Vụ kiện cho kình địch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, 76 tuổi, đã kiện kênh truyền hình CNN tại tòa án liên bang ở Fort Lauderdale, Florida, đòi bồi thường 475 triệu USD.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

CNN thường là mục tiêu của cựu Tổng thống, giữa hai bên có thể nói là một quan hệ kình địch.

Đơn kiện dài 29 trang của Trump chủ yếu tập trung vào thuật ngữ “The big lies” (Lời nói dối lớn) mà CNN dành cho những tuyên bố của Trump nói rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã xảy ra sự gian lận phổ biến khiến ông thua đối thủ Joe Biden.

Trump cho rằng cụm từ có hàm ý nhắc tới Đức Quốc xã và đã được sử dụng để nhắc đến ông hơn 7.700 lần trên CNN kể từ tháng 1 năm 2021. Đơn kiện cũng nói rằng CNN có cả hồ sơ dài chỉ trích ông, nhưng họ đã gia tăng công kích những tháng gần đây để ngăn ông tái tranh cử năm 2024 - mặc dù cho đến giờ ông vẫn chưa tuyên bố có tranh cử hay không.

“Là một nỗ lực để cán cân chính trị nghiên sang bên trái, CNN đang cố bôi nhọ nguyên đơn bằng hàng loạt nhãn mác sai trái và phỉ báng, như “tay sai của Nga”, “phân biệt chủng tộc” hay “Hitler”” - đơn kiện của Trump viết. “Nó nhằm mục đích thổi phồng, khiến mọi người sợ hãi và kích động họ” - cựu Tổng thống cho biết thêm.

Trump còn ra tuyên bố gợi ý rằng, các vụ kiện tương tự sẽ được đệ trình chống lại các cơ quan báo chí khác, thậm chí có thể có “hành động thích hợp” chống lại Ủy ban Hạ viện đang điều tra vụ bạo loạn của những người ủng hộ ông hôm 6/1/2020 nhằm vào Điện Capitol.

Trump có mối quan hệ tưởng như “không đội trời chung” và đã có những lần kiện các cơ quan báo chí từ trước đó: Năm 2020, chiến dịch của Trump kiện tờ Washington Post vì một bài báo cho rằng chiến dịch tranh cử của ông liên quan tới sự can thiệp bầu cử của Nga - vụ kiện đang được treo lại. Một vụ kiện tương tự chống lại tờ New York Times năm ngoái cũng bị bác bỏ.

Năm 2017, ông điểm mặt chỉ tên hàng loạt tờ báo và kênh truyền hình Mỹ, trong đó có CNN mà ông cáo buộc là “truyền thông tin tức giả”, là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”.

Ông thường xuyên cáo buộc họ đưa tin giả và nhiều lần không cần thông qua báo chí truyền hình để truyền đi các thông điệp của mình mà gửi thẳng qua các tin nhắn Twitter hay Facebook đến công chúng. Ngay trong nhiệm kỳ của ông, Twitter đã khóa tài khoản của Tổng thống, Facebook dán nhãn cảnh báo mỗi khi Tổng thống đăng một thông điệp mới.

Ngay cả khi Trump còn đương nhiệm, quyền lực của Tổng thống đã bị thách thức bởi quyền lực của truyền thông và có lúc bị lấn ép bởi quyền lực truyền thông. Trong suốt nhiệm kỳ, các cơ quan báo chí truyền thông Mỹ đã không buông tha ông và luôn chỉ trích các chính sách của ông bằng những lời lẽ rất nặng nề.

Nhưng cho dù ông có lên tiếng cáo buộc họ hay thậm chí cấm cửa phóng viên CNN tới Nhà Trắng, thì vị thế của các cơ quan báo chí truyền thông Mỹ dường như không hề suy suyển.

Nhiều tờ báo, kênh truyền hình đã xây dựng uy tín của họ hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm, tạo dựng một “tượng đài” về tính khách quan và công chúng Mỹ dường như hoàn toàn tin vào điều đó, quên đi cả những bê bối của các cơ quan báo chí Mỹ.

Nhưng qua sự việc này, rõ ràng phải đặt lại dấu hỏi về tính khách quan và trung thực của báo chí, uy tín càng lớn thì khả năng dẫn dắt, định hướng của họ với công chúng càng nhiều, do vậy khó mà nói họ đã vô tư, khách quan khi dùng những ngôn từ bất lợi cho Trump.

Đơn kiện của Trump không phải không có lý khi cho rằng “bằng cách đơn giản là nhấn mạnh bất kỳ thông tin tiêu cực nào về nguyên đơn và phớt lờ tất cả thông tin tích cực về ông ấy, CNN đã tìm cách sử dụng ảnh hưởng to lớn của mình, vốn được coi là một nguồn tin đáng tin cậy, để phỉ báng nguyên đơn trong tâm trí khán giả và độc giả nhằm gây thất bại cho ông về mặt chính trị”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?