Vụ mất 11 tỉ đồng trong tài khoản: Ngân hàng nói gì?

Khách hàng bị sốc khi hàng chục tỉ đồng bỗng dưng biến mất khỏi tài khoản.

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân, đang làm việc với phóng viên báo Pháp Luật TPHCM. Ảnh: N.Dũng
Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân, đang làm việc với phóng viên báo Pháp Luật TPHCM. Ảnh: N.Dũng

Nỗi lo mất tiền trong tài khoản tại một số ngân hàng thời gian vừa qua chưa kịp nguội thì lại xuất hiện doanh nghiệp gửi đơn tố giác việc hàng chục tỉ đồng gửi trong tài khoản Ngân hàng VPBank “không cánh mà bay”.

Tiền biến mất khỏi tài khoản

Bà Trần Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (xã Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM) - cho biết bà mở tài khoản tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ cuối tháng 3/2015.

Bà được nhân viên ngân hàng tại VPBank Chi nhánh Tân Phú (TPHCM) đến tận văn phòng mở tài khoản cho công ty của mình. Trong quá trình mua bán nông sản, khách hàng thanh toán tiền hàng vào tài khoản này.

Khoảng tháng Bảy, bà Xuân đến rút tiền thì sốc nặng khi trong tài khoản bỗng dưng mất hơn 11 tỉ đồng, chỉ còn lại khoảng 300.000 đồng.

Nhìn sao kê tài khoản, bà Xuân mới biết việc ký séc, chi séc diễn ra liên tục, trong khi bà chưa hề mua séc lần nào. Trong bản sao kê ghi rõ người mua séc của công ty bà chính là nhân viên Ngân hàng VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng và người rút séc là chồng bà Hằng, tên Nguyễn Huy Nhựt, cùng hai người tên Đỗ Đình Bảo và Phạm Văn Trinh.

Trong thời gian ngắn, cứ số tiền khách chuyển vào tài khoản bao nhiêu thì Nhựt, Bảo, Trinh dùng séc (do chính nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng mua) để rút tiền mặt hoặc chuyển vào Công ty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên.

Bà Xuân cho biết bà có đăng ký thông báo giao dịch Mobile Banking vào số điện thoại cá nhân bà. Trong sao kê tài khoản cũng thể hiện ngân hàng thu phí Mobile Banking đầy đủ nhưng bà không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch trên.

Bà khiếu nại nhưng ngân hàng thoái thác trách nhiệm với lý do nhân viên mua séc của ngân hàng đã nghỉ việc, hồ sơ đã chuyển cho công an điều tra, chỉ có công an mới có quyền mời nhân viên đó lên làm việc chứ với nhân viên nghỉ việc thì ngân hàng không có quyền mời...

“Tôi đã từng đề nghị lãnh đạo chi nhánh VPBank đem toàn bộ hồ sơ đăng ký chữ ký mẫu ban đầu do chính tôi ký ra đối chứng nhưng ngân hàng trả lời không tìm thấy. Tại sao hồ sơ của khách hàng mà ngân hàng lại nói không tìm thấy?” - Bà Xuân bức xúc.

Theo bản sao kê tài khoản của công ty, bà Xuân cho hay bước đầu xác minh cho thấy đã bị mất 11,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới đây một số báo dẫn lời bà Xuân cho hay 26 tỉ đồng trong tài khoản của bà đã không cánh mà bay.

Đã mời bà Xuân làm việc

Ngày 24/8, trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, VPBank đã gửi văn bản cho biết số tiền bị rút đi là 11,3 tỉđồng. VPBank cũng cho biết ngày 19/10/2015, ngân hàng này đã nhận được đơn tố cáo của bà Trần Thị Thanh Xuân về việc ông Phạm Văn Trinh là kế toán của Công ty Quang Huân và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại số tiền trên.

Sau khi nhận được thông tin, VPBank đã ngay lập tức kiểm tra hồ sơ, mở tài khoản, làm việc với các cá nhân có liên quan như ông Phạm Văn Trinh và luật sư đại diện của ông Phạm Văn Trinh; trao đổi, làm việc trực tiếp với bà Xuân vào ngày 30/10/2015.

