Vụ mất tích 87 năm được giải mã?

GD&TĐ - Vụ mất tích của Amelia Earhart, nữ phi công đầu tiên của thế giới lập nhiều kỷ lục phi hành, đã được giới truyền thông xếp vào hàng bí ẩn số 1.

Amelia Earhart trước khi mất tích trong chuyến bay qua Thái Bình Dương ngày 2/7/1937.
Amelia Earhart trước khi mất tích trong chuyến bay qua Thái Bình Dương ngày 2/7/1937.

Nhiều tổ chức, cá nhân đã bỏ công sức tìm nguyên nhân nhưng đều không lần ra manh mối gì. Mới đây, một công ty thám hiểm cho biết đã phát hiện vật thể nghi là chiếc máy bay của Amelia Earhart nằm sâu dưới đại dương. Liệu bí ẩn gần 9 thập niên qua đã được giải mã?

Nữ phi công lập nhiều kỷ lục

Amelia Mary Earhart sinh ngày 24/7/1897 ở Atchison (bang Kansas, Mỹ). Năm 1917, ở tuổi hai mươi, bà theo học một khóa y tá tại Toronto (Canada) và tình nguyện phục vụ trong một quân y viện, cho đến khi Thế chiến thứ Nhất (1914 - 1918) chấm dứt.

Một ngày nọ, khi cùng cha tham dự một hội nghị hàng không tại Daugherty Field thuộc thành phố Long Beach (bang California), bà bắt đầu hứng thú với nghề bay. Tháng 7/1921, Amelia mua một chiếc máy bay của hãng Kinner Airplane & Motor Corp., đặt tên là The Canary và bắt đầu “đi mây về gió”.

Ngày 27/4/1926, cuộc đời Amelia rẽ sang một khúc quanh mới. Phi công trưởng H.H. Railey gọi điện thoại hỏi bà “có muốn làm người phụ nữ đầu tiên bay qua Đại Tây Dương không?”. Bà lập tức nhận lời dù chỉ với tư cách hành khách. Tuy không trực tiếp lái máy bay, nhưng Amelia với tư cách chỉ huy, là người được báo chí vinh danh nhiều hơn cả.

Tháng 9/1928, một mình Amelia lái máy bay từ Đại Tây Dương đến bờ Thái Bình Dương tham dự cuộc thi hàng không quốc gia. Năm 1930, bà phá nhiều kỷ lục bay của phái nữ bằng chiếc máy bay Lockheed Vega của mình.

Sau đó Amelia tiếp tục lập nhiều kỷ lục: Người phụ nữ đầu tiên một mình bay xuyên Đại Tây Dương, người phụ nữ bay một chuyến không ngừng dài nhất, nữ phi công bay qua Đại Tây Dương trong thời gian ngắn nhất…

Ngày 1/6/1937, sau những chuẩn bị kỹ lưỡng, Amelia cùng hoa tiêu Fred Noonan khởi hành từ Miami (Florida). Nơi đầu tiên họ đến là San Juan, Puerto Rico, từ đó, sẽ bay theo bờ Đông Bắc của Nam Mỹ để đến châu Phi và Biển Đỏ.

Ngày 29/6, Amelia đến Lae ở New Guinea, tính ra đã bay được 22 ngàn dặm và chỉ còn 7 ngàn dặm qua Thái Bình Dương. Bà rời Lae đúng vào lúc 0 giờ, giờ GMT ngày 2/7/1937, chiếc Electra mang theo gần 3.800 lít xăng, đủ để bay khoảng 20 - 21 giờ.

Tám giờ GMT ngày hôm đó, trạm hàng không ở Lae nhận được cuộc liên lạc vô tuyến cuối cùng từ Amelia Earhart. Đến 20 giờ 14 phút giờ GMT, trạm Itasca (bang Illinois, Mỹ) vẫn còn nghe được tiếng nói của Amelia báo tin về vị trí của bà. Nhưng đến 21 giờ 30 phút giờ GMT thì mọi liên lạc mất hẳn.

vu mat tich 87 nam duoc giai ma (2).jpg
Nhóm tìm kiếm của Công ty Deep Sea Vision tại địa điểm thám hiểm và hình ảnh chiếc máy bay được phát hiện.

