Tình người với kẻ xa lạ…
Qua phần xét hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), những người làm chứng đều khẳng định bản thân chỉ “nhờ các bị cáo xem trước điểm thi” của con, em, người quen biết, đồng hương, con em bạn bè, người thân để kịp thời điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp. Tất cả những nhân chứng được mời đến dự phiên tòa đều quả quyết không hề có sự tác động để nâng điểm, sửa điểm cho con em mình.
Đáng chú ý là lời khai của ông Lê Văn Thời, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Sơn Hải. Khi được xét hỏi, ông Thời cho biết, có quen biết với ông Hoàng Tiến Đức từ khi hai người cùng ở huyện Mai Sơn. Trong một bữa cơm tại nhà hàng của mình, thấy ông Đức ăn cơm ở đó, có một khách hàng đã nhờ ông Thời nhờ ông Đức xem điểm trước cho con. Do trong lúc uống rượu nên ông Thời không còn nhớ thông tin về thí sinh này.
Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, người được tòa xét hỏi với tư cách là người làm chứng khẳng định, do quen biết với Nguyễn Ngọc Hà và Nguyễn Minh Khoa (cán bộ công an tỉnh Sơn La), trước và trong kỳ thi bản thân có trực tiếp nhờ hai ông này “xem điểm trước” cho con trai và cháu ruột của mình.
Ông Hà khai nhận, trước khi chấm thi THPT quốc gia có trực tiếp chuyển danh sách, thông tin của 10 thí sinh cho một số thành viên Ban chấm thi giúp đỡ, trong đó có con gái ông là Nguyễn Yến Khanh.
Sau khi có thông tin các thí sinh, ông Hà tập hợp lại, trực tiếp viết tay thông tin các thí sinh thành 4 danh sách rồi chuyển cho các bị can Nguyễn Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh và Hoàng Tiến Đức nhờ giúp đỡ, trong đó có 2/10 thí sinh trùng nhau vì nhờ 2 người “xem điểm trước”. Có những thí sinh mà đến tận bây giờ ông Hà cũng không nhớ nổi tên và không hề biết đó là ai.
“Kèo” bạc tỷ...
Trần Xuân Yến được cho là “tổng chỉ huy” vụ sửa điểm, nâng điểm mặc dù y vẫn chối bay, chối biến |
Trong quá trình tòa xét hỏi, bà Lò Thị Trường, mẹ của thí sinh Lù Mạnh Hùng khai nhận có quan hệ gia đình, gọi bị cáo Lò Văn Huynh, cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La là chú. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bà Trường đến nhà bị cáo Huynh “nhờ ông xem hộ điểm trước” cho con trai mình. Quá trình nhờ vả, hai bên không có hứa hẹn gì về vật chất.
Bà Trường không nhớ con mình được bao nhiêu điểm, nhưng chỉ biết là trúng tuyển vào trường an ninh. Rồi sau chấm thẩm định con trai bà “không đạt” nên bị trường trả về. Khi đối chất, Huynh xác nhận lời khai của bà Trường là đúng. Song ông Huynh khai sau kỳ thi bà Trường có đến đưa 300 triệu đồng cảm ơn nhưng ông đã trả lại.
Trường hợp của ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên TP Sơn La cũng có nhiều điểm đáng ngờ. Ông Điện cho biết chỉ nhờ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga “xem điểm trước” giúp 4 thí sinh, là con của người quen và đồng nghiệp. “Phụ huynh nói muốn biết trước điểm nên nhờ xem cho đỡ sốt ruột và điều chỉnh nguyện vọng”, ông Điện nói.
Qua đối chất, bị cáo Nga khẳng định được ông Điện nhờ xem điểm và “giúp đỡ” cho các cháu. “Giúp đỡ” để đạt được điểm mong muốn. “Khi thực hiện thì anh Điện cám ơn tôi bằng tiền. Tổng số tiền cảm ơn là 1 tỷ 40 triệu đồng”, bị cáo Nga khai nhận.
Nghi vấn tội đưa, nhận hối lộ
Nguyễn Ngọc Hà (cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La), người đã “nhờ xem điểm giúp” 10 thí sinh |
Ngày 18/10, Kiểm sát viên đã đề nghị trả hồ sơ điều tra lại do nhận thấy có dấu hiệu của tội đưa và nhận hối lộ. HĐXX đã nhất trí trả lại hồ sơ vụ án. Chủ tọa phiên tòa cho biết, đã có căn cứ cho thấy sẽ còn những đồng phạm khác, người khác mà Bộ luật Hình sự quy định liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vì vậy, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự này. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La sẽ tiến hành điều tra bổ sung, làm rõ.
Có 4 vấn đề cần được làm sáng tỏ trong vụ án, đó là:
Thứ nhất, làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện việc mua điểm cho 44 thí sinh, từ đó xem xét khởi tố vụ án về tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ, đưa hối lộ.
Thứ hai, làm rõ nguồn gốc số tiền, hành vi thỏa thuận đưa, nhận tiền của các bị cáo: Nguyễn Thị Hồng Nga và Trần Văn Điện đối với số tiền 1,04 tỷ đồng mà bị cáo Nga đã khai nhận trong quá trình điều tra; Số tiền 300 triệu đồng mà Lò Thị Trường đã đưa cho Lò Văn Huynh, sau đó Huynh trả lại; Số tiền 2,1 tỷ đồng mà Lò Văn Huynh và Nguyễn Minh Khoa đã có “giao kèo” với nhau, trong đó 1 tỷ đồng là số tiền Huynh đã nhận, 1,1 tỷ đồng là số tiền đã thỏa thuận nhưng chưa giao nhận;
Cả việc đưa, nhận 200 triệu đồng giữa Nguyễn Thị Xuyên và bị cáo Đặng Hữu Thủy theo như bị cáo Thủy đã khai nhận tại phiên tòa; Thủy còn khai nhận đã nhận rồi trả lại 150 triệu đồng của Nguyễn Thị Kim. Rồi cả hành vi thỏa thuận lợi ích vật chất là tiền giữa bị cáo Thủy và Bùi Thị Xuân với số tiền hơn 200 triệu đồng. Hay như việc cần phải làm rõ nguồn gốc số tiền 150 triệu đồng và hành vi thỏa thuận đưa, nhận tiền giữa Thủy với Nguyễn Thị Mai Hà.
Tòa cũng yêu cầu làm rõ số tiền 440 triệu đồng giao, nhận giữa Cầm Thị Bun Sọn và Quàng Thị Thành. Làm rõ những vấn đề trên sẽ xác định được yếu tố cấu thành hay không cấu thành tội nhận hối lộ của các đối tượng.
Thứ ba, tòa yêu cầu tiến hành trưng cầu ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải thích về quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm theo quy định của Bộ GD&ĐT. Từ đó để làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan.
Thứ 4, làm rõ trách nhiệm ông Đinh Văn An, Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Khắc Hưng, Trần Xuân Yến trong việc niêm phong, mở niêm phong bài thi trắc nghiệm.