Vụ mất tích bí ẩn của 'ông trùm tơ lụa'

GD&TĐ - Lụa Thái Lan nổi tiếng về chất lượng, màu sắc đẹp, cùng sự khéo léo của những nghệ nhân xứ Chùa vàng.

Jim Thompson có công giúp hồi sinh ngành tơ lụa Thái Lan.
Jim Thompson có công giúp hồi sinh ngành tơ lụa Thái Lan.

Sự phổ biến của mặt hàng này phần lớn bắt nguồn từ thành công của một doanh nhân người Mỹ. Tuy nhiên, khi đang trên đỉnh của sự thành công, ông trùm tơ lụa này bỗng biến mất một cách bí ẩn. Cho đến nay, không ai thực sự biết chuyện gì đã xảy ra với ông ta.

Từ nhân viên tình báo

Jim Thompson là kiến trúc sư, điệp viên, nhà sưu tầm đồ cổ và doanh nhân ngành tơ lụa thành đạt. Vào những năm 1950, công ty có trụ sở ở Thái Lan của ông đã thành công vượt bậc, nổi tiếng trong giới kinh doanh thế giới.

Ông sinh năm 1906 ở Greenville (bang Delaware, Mỹ), có cha là nhà sản xuất hàng dệt may giàu có và mẹ là con gái của một vị tướng nổi tiếng của Liên minh trong nội chiến Hoa Kỳ. Lớn lên, ông tiếp bước truyền thống từ cả hai bên gia đình.

Thompson học phổ thông tại Trường Trung học St. Paul ở Concord, New Hampshire, sau đó học ĐH Princeton và tốt nghiệp năm 1928. Cũng năm này, ông đại diện cho Hoa Kỳ tại Thế vận hội mùa Hè Amsterdam (Hà Lan), tranh tài ở nội dung chèo thuyền. Sau đó, Thompson theo học sau đại học tại Trường Kiến trúc, thuộc ĐH Pennsylvania nhưng bỏ dở vì phát hiện ra mình không giỏi tính toán.

Dù dở dang chương trình cao học nhưng ông vẫn được tuyển làm kiến trúc sư cho Công ty Holden, McLaughlin & Associates ở New York và làm việc tại đó từ năm 1931 - 1940. Năm 1941, ông chuyển hướng, xin nhập ngũ vào Lực lượng Vệ binh quốc gia Delaware. Khi phục vụ tại Căn cứ Monroe, Virginia, Thompson gặp Thiếu úy Edwin Fahey Black, người thuyết phục ông gia nhập Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của CIA.

Thompson đã phục vụ OSS trong suốt Thế chiến 2. Đầu tiên, ông làm việc với Lực lượng Kháng chiến của Pháp ở Bắc Phi, trước khi được cử đến châu Âu.

Sau khi Đức Quốc xã sụp đổ, ông được chuyển đến Ceylon (Sri Lanka ngày nay), sử dụng kinh nghiệm của mình giúp Phong trào Thái Lan Tự do thân thiện với Đồng minh (Seri Thai) giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản.

Tuy nhiên, trước khi ông thực sự bắt tay vào làm việc, Nhật Bản đã đầu hàng, chính thức kết thúc chiến tranh. Ông đến Thái Lan và được giao nhiệm vụ thành lập văn phòng OSS ở Bangkok, rồi sau đó được cử làm tùy viên quân sự tại Công sứ quán Hoa Kỳ.

Trong thời gian phục vụ, ông có mối quan hệ rất tốt với người Thái Lan và yêu thích đất nước xinh đẹp này.

Đến doanh nhân ngành tơ lụa

Năm 1946, Thompson trở về Mỹ xin xuất ngũ để cùng một nhóm nhà đầu tư mua khách sạn The Oriental ở Bangkok kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, kế hoạch này không suôn sẻ khi Thompson nhận thấy mình không hòa hợp với những cộng sự và quyết định rút cổ phần khỏi công ty.

Hai năm sau khi rời quân ngũ, Thompson hợp tác với George Barrie thành lập Công ty TNHH Tơ lụa Thái Lan. Mỗi người sở hữu 18% và 64% còn lại được bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vào những năm 1950 và 1960, Thompson trở thành nhân vật chủ chốt giúp hồi sinh ngành tơ lụa Thái. Nhận thức được tiềm năng kinh tế và ý nghĩa văn hóa của mặt hàng này, ông đã làm việc không mệt mỏi để nâng cao vị thế của nó trên thế giới. Ông đã đưa những kỹ thuật tiên tiến và phương pháp hiện đại vào sản xuất, đảm bảo lụa Thái đồng nghĩa với chất lượng cao, mang đậm truyền thống châu Á.

Vào năm 1951, Irene Sharaff, nhà thiết kế trang phục phim nổi tiếng người Mỹ, từng đoạt 5 giải Oscar, đã sử dụng lụa Thái trong khi thực hiện vở nhạc kịch thành công vang dội The King and I. Sự kiện này khiến công ty của ông thu hút sự chú ý từ các nhà thiết kế thời trang, nhân vật nổi tiếng và những người tạo phong cách trên khắp thế giới.

Jim Thompson (1906 - 1967).

Jim Thompson (1906 - 1967).

Mất tích bí ẩn

Mọi chuyện đang trên đà thuận lợi thì một biến cố xảy đến với Thompson. Vào năm 1967, khi đang đi nghỉ ở Cao nguyên Cameron của Malaysia, ông biến mất một cách bí ẩn. Cuộc tìm kiếm kéo dài 11 ngày căng thẳng với hơn 500 cảnh sát địa phương và các nhà thần bí nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết nào của Jim Thompson.

Sự mất tích của một nhân vật quan trọng như Thompson đã dẫn đến nhiều đồn đoán trên báo chí. Giả thuyết đầu tiên được đưa ra là ông đã bị các băng nhóm ở Malaysia bắt cóc tống tiền. Tuy nhiên, không có thông tin nào về tiền chuộc xuất hiện.

Suy đoán tiếp theo là Thompson đã bị sát hại. Ông từng làm gián điệp trong chiến tranh, có thể kẻ thù cũ đã lần tìm được dấu vết của ông. Cũng có một số người in rằng Thompson tự biến mất vì không còn hứng thú với thành công trong ngành tơ lụa. Có thể ông tình nguyện làm công việc tuyệt mật nào đó cho CIA.

Giả thuyết cuối cùng được xem hợp lý hơn cả: Ông bị các đối thủ trong kinh doanh loại trừ. Bởi vì việc kinh doanh thành công cũng tạo chung quanh ông không ít người ganh ghét.

Thời gian trôi qua không làm giảm đi sự quan tâm về số phận của Jim Thompson. Đã có nhiều cuộc điều tra trong những năm qua, mà chuyên sâu nhất là báo cáo dài 500 trang được công bố vào năm 2015, cho thấy câu trả lời đơn giản nhất, có khả năng xảy ra nhất: Thompson bị lạc, gặp tai nạn và qua đời. Vụ án từ đó chính thức khép lại.

Những người thân thiết với Jim Thompson không bao giờ từ bỏ hy vọng về một phép màu trong vụ mất tích của ông. Họ nhất trí rằng, Thompson đã chọn cách biến mất để bắt đầu một cuộc sống mới ở một nơi nào đó. Với kỹ năng tình báo của mình, nếu muốn tàng hình, ông ta vẫn có thể làm được.

Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.