Những mảnh vỡ của máy bay MH17 còn sót lại tại hiện trường thảm kịch
Tờ báo Komsomolskaya Pravda của Nga mới đây đưa tin, một "nhân chứng bí mật" đã tiết lộ rằng, phi công của chiến đấu cơ Su-25 của Không quân Ukraine có liên quan tới thảm kịch MH17 bị rơi ở Donetsk, Đông Ukraine ngày 17.7.
"Nhân chứng" này tuyên bố, một chiếc Su-25 cất cánh từ Dnepropetrovsk Su-25 đã trở về căn cứ trong tình trạng "mất" tên lửa không đối không vào thời điểm MH17 bị rơi.
Theo nhân chứng, viên phi công Su-25 đã sử dụng tên lửa không đối không bắn rơi chiếc Boeing-777 đang chở theo 298 người của Malaysia và không loại trừ khả năng phi công Su-25 đã nhầm Boeing-777 là máy bay quân sự.
"Nhân chứng" cũng khẳng định rằng, ông ta có mặt tại căn cứ không quân ở Dnepropetrovsk tại thời điểm đó và chứng kiến vẻ mặt kinh hãi của viên phi công Su-25 sau thảm kịch. Đặc biệt, "nhân chứng" này tiết lộ, danh tính của viên phi công là Capt Voloshyn.
Thời điểm đó, Ủy ban Điều tra Nga (IC) đã tuyên bố mở cuộc điều tra về thông tin mà tờKomsomolskaya Pravda đăng tải. Phát ngôn viên của Ủy ban, ông Vladimir Markin hôm qua vừa tuyên bố với báo giới rằng, các nhà điều tra Nga gặp và tiến hành một bài kiểm tra nói dối đối với "nhân chứng này".
"Đây không phải là bằng chứng duy nhất, nhưng là bằng chứng rất quan trọng chứng minh rằng, quân đội Ukraine có liên quan đến vụ tai nạn máy bay Boeing-777 của Malaysia Airlines", hãng Interfax dẫn lời ông tin Markin cho biết.
Phát ngôn viên IC cũng khẳng định, "nhân chứng" trên hiện nằm trong chương trình bảo vệ nhân chứng của Nga để tránh tình huống ông có thể gặp nguy hiểm.
Một người đạp xe đạp qua cánh đồng nơi MH17 bị rơi tại Donestk, Đông Ukraine.
Ngoài ra, theo ông Markin, IC sẵn sàng chia sẻ các bằng chứng liên quan đến vụ tai nạn MH17 với các điều tra viên quốc tế.
"Ủy ban điều tra sẽ tiếp tục thu thập và phân tích chứng cứ liên quan đến thảm kịch MH17. Nếu các chuyên gia quốc tế tham gia vào cuộc điều tra thực sự muốn tìm ra sự thật và liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ tất cả các bằng chứng chúng tôi có", ông Markin nhấn mạnh.
Về phần mình, phía Ukraine đã lên tiếng bác bỏ tất cả những tuyên bố của "nhân chứng mới" và khẳng định, đó là những lời dối trá.
Trước đó, vào hồi tháng 7, quân đội Nga cũng cho biết, họ đã phát hiện một chiến đấu cơ su-25 của Ukraine bay gần máy bay MH17 của Malaysia.
"Một máy bay quân sự của Không quân Ukraine bị phát hiện bay cách chiếc Boeing-777 của Malaysia khoảng 3 km đến 5km", Trung tướng Không quân Nga Andrey Kartopolov tuyên bố.
Ông Kartopolov cho biết thêm rằng, sự hiện diện của máy bay quân sự Ukraine gần máy bay chở khách của Malaysia có thể được xác nhận bởi các video mà trung tâm giám sát Rostov ghi lại được.
Chiếc Boeing-777 mang số hiệu MH17 của Ukraine bị rơi vào ngày 17.7 tại Donetsk, Đông Ukraine - khu vực đang diễn ra chiến sự ác liệt giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai địa phương. Toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng. Các nạn nhân đến từ 10 quốc gia, trong đó hầu hết là công dân Hà Lan (193 người).
Ban An toàn Hà Lan đang chỉ đạo một cuộc điều tra quốc tế về thảm kịch này. Người đứng đầu cuộc điều tra, ông Fred Westerbeke cuối tuần trước tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng, đang có "rất nhiều dấu hiệu" cho thấy, MH17 đã bị bắn rơi bởi tổ hợp tên lửa Buk. Tuy nhiên, theo ông Westerbeke, mọi khả năng đang được xem xét bao gồm giả thuyết MH17 bị máy bay quân sự bắn hạ.
Hiện những mảnh vỡ còn sót lại của MH17 đã được chuyển tới căn cứ không quân Gilze-Rijen ở Hà Lan để phục vụ công tác điều tra. Cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào giữa năm 2015.