Tuy nhiên, qua quá trình làm việc, xác minh các cá nhân liên quan đều phủ nhận nội dung tố cáo của bà Xuân và yêu cầu đối chất với bà Xuân để làm rõ.

“Ngân hàng đã chủ động trao đổi, mời bà Xuân làm việc nhằm tạo cơ hội cho các bên đối chất, làm rõ sự việc nhưng bà Xuân không phối hợp và trả lời đã gửi đơn cho các cơ quan công an điều tra, làm rõ” - Lãnh đạo VPBank khẳng định.

Cần điều tra mới biết ai đúng, ai sai

Lãnh đạo VPBank cũng khẳng định việc mở tài khoản, mẫu dấu, chữ ký của chủ tài khoản và các hồ sơ, tài liệu kèm theo của Công ty Quang Huân gửi tới VPBank theo đúng quy định của pháp luật.

“Qua kiểm tra, đối chiếu các chứng từ giao dịch tài khoản của Công ty Quang Huân, VPBank nhận thấy các chứng từ chuyển khoản, rút tiền, mua séc… đều được thực hiện ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân với chữ ký, con dấu khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu với VPBank tại đơn đăng ký mở tài khoản của Công ty Quang Huân” - VPBank cho biết.

Hơn nữa, theo VPBank, các giao dịch, thay đổi số dư thì ngân hàng đều gửi tin nhắn SMS đầy đủ đến số điện thoại đăng ký - số điện thoại này đã được VPBank xác minh chính là số điện thoại của chủ tài khoản - bà Trần Thị Thanh Xuân. “Chúng tôi nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự và rất cần có cơ quan điều tra vào cuộc xác minh” - VPBank nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết vụ việc bây giờ cần phải chờ kết luận của cơ quan chức năng thì mới xác định được trách nhiệm của khách hàng và nhân viên ngân hàng sai ở đâu, sai như thế nào và ai phải chịu trách nhiệm chính.

Nhưng trong trường hợp cơ quan chức năng xác định lỗi do nhân viên ngân hàng thì cho dù nhân viên ngân hàng đó đã nghỉ việc thì ngân hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. “Vì khi xảy ra vụ việc thì nhân viên đó đang là nhân viên tại ngân hàng này” - ông Đức nói.

Mong sớm làm sáng tỏ vụ việc

Ông Nguyễn Thành Long - Phó Tổng Giám đốc VPBank - khẳng định: “Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, chúng tôi tin rằng sẽ sớm làm sáng tỏ được các nghi vấn: Chữ ký chủ tài khoản, con dấu Công ty Quang Huân sử dụng để đăng ký mở tài khoản và thực hiện các giao dịch mở tài khoản, chứng từ giao dịch cũng như việc nhận SMS liên quan đến giao dịch tài khoản…”.

Cũng theo ông Long, ngân hàng cũng đang mong các cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra, xác minh và đưa ra kết luận rõ ràng về vụ việc.

“Nguyên tắc hoạt động của ngân hàng chúng tôi luôn bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật, luôn tăng cường hệ thống kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn cho giao dịch, tài sản, tiền gửi của khách hàng. VPBank cam kết luôn bảo đảm đến cùng quyền lợi của khách hàng theo đúng quy định pháp luật” - Ông Long nhấn mạnh.

Luật sư Huỳnh Trung Hiếu (Công ty luật Hass-Lawyers) cho rằng vụ việc hàng chục tỉ đồng của khách hàng biến mất khỏi tài khoản VPBank có những điểm nhạy cảm cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ như: có hay không hành vi giả mạo chữ ký trên séc, làm giả các tài liệu giao dịch (ủy quyền): xác định ý thức chiếm đoạt như thế nào, từ thời điểm nào. Từ đó nhằm phân định nhóm hành vi tương ứng với các chế tài được quy định hiện nay.

Trong khi đó, ông Ngô Việt Khôi - Chuyên gia an ninh mạng - nhận định vụ tiền tỉ biến mất tại tài khoản của VPBank có khả năng không mang yếu tố kỹ thuật an ninh mạng, không liên quan đến tính bảo mật. Đây có thể là vấn đề sơ hở trong quản lý con người, quy trình rút tiền, quy trình quản lý quy trình làm việc.

Theo PLO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.