có món ăn chế biến từ con cá lóc tươi mới chở lên từ miền Tây. Với con cá lóc được nướng trui theo kiểu miền Tây hay được cắt riêng phần đầu để hấp – vốn là món ăn khoái khẩu của dân nhậu – quán là nơi quyến rũ thực khách mạnh mẽ.

Quán kinh doanh phục vụ dân ăn đêm ở Sài Gòn nên bắt đầu mở cửa vào lúc ba bốn giờ chiều cho tới sáng. Chữ “Biên Thùy” ở đây có nghĩa là ranh giới giữa ngày và đêm bị sang bằng bởi một món ăn đủ sức hấp dẫn dân chơi Sài Gòn.

Tác giả tới, chưa kịp yên vị, Mạnh đã chủ động đưa hai ly rượu rót sẵn lên, anh ta một ly, tác giả một ly và nói cộc lốc chỉ một chữ: “Uống!”. Lối nói chuyện cục ngủn đó, tác giả đã quen với anh chàng giang hồ cộm cán này. Đã qua vài lần tiếp xúc với anh ta, nhưng lần này, cái âm thanh khàn đục cộc lốc với chữ “uống” bỗng dưng khiến tác giả sững sờ. Sau tiếng nói khô khốc ấy, Mạnh bật khóc!.

Tác giả ngơ ngác nhìn sửng vào mặt anh ta để tìm hiểu tại sao anh ta có thái độ như vậy. Ngay lúc đó, có một người đàn ông trung niên dáng thấp đậm – lần đầu tiên gặp tác giả. Anh ta đứng phía trong quầy hàng của quán, chứng tỏ không phải là khách bên ngoài mới tới và lập tức anh ta xác định vị trí của mình bằng câu nói: “Tôi mở quán này ba, bốn năm nay rồi, nhưng chưa bao giờ thấy thằng này nó như vầy!”.

Rồi ông ta giải thích thêm để tác giả đỡ phải ngạc nhiên: “Mạnh với tôi là bạn và chúng tôi hiểu nhau như hai anh em ruột. Cả mấy tháng nay nó biến đi đâu mất. Vừa rồi, nó đột ngột xuất hiện và buộc tôi phải tìm cho một cái đầu cá loại ngon nhất, mà phải đúng là cá lóc đồng chớ cá bông nó không chịu. Nó nói với tôi rằng hôm nay nó cần đãi một người khách. Tôi hỏi nó có phải là khách quý, nó đáp rằng còn hơn là khách quý nữa. Tôi không ngờ nó lại chờ anh”.

Một gã giang hồ còn biết liêm sỉ

Có lẽ không muốn để cho người chủ quán nói thêm, Mạnh nốc một hơi đánh trốc một cái cạn ly rượu đế, rồi tự tay mình rót tiếp ly thứ hai. Anh ta nói qua màng nước mắt với tác giả: “Tôi muốn mời anh uống với tôi hôm nay đủ ba ly. Chỉ ba ly thôi rồi anh em mình chia tay sau khi ăn cho hết cái đầu cá ngon nhất này. Tôi không biết anh đã ăn cơm chưa, hay có thích thú với món đầu cá hấp ở quán Biên Thùy này hay không, nhưng tôi vẫn muốn anh hãy chiều tôi như lời tôi vừa mời. Nào anh vô ly thứ nhất đi còn tôi thì ly thứ hai”.

Tác giả đành phải đưa ly rượu đế lên miệng nốc cạn một hơi giống như anh ta. Mặc dù khả năng uống rượu đế của tác giả không thể nào sánh được với một tay giang hồ cộm cán như Mạnh.

Vụ tạt axít ca sĩ Cẩm Nhung: Khóc thương cho phận

Khu vực chợ cá Cầu Ông Lãnh.

Tuy vậy, khi nghe tác giả đánh trốc một cái cạn ly rượu thì Mạnh kích động thốt lên với giọng vẫn chưa ráo nước mắt.

