Vụ sạt lở đất ở Trà Leng: Nghẹn ngào lời kể của những người thoát nạn

GD&TĐ - Sau tiếng nổ lớn, khối đất đá khổng lồ kèm cây cối đã ào ạt đổ xuống và vùi lấp cả ngôi làng ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Đường vào thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Đường vào thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Nhà cửa bị chìm trong lớp đất đá, hàng chục người mất tích và nhiều người khác bị thương. Khung cảnh hết sức hoang tàn và bi thương.

Vùi lấp cả ngôi làng sau chỉ vài phút

Ngày 29/10, sau hơn 1 ngày xảy ra vụ sạt lở đất làm hàng chục người mất tích ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi vượt hàng trăm cây số từ TP Đà Nẵng vào để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.

Để đến được với thôn 1, xã Trà Leng, chúng tôi vượt qua nhiều điểm sạt lở trên đường đi QL40B. Con đường duy nhất dẫn đến huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại đây, những phương tiện cơ giới được huy động khẩn trương đến hiện trường để dọn dẹp, khơi thông tuyến đường để lực lượng chức năng vào tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích và đưa những nạn nhân bị thương ra ngoài đi cấp cứu.

Chúng tôi có mặt tại đầu đường dẫn vào xã Trà Leng, tại đây khối đất đá lớn đã đổ xuống, chèn ngang đường, buộc chúng tôi phải để xe đi bộ gần 10km trong hơn 1 giờ đồng hồ mới có thể tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở.

Dọc đường đi, chúng bắt gặp những thanh niên trong xã Trà Leng đang sử dụng võng để khiêng những người bị thương ra cấp cứu. Họ đi nhanh để sớm đưa những người bị thương đi cấp cứu một cách nhanh nhất có thể.

Cảnh tượng hoang tàn, hàng chục ngàn khối đất đá đã chôn vùi tất cả mọi thứ. Tiếng khóc thương và mùi hương khói nghi ngút. Phía dưới, lực lượng chức năng đang khẩn trương đào bới những khối đất đá để tìm kiếm người bị mất tích.

Chị Hồ Thị Diều (trú thôn 1, xã Trà Leng) cho biết, ngày 28/10 chị cùng con trai của mình đang trú bão tại nhà anh Sơn (hàng xóm).

“Lúc này trong nhà anh Sơn có khoảng 10 người. Sau đó tôi nghe tiếng nổ lớn, khoảng hơn 1 phút sau, đất đá bất ngờ đổ ào ào xuống nhà. Ngôi nhà bị sập, con trai tôi bị miếng ván đè lên đầu. Tôi lấy tay đỡ miếng ván ra khỏi đầu con trai tôi rồi hai mẹ con kéo nhau chạy thật nhanh. Lúc đó chị tôi và đứa cháu cũng chạy thoát kịp”, chị Diều nhớ lại.

Ngồi thẩn thờ nhìn về phía ngôi nhà giờ đây chỉ còn là đống đất đá, bà Hồ Thị Chín cho biết, lúc đó chỉ nghe tiếng nổ lớn đất đá đổ xuống rất nhanh.

“Chỉ biết chạy thôi, không biết làm được gì cả. Giờ đây mất hết cả rồi. Nhà cửa, tài sản chừ không còn chi nữa”, bà Chín nói.

Đưa người em của mình là Hồ Viết Mười (38 tuổi) bị tử vong sau trận sạt lở đất về quê an táng, anh Hồ Tấn Cường cho biết, em trai của anh làm nghề lái xe và trú tại thôn 2, xã Trà Leng.

“Vào sáng 28/10, Mười nó đi chở củi cho người dân bên thôn 1. Đến đây thì bị mưa gió nên chưa về được. Khoảng 13 giờ trưa 28/10, mưa lớn khiến đất đá bị sạt lở, Mười nó đang trú ẩn trong nhà người dân nên bị vùi lấp luôn. Tôi nghe kể lại, mưa to lắm, sạt lở nhanh, chỉ trong 1 phút mà cả ngôi làng bị vùi lấp rồi. Nghe tin bị sạt lở nên cùng các anh em trong xóm xuống tìm kiếm. Tìm đến 11 giờ đêm không có kết quả. Sáng sớm nay tôi quay lại tìm thì em nó đã mất rồi. Thương quá, em nó mất đi bỏ lại 2 đứa con nhỏ. Xót xa quá”, anh Cường bật khóc.