Dấu vết dưới đáy đại dương

Nhiều giả thuyết về sự mất tích của Earhart đã cố gắng giải thích điều gì đã xảy ra với nữ phi công này, nhưng từ đó đến nay, tất cả đều chìm trong màn bí ẩn.

Mới đây, báo cáo từ một nhóm các nhà thám hiểm thuộc Công ty thám hiểm đại dương Deep Sea Vision, trụ sở tại Charleston, Nam Carolina có thể cung cấp manh mối về sự mất tích bí ẩn này.

Qua tìm kiếm trên diện rộng bằng kỹ thuật sonar, họ đã có được những hình ảnh cho thấy một vật thể hình máy bay nằm ở độ sâu 5.000m ở đáy Thái Bình Dương. “Đây có lẽ là điều thú vị nhất mà tôi từng làm trong đời”, Tony Romeo, phi công và cựu sĩ quan tình báo Không quân Hoa Kỳ tài trợ cho cuộc tìm kiếm, nói với tờ The Wall Street Journal.

Đây không phải là chuyến thám hiểm đầu tiên nhằm tìm kiếm Earhart hoặc máy bay của bà, nhưng những nỗ lực trước đây đều kết thúc trong thất bại.

Lần này, Romeo và hai người anh em của ông có thứ mà những người tìm kiếm khác không có: Kinh nghiệm bay. Họ đã kiểm tra các hồ sơ lịch sử và tin nhắn vô tuyến để ước tính hành trình chuyến bay của Earhart. Sau đó, dựa trên các tính toán, họ vạch ra một khu vực tìm kiếm để xác định vị trí có nhiều khả năng xảy ra nhất vụ tai nạn máy bay của Earhart.

Tất nhiên, nỗ lực này không hề rẻ. Để tài trợ cho chuyến thám hiểm, Romeo đã bán toàn bộ bất động sản thương mại của mình vào năm 2021 và chi tổng cộng 11 triệu USD để mua thiết bị công nghệ cao giúp cuộc tìm kiếm hiệu quả hơn.

Vào tháng 9 năm 2023, Romeo và thủy thủ gồm 16 người đã lên một tàu nghiên cứu, bắt đầu dò tìm từ vùng biển gần Tarawa, Kiribati. Họ đã điều khiển một thiết bị bay không người lái HUGIN dưới nước do Kongsberg, một công ty Na Uy, sản xuất, để scan đáy đại dương trong phạm vi khoảng 13.000 km vuông.

Sau ba mươi ngày, thiết bị bay không người lái đã chụp được những hình ảnh sonar mờ đầu tiên về một vật thể trông giống như máy bay. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn chưa khẳng định đây có phải là máy bay của Earhart hay không.

Richard Gillespie, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tổ chức quốc tế về phục hồi máy bay lịch sử (TIGHAR), cũng là tác giả của một số quyển sách về vụ mất tích của Earhart, cho rằng: “Không thể nào đó là máy bay của Earhart được.

Hình ảnh cho thấy một chiếc máy bay có cánh xuôi về phía sau, trong khi máy bay của Earhart có cánh thẳng, về mặt vật lý, cánh không thể gập lại như vậy ngay cả khi bị rơi. Chiếc máy bay trong hình ảnh (nếu thực sự là máy bay) trông rất giống máy bay chiến đấu thời kỳ những năm 1950 từng bị mất trong các vụ tai nạn”.

Những nhận định của Gillespie làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu nhóm Deep Sea Vision có thực sự phát hiện ra chiếc máy bay mất tích của Amelia Earhart hay không. Có lẽ bí ẩn này cần phải có thêm thời gian để giải mã.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