“Đây là những giọt nước mắt đầu tiên và cũng là những giọt cuối cùng của tôi. Mặc dù là thằng giang hồ bị đời lên án lâu nay, nhưng tôi vẫn tự hào mình là thằng giang hồ còn biết liêm sỉ! Anh là ký giả, tức là người khác giới với tôi, hiểu biết hơn tôi, vậy mà chấp nhận cuộc hẹn với tôi rồi lại còn uống với tôi ly rượu như thế này nữa, vậy thì tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi nghĩ rằng đời giang hồ của mình trước khi chấm dứt ít ra vẫn còn cảm nhận được đời mình vẫn chưa đến nỗi bỏ đi…”.

Thấy anh ta cứ nói lòng vòng mãi mà chưa vô chủ đề chính, nên dẫu đang bị mùi thơm của cái đầu cá lóc hấp lôi cuốn, quyến rũ nhưng tác giả vẫn chưa động đũa. Bất ngờ Mạnh đi thẳng vào đề: “Những điều tôi nói với anh hôm trước có liên quan tới vũ nữ Cẩm Nhung, đến hôm nay anh còn có muốn nghe nữa không. Nếu muốn thì trước khi uống nốt ly rượu thứ ba tôi sẽ nói cho anh nghe”.

Dĩ nhiên là tác giả rất muốn nghe điều đó. Bởi từ khi xảy ra vụ đại án gây chấn động cả Sài Gòn, thì không ngày nào tác giả không muốn lục tung hết mọi ngõ ngách, mọi đầu dây mối nhợ để mong muốn tìm được dấu vết gì đó của câu chuyện đầy thương tâm và nước mắt liên quan tới cô vũ nữ xinh đẹp này.

Tác giả nhanh nhẹn gật đầu giọng nghiêm túc: “Nếu anh vẫn còn coi tôi là bạn, thì tôi muốn được nghe chính miệng anh kể câu chuyện đó. Bởi tôi nghĩ rằng, anh là người có đủ tư cách để cho tôi biết thêm những gì mà mấy tháng nay dư luận và báo chí Sài Gòn đã bàn tán nát nước hết, nhưng vẫn có vài điều còn là nghi vấn, bí ẩn…”.

Mạnh cầm đôi đũa của tác giả gắp một miếng cá hấp lớn cho vào chén rồi nói: “Trong con cá lóc, cái đầu với bộ ruột đính kèm theo là phần ngon nhất phải không anh? Hôm nay, tôi mời anh đúng cái phần ngon này để cho anh thấy, mặc dầu đã được đánh vảy, chặt tỉa gọn gang, nhưng nó vẫn còn toát lên nguyên vẹn vẻ đẹp và hấp dẫn của con cá lóc đồng, đúng không?”.

Bất ngờ nghe anh chàng triết lý, tác giả bật cười khan, rồi gật đầu đáp: “Anh nói hoàn toàn đúng, phần này đúng là phần ngon nhất của con cá và cũng là phần đẹp nhất nữa. Đặc biệt là hai cái má trắng phau cũng như cái trùm ruột dính theo mà anh vừa gắp cho tôi, thì đúng không có phần nào khác trong cơ thể nó so sánh bằng!”.

Rồi thật bất ngờ giọng của Mạnh khan đặc nhưng đầy chua chát nói một câu khiến tác giả kinh ngạc: “Vậy mà họ đã đang tâm hủy hoại nó một cách không thương tiếc. Anh hiểu ý tôi nói gì không vậy?”.

Lần đầu tiên, nghe anh chàng giang hồ hỏi mắc, tác giả kinh ngạc, giương mắt nhìn anh ta chưa kịp hỏi thì Mạnh đã chuẩn bị câu trả lời, vụt nói ngay: “Tôi muốn kể cho anh nghe chuyện người ta chuẩn bị để hủy hoại cái phần đẹp nhất trên cơ thể một sinh vật như thế nào. Khuôn mặc với đôi má căng tròn, hồng phấn, cặp mắt long lanh, đôi môi hình trái đào quyến rũ mà tôi vừa mạn phép tả kia chính là khuôn mặt của người con gái mang tên Cẩm Nhung”.

(Còn nữa...)

Nhà văn H.T.Đ.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