Cảnh tượng hoang tàn

Vừa đưa người dân bị thương ra xe đi cấp cứu, anh Nguyễn Trọng Tấn (SN 1987, trú thôn 2, xã Trà Leng) cho hay, sáng 29/10, anh cùng hàng chục thanh niên trong làng khiêng 5 người bị thương trong vụ sạt lở đất đi ra cấp cứu.

“Nghe tin sạt lở, tôi cùng nhiều thanh niên trong làng lao ra tìm kiếm và cứu người dân. Cảnh tượng khủng khiếp lắm. Chúng tôi chia nhau tìm kiếm những người bị mất tích và cứu những người bị thương. Sau đó bộ đội và công an đến hỗ trợ tìm rồi đưa người đi cấp cứu. Chúng tôi cố gắng làm nhanh nhất có thể, nhưng khối đất đá nhiều và nhão nhoẹt nên mất rất nhiều sức”, anh Tấn nhớ lại.

Anh Nguyễn Ngọc Tín cho hay, người dân đổ xô đi tìm người bị mất tích nhưng khó khăn lắm, cây to và đá lớn đổ xuống rất nhiều. Cảnh tượng hoang tàn và thật là khủng khiếp lắm.  

Trời chập choạng tối, lực lượng chức năng vẫn khẩn trương sử dụng phương tiện cơ giới dỡ những cây gỗ cùng với lớp đất đá, để lực lượng bộ đội tiến hành đào tìm kiếm những nạn còn đang bị mất tích. Bên ngoài, lực lượng bộ đội nhanh chóng hành quân vào bên trong mỗi lúc một nhiều hơn để sớm tìm kiếm các nạn nhân còn lại.

Cầm trên tay túi áo quần, chị Hồ Thị Diều cùng đứa con trai của mình cho biết, giờ nhà cửa đã mất hết không biết ở đâu. Hàng xóm thương tình nên cho mẹ con chị tá túc tạm.

Thắp cho những người xấu số một nén hương, chúng tôi vội đi bộ ra lại nơi tập kết để lấy xe chạy về trung tâm huyện Bắc Trà My (nơi được lực lượng chức năng đặt làm Sở chỉ huy tiền phương). Trời nhá nhem tối, các bộ đội vẫn khẩn trương đào bới tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Tiếng khóc thương của những người thân có nạn nhân bị mất tích như phá vỡ không gian yên ắng của miền quê nghèo. Thật đau xót!

Cõng người bị thương đi cấp cứu.
Cõng người bị thương đi cấp cứu.
Cảnh tượng hoang tàn.
Cảnh tượng hoang tàn.
Những cây to bị đất cuốn nhà người dân.
Những cây to bị đất cuốn nhà người dân.
Những ngôi nhà dân bị đá và đất vùi lấp.
Những ngôi nhà dân bị đá và đất vùi lấp.
Bà Hồ Thị Chín thẩn thờ nhìn về phía ngôi nhà bị đất đá vùi lấp sau vụ sạt lở.
Bà Hồ Thị Chín thẩn thờ nhìn về phía ngôi nhà bị đất đá vùi lấp sau vụ sạt lở.
Chị Hồ Thị Diều (áo đỏ nhạt) nhớ lại vụ việc.
Chị Hồ Thị Diều (áo đỏ nhạt) nhớ lại vụ việc.
Đứa con trai chị Diều may mắn thoát nạn trong vụ sạt lở.
Đứa con trai chị Diều may mắn thoát nạn trong vụ sạt lở.
Chị Diều cầm túi áo quần của mình đi qua nhà hàng xóm tá túc
Chị Diều cầm túi áo quần của mình đi qua nhà hàng xóm tá túc
Bộ đội tiếp tục hành quân vào bên trong hiện trường để tìm kiếm người dân đang bị mất tích.
Bộ đội tiếp tục hành quân vào bên trong hiện trường để tìm kiếm người dân đang bị mất tích. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.