“Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”
Ngày 30/10, lực lượng chức năng bước sang ngày thứ 2 trong việc tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích ở vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Sáng cùng ngày, thời tiết tại huyện Nam Trà My bắt đầu mưa lất phất, chúng tôi quay trở lại thôn 1, xã Trà Leng. Ngay trong đêm 29/10, lực lượng chức năng đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện để tiến hành dọn dẹp các khu vực bị sạt lở, tuyến đường dẫn vào hiện trường vụ sạt lở giờ đã được thông tuyến.
Bên trong hiện trường, gần 500 cán bộ chiến sĩ quân đội, công an và người dân đang khẩn trương tổ chức tìm kiếm những nạn nhân còn đang bị mất tích.
Ngồi gần khu vực tìm kiếm, là nhiều người thân và gia đình của các nạn nhân bị mất tích. Ánh mắt họ hướng về nơi lực lượng chức năng đang đào bới những lớp đất đá, những khuôn mặt thất thần, những ánh mắt vô của những người thân nạn nhân, họ vẫn chưa thể tin rằng, chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn, những người thân thương của họ đã vĩnh viễn ra đi sau một trận sạt lở khủng khiếp.
Gục bên ngôi mộ của đứa con rể vừa tìm thấy chiều 29/10, ông Hồ Văn Đề (77 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Leng) dường như vẫn chưa tin rằng, 8 người của gia đình ông đã mất tích chỉ sau một “cơn thịnh nộ” của trời đất.
Chỉ tay về ngôi nhà, nơi giờ đây chỉ còn lại lớp đất đá nhão nhoẹt, ông Đề cho hay, lúc ông lên nương làm rẫy thì cũng là lúc cơn lũ ập đến. Ông Đề không hề hay biết gì. Đến khi trở về nhà chỉ thấy người dân hốt hoảng bỏ chạy thông báo vụ sạt lở đã chôn vùi hết tất cả 11 hộ gia đình trong thôn có cả gia đình ông.
“Thời điểm xảy ra, bố còn đang trên rẫy. Trời những hôm đó mưa lớn, bố đã dặn dò các con phải giải tán, đi làm trại trên đồi mà trú bão nhưng tụi nói không nghe. Chết hết rồi, con của bố đã chết hết rồi con ơi. 8 người trong gia đình bố đã bỏ bố mà đi hết rồi. Giờ mới tìm được 2 người. Còn con, cháu bố vẫn chưa tìm thấy được. Ôi trời ơi”, ông Đề khóc.
Chị Hồ Thị Hoà (trú thôn 1, xã Trà Leng) lại gào khóc nức nở. Từ sáng đến giờ, chị Hòa như người vô hồn, luôn miệng nói: “Mẹ mua sữa về rồi nè, con ở đâu rồi”. Khiến những ai chứng kiến cũng không kiềm được nước mắt.
Chị Hoà cho biết, trong số những người còn lại tại thôn 1, xã Trà Leng có gia đình chị, gồm: cha mẹ, em gái 6 tuổi và đứa con trai 4 tuổi của mình.
“Em đang đi làm tại TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) thì nhận được tin cả gia đình mình bị sạt lở núi vùi lấp. Em cứ hi vọng mọi người nhà em đều bình an. Rồi lấy xe chạy về quê. Nhưng khi còn cách ngôi làng em sinh sống khoảng gần 16km nữa thì gặp điểm sạt lở nên không thể di chuyển được nữa.
Em lo quá nên bỏ xe lại đi bộ vượt qua các điểm sạt lở để về nhà. Nhưng đến nhà, em thật sự quá đau lòng và vẫn không thể tin những gì trước mắt em là sự thật. Bây giờ em chỉ cầu mong sớm tìm được những người thân còn lại của mình đang bị mất tích", chị Hoà trào nước mắt.
Trong số những nạn nhân còn mất tích, có anh Lê Hoàng Việt – Bí thư xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Vừa cầm nén hương đi cắm xung quanh hiện trường vụ sạt lở, chị Lê Thị Duyên (trú huyện Bắc Trà Mỹ, Quảng Nam) cho hay, thấy mưa lớn, anh Việt gọi điện thông báo cho người dân di chuyển đến những nơi an toàn để trú bão. Không an tâm anh còn gõ cửa từng nhà để nhắc nhở bà con.
“Chiều hôm 27/10, anh điện cho tôi khuyên tôi nghỉ làm để về nhà tránh bão, đi ngoài đường nguy hiểm. Sau khi bão tan, rạng sáng 29/10, bạn bè tôi gọi hỏi thăm nhà cửa có bị thiệt hại gì không, tôi vẫn đinh ninh cả gia đình không sao nhưng có ai ngờ. Nghe tin sạt lở, tôi cùng chồng tức tốc chạy lên nhà anh Việt xem sao, nhưng đường đi bị sạt lở không vào được. Mãi đến chiều cùng ngày, sau nhiều giờ đi bộ tôi mới vào được hiện trường, nhưng anh trai đã không còn. Xót xa quá”, chị Duyên khóc than.
Đào bới nhẹ nhàng, vì dưới lớp đất đá là người dân
2 ngày qua, hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an đang khẩn trương dọn dẹp và đào bới lớp đất đá để tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích. Không khí làm việc của cán chiến sĩ hết sức khẩn trương. Nhiều chiến sĩ bộ đội công binh phải dùng tay không cào những lớp đất nhão nhoẹt, bê những cục đá to để sang một bên để bắt đầu tìm nạn nhân.
Trao đổi với chúng tôi, chiến sĩ Trần Minh Hiếu một trong hàng trăm chiến sĩ đang tìm kiếm các nạn nhân cho biết, khi tìm thấy thi thể một người dân bị vùi lấp, nhiều chiến sĩ chúng tôi rất buồn và đau xót khi thấy người dân mình bị như vậy. Nhưng vì nhiệm vụ nên phải kiềm nén cảm xúc của mình để sớm đưa nạn nhân lên.
“Sau khi phát hiện được địa điểm nghi vấn có nạn nhân bị vùi bên dưới, chúng tôi dùng tay không để từ từ khiêng những cục đá cũng như cào những lớp đất nhão nhoẹt ấy sang một bên. Chúng tôi phải dùng tay không đào bới nhẹ nhàng, vì ở dưới lớp đất ấy là người dân, là đồng bào mình không may nằm lại dưới đó”, chiến sĩ Hiếu rưng rưng nước mắt.
Có mặt tại hiện trường, chỉ đạo lực lượng bộ đội tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến – Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho hay, công tác tìm kiếm các nạn nhân đang được tổ chức hết sức khẩn trương. Ngoài ra, lực lượng trang bị máy phát điện và lắp bóng đèn xung quanh để phục vụ cho việc tìm kiếm các nạn nhân vào ban đêm.
“Hiện có khoảng 500 cán bộ chiến sĩ tham gia tìm kiếm gồm các lực lượng như: Công binh, thông tin, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Bộ chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, huyện Bắc Trà My cùng cán bộ chiến sĩ công an, dân quân tự vệ và người dân. Với quyết tâm cố gắng tìm hết những nạn nhân còn lại”, Thiếu tướng Tiến thông tin.
Thiếu tướng Tiến cho hay, hiện lực lượng công binh đã đem máy cắt bê tông để nhanh chóng cắt dọn những mảng bê tông lớn, nhằm phục vụ việc tìm kiếm. Ngoài ra, lực lượng bộ đội cũng cho bay flycam ở khu vực lòng hồ để tìm kiếm nạn nhân. Lực lượng đang đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.