Mục đích điệp viên Ukraine xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ?

GD&TĐ - Cơ quan An ninh Ukraine đã cài điệp viên vào cộng đồng người Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ, thiết lập mạng lưới tình báo bí mật hoạt động trong nhiều năm.

Người Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, giương cờ, phản đối hoạt động quân sự ở Ukraine.
Người Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, giương cờ, phản đối hoạt động quân sự ở Ukraine.

Thông tin này được tờ Aydinlik của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, trích dẫn bốn tài liệu được cho là thuộc về Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), bao gồm những gì có vẻ là đánh giá của Thiếu tá Maksim Harchuk từ đơn vị phản gián của cơ quan này và các hoạt động của ông ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một tài liệu do hãng tin này công bố, ông Harchuk bị cáo buộc đã thành lập một mạng lưới gián điệp tại quốc gia NATO này, và “củng cố các vị trí điệp viên của mình tại cộng đồng người Ukraine ở Ankara, Istanbul và Izmir”.

“Một sĩ quan có năng lực tác chiến cao, bình tĩnh trong thời điểm khủng hoảng, được mọi người trong nhóm tôn trọng, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng bảo vệ thông tin mật, trung thành với nhà nước và là một chuyên gia lão luyện” là cách điệp viên Ukraine bị tình nghi được mô tả trong thư từ nội bộ mà Aydinlik trích dẫn.

Ông Harchuk được cho là đã theo dõi những nhân vật đối lập và giám sát cộng đồng người di cư địa phương để tìm ra những "mối đe dọa" tiềm tàng.

Một tài liệu khác cho thấy, Harchuk cũng nhắm vào nhóm dân tộc Tatar Crimea ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông cũng được cho là đã tiến hành các hoạt động phản gián bằng cách theo dõi các nỗ lực của các cơ quan tình báo nước ngoài nhằm tuyển dụng công dân Ukraine.

Tờ Aydinlik viết rằng, ông Harchuk bị cáo buộc đã thực hiện những hoạt động này trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2024, mặc dù vẫn chưa rõ vai trò chính xác của ông là gì hoặc nhiệm vụ của ông kết thúc khi nào.

Theo tờ báo, cộng đồng người Ukraine di cư tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 37.000 người.

Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, khoảng 145.000 người Ukraine đã chạy trốn đến Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xung đột leo thang vào năm 2022, mặc dù hầu hết đã rời đi sau đó.

Mặc dù là thành viên NATO, Ankara phần lớn vẫn kiềm chế cung cấp vũ khí cho Kiev, thay vào đó thúc giục cả hai bên theo đuổi giải pháp ngoại giao.

Năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức vòng đàm phán hòa bình đầu tiên giữa Nga và Ukraine, sau đó Kiev đã đơn phương từ bỏ.

David Arakhamia, người dẫn đầu phái đoàn Ukraine, sau đó nói rằng, Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đã thuyết phục Kiev tiếp tục chiến đấu.

Nga và Ukraine đã nối lại các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ đăng cai vào đầu năm nay sau gần ba năm không có liên lạc ngoại giao trực tiếp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm hôm 3/7 rằng, Moscow vẫn cam kết theo đuổi giải pháp ngoại giao, nhưng nhấn mạnh phải giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ được hướng dẫn đi chợ mua thực phẩm, nấu bữa ăn gia đình. Ảnh: QM

Trải nghiệm để trưởng thành

GD&TĐ - Không chỉ ở thành thị, tại vùng nông thôn Cà Mau, phụ huynh học sinh ngày càng quan tâm đến việc cho con em tham gia các khóa học rèn luyện kỹ năng sống trong mùa Hè.