Miệt mài gieo từng con chữ
Là một trong những giáo viên có thâm niên hợp đồng lâu nhất của huyện Thanh Oai, thầy Trần Hữu San - giáo viên Trường THCS Cao Dương - cho biết: Thầy đã có 21 năm đứng trên bục giảng và cũng là chừng ấy năm là giáo viên hợp đồng của huyện. Thầy kể: Năm 1997, thầy được UBND huyện ký hợp đồng làm giáo viên với hệ số lương 1,0. Hệ số lương này không thay đổi cho đến bây giờ.
21 năm làm giáo viên hợp đồng, không được tăng lương, không được hưởng phụ cấp thâm niên và các khoản phụ cấp ưu đãi khác nhưng thầy San vẫn miệt mài với “phấn trắng, bảng đen”, gieo từng con chữ cho học sinh nơi đây. “Lương thấp, cuộc sống khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn hay bất mãn. Ngày lên lớp, tối lại về bên trang giáo án. Một ngày của tôi là thế. Lúc nào tôi muốn được cống hiến với nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của quê hương” - thầy San bộc bạch.
“Được biết, huyện Thanh Oai đang còn thiếu khoảng hơn 200 giáo viên. UBND huyện cũng cho biết đã có báo cáo với thành phố Hà Nội để các giáo viên hợp đồng được thi viên chức vào ngành Giáo dục. Tuy nhiên, nếu sau ngày 1/1/2019, thành phố chưa phê duyệt và huyện chưa thể tổ chức thi tuyển viên chức thì sao, liệu huyện có tiếp tục rót kinh phí cho các trường để hiệu trưởng tái ký hợp đồng với chúng tôi hay không?” - thầy G.L - một giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai.
Được biết, thầy San là một trong những giáo viên “cứng” của Trường THCS Cao Dương. Thầy luôn được phân công dạy khối 9 và ôn thi đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường. Khi được hỏi, với đồng lương từ lúc chỉ có chưa đầy 200.000 đồng/tháng nay lên đến 1.390.000 đồng/tháng thì thầy trang trải cuộc sống như thế nào, động lực nào mà thầy có thể bám trụ đến ngày hôm nay, thầy San trải lòng: “Thú thật, nếu không yêu nghề, không tâm huyết với nghề thì chắc không thể bám trường, bám lớp cho đến ngày hôm nay”. Thầy San cho biết: Để có thể trang trải cuộc sống, thầy phải làm thêm nhiều nghề, tăng gia sản xuất bằng việc chăn nuôi, trồng rau, trồng ổi để bán nhằm có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống của gia đình. Nhưng lúc nào thầy cũng xác định đó chỉ là nghề phụ, nghề tay trái và nghề chính của thầy mãi mãi là giáo viên, là “anh giáo làng” của xã Cao Dương.
Theo thầy San, từ nay đến hết năm 2018 thì không sao, vì huyện đã chỉ đạo các trường ký hợp đồng với giáo viên và giữ nguyên các chế độ như đã ký hợp đồng với UBND huyện. “Điều chúng tôi quan ngại là kể từ ngày 1/1/2019 trở đi, liệu UBND huyện có đảm bảo cho chúng tôi rằng, hiệu trưởng sẽ tái ký hợp đồng nữa không, hay vì yếu tố định biên và tài chính sẽ chấm dứt hợp đồng với chúng tôi? Lúc đó bao nhiêu năm cống hiến trong ngành của chúng tôi đều không có giá trị. Với những giáo viên trẻ thì có thể chuyển đổi nghề nghiệp dễ dàng hơn, nhưng với những giáo viên đã có hơn 20 năm ký hợp đồng với huyện, sống quá nửa đời người thì biết chuyển đổi sang nghề gì. Mà ở tuổi “ngấp nghé 50” thì không một cơ quan, doanh nghiệp nào tuyển dụng chúng tôi nữa”. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong các cấp Công đoàn và ngành Giáo dục có ý kiến với các cấp có thẩm quyền để chúng tôi được tiếp tục dạy học, được cống hiến với ngành” - thầy San trải lòng.
Hệ số lương “bền vững”
Không có thâm niên hợp đồng như thầy Trần Hữu San, thầy G.L (xin được giấu tên) cũng có 15 năm làm giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai. Thời điểm bắt đầu ký là năm 2003, hưởng lương hệ số 1,0 với mức 210.000 đồng/tháng. “Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, đây là hệ số lương bền vững vì dù có bao nhiêu năm công tác đi chăng nữa thì chúng tôi cũng chỉ được hưởng hệ số 1,0. Vì thế, sau 15 năm dạy học, đến nay lương của tôi chỉ được 1.390.000 đồng/tháng” - thầy G.L chia sẻ.
Cũng như nhiều giáo viên khác, để có thể trang trải cuộc sống gia đình, thầy làm thêm nghề cắt tóc với mong muốn một ngày nào đó sẽ có sự đổi thay, chí ít cũng được tăng lương thường xuyên theo quy định của Nhà nước. “3 năm miệt mài đèn sách trong Trường Cao đẳng Sư phạm cũng chỉ nuôi dưỡng ước mơ đến ngày ra trường được làm thầy giáo. Vì thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn muốn được dạy học, được đứng trên bục giảng mỗi ngày, dẫu biết rằng điều đó là ích kỷ với vợ, con vì đã không thể mang đến cho những người mình yêu quý một cuộc sống an nhàn, sung túc. Nhưng đó mới là cuộc sống, là hơi thở và là hạnh phúc của chúng tôi” - thầy G.L bộc bạch.
Trong câu chuyện của mình, chúng tôi thấy rõ nét mặt mệt mỏi, u buồn của cô giáo N.T.L - Trường Mầm non Bình Minh I. Cô tâm sự: Cô may mắn hơn nhiều bạn học vì sau khi ra trường (năm 2010) cô được UBND huyện Thanh Oai ký hợp đồng làm giáo viên mầm non, tính đến nay cũng được 8 năm.
“Niềm vui đang căng tràn thì nhận được “Công văn 1020” của UBND huyện Thanh Oai, khiến đội ngũ giáo viên mầm non chúng tôi cảm thấy hoang mang. Đã đành là trong những tháng còn lại của năm 2018 sẽ không có gì thay đổi, nhưng đến ngày 1/1/2019 trở đi thì sao, huyện có bảo lãnh cho chúng tôi để các hiệu trưởng tái ký hợp đồng hay không? Nếu không thì giáo viên chúng tôi vẫn là người thiệt thòi và không biết nương tựa vào đâu” - cô N.T.L đặt vấn đề.