Tâm nguyện là được dạy học
Là một trong những giáo viên hợp đồng với UBND huyện Thanh Oai được 15 năm, thầy Nguyễn Gia Luân - giáo viên Trường Tiểu học Dân Hòa - cho biết: Cả hai vợ chồng thầy đều là giáo viên hợp đồng của huyện. Bản thân thầy tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Năm 2003, sau khi ra trường, thầy được UBND huyện Thanh Oai ký hợp đồng dài hạn hưởng theo hệ số 1,0. Thời điểm đó, lương hàng tháng chỉ vẻn vẹn 210.000 đồng, nay được tăng lên 1.390.000 đồng/tháng.
“Biết bao khó khăn trong cuộc sống, nhưng cũng chỉ vì yêu nghề, muốn được cống hiến với nghề nên vợ chồng tôi mới quyết tâm bám trụ đến ngày hôm nay. Giờ đây chúng tôi rất hoang mang khi nhận được công văn của huyện về việc sẽ chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên như chúng tôi để chuyển về các nhà trường và do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng.
Từ nay đến hết năm 2018 thì không sao, nhưng sau ngày 1/1/2019, liệu chúng tôi có được tiếp tục tái ký hợp đồng nữa hay không và quyền lợi của chúng tôi sẽ như thế nào?” - thầy Nguyễn Gia Luân trăn trở.
Cũng theo thầy Nguyễn Gia Luân, là giáo viên hợp đồng nên tâm thế của mọi người đều luôn cố gắng, phấn đấu trong công việc. Vì thế, rất nhiều người là giáo viên dạy giỏi, được nhà trường tín nhiệm giao là giáo viên chủ nhiệm hoặc dạy học ở các lớp mũi nhọn và tham gia bồi dưỡng HS giỏi.
“Nguyện vọng của chúng tôi là tiếp tục được làm việc và cống hiến cho ngành GD. Vì thế, rất mong UBND huyện và TP Hà Nội thấu hiểu và chia sẻ với chúng tôi. Đồng ý là chuyển về cho hiệu trưởng ký hợp đồng, nhưng rất mong huyện và thành phố có giải pháp về kinh phí để các trường yên tâm tái ký hợp đồng với chúng tôi. Trong trường hợp không thể tái ký hợp đồng, thì cần hỗ trợ cho chúng tôi một khoản trợ cấp hợp lý để chúng tôi có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp” - thầy Luân đề xuất.
Hơn 20 năm cống hiến trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1965) - Trường Mầm non Cao Dương - chia sẻ: Cô dạy học từ những năm hưởng lương bằng thóc, bằng nông sản của bà con nông dân. Mãi sau này mới được hưởng lương và có chế độ bảo hiểm xã hội. Niềm vui chưa được bao lâu, nay lại nhận được tin UBND huyện sẽ chấm dứt hợp đồng với chúng tôi khiến chúng tôi rất hoang mang.
“Chúng tôi cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp GD. Khi ngành GD của huyện cần chúng tôi nhất, chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và chưa bao giờ chúng tôi kêu ca, phàn nàn, ngay cả những lúc khó khăn nhất. Tất cả chỉ với một tâm nguyện duy nhất là được dạy học. Chỉ còn 1 - 2 năm nữa là tôi đến tuổi nghỉ hưu vậy mà lại đang phải đứng trước nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng, nghĩ mà xót xa. Rất mong các cấp xem xét để có giải pháp thỏa đáng cho giáo viên chúng tôi” - cô giáo Nguyễn Thị Hà trải lòng.
Xây dựng Đề án vị trí việc làm cho giáo viên
Tại buổi làm việc với Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai, Trưởng phòng Đoàn Việt Dũng cho biết: Toàn huyện có 441 giáo viên, nhân viên trong trường học đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động với UBND huyện; trong đó có 432 giáo viên và 9 nhân viên. Trong suốt thời gian làm hợp đồng, giáo viên chỉ được hưởng lương theo hệ số 1,0. “Mặc dù lương thấp nhưng với nhiều giáo viên đó là nguồn thu nhập chính và họ vẫn rất yêu nghề, bám trường, bám lớp. Đó là điều mà chúng tôi hết sức trân trọng” - ông Đoàn Việt Dũng nhấn mạnh.
“Hiện nay, huyện Thanh Oai có có 198 giáo viên THCS trong diện hợp đồng, trong đó có giáo viên được ký từ năm 1989 và gần đây nhất là năm 2013. Đối với cấp tiểu học, có 76 giáo viên hợp đồng, trong đó có giáo viên được ký từ năm 1996. Đối với giáo viên mầm non có 167 giáo viên hợp đồng, người có thâm niên nhất là từ năm 1987 và gần đây nhất là từ năm 2011”.
Khẳng định văn bản của huyện không sai, ông Dũng cho rằng, vấn đề là chúng ta cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, để đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên hợp đồng này. Hiện nay, về cơ bản, huyện đáp ứng đủ số giáo viên khối tiểu học. Còn đối với giáo viên THCS, các trường sẽ đáp ứng ký hợp đồng được một nửa tổng số giáo viên đang trong diện hợp đồng. Đối với giáo viên mầm non, hiệu trưởng các trường mầm non công lập đã hứa, nếu giáo viên có nhu cầu thì sẽ giới thiệu sang dạy ở các nhóm tư thục và có thể giới thiệu cho 70 giáo viên.
“Chúng tôi rất chia sẻ với tâm tư của giáo viên hợp đồng và cũng rất buồn khi phải thực hiện quy định này. Trước mắt, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch sử dụng giáo viên hợp lý. Đồng thời phối hợp với Phòng Nội vụ để tham mưu với UBND huyện đề xuất với Sở Nội vụ Hà Nội sớm có kế hoạch thi tuyển viên chức nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên hợp đồng được tham gia thi tuyển” - ông Đoàn Việt Dũng trao đổi, đồng thời cho biết: UBND huyện đã giao cho Phòng GD&ĐT phối hợp cùng Phòng Nội vụ xây dựng Đề án vị trí việc làm cho giáo viên dôi dư.
Là người gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với một số giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai, bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành GD Hà Nội rất chia sẻ với những tâm tư nguyện vọng của các giáo viên. Đồng thời bà cho biết sẽ báo cáo với Ban Giám đốc Sở GD&ĐT và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội để các đồng chí có ý kiến với cấp có thẩm quyền về trường hợp của các giáo viên huyện Thanh Oai.
Bà Trần Thị Thu Hà cũng khẳng định, Công đoàn ngành GD Hà Nội sẽ phối hợp, hướng dẫn tư vấn với Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ huyện Thanh Oai để tạo điều kiện tốt nhất cho các giáo viên hợp đồng. Qua đó, vừa đảm bảo được chủ trương chính sách của Nhà nước vừa giải quyết được tâm tư, nguyện vọng và việc làm của đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên có cống hiến lâu năm trong ngành